Những ngôi nhà yêu thương

Không khó để tìm tới những ngôi nhà mang đậm dấu ấn của những người lính Biên phòng trên khu vực biên giới Thừa Thiên Huế. Sau nhiều nỗ lực kết nối bằng thiện tâm của mình, người lính mang quân hàm xanh đã tự tay xây dựng nhiều ngôi nhà trao tặng cho người dân nghèo. Chúng tôi gọi đó là những ngôi nhà lan tỏa yêu thương.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây làm sân nhà cho gia đình bà Lê Thị Chung. Ảnh: Văn Đức

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây làm sân nhà cho gia đình bà Lê Thị Chung. Ảnh: Văn Đức

Nắng như đổ lửa. Trời xanh không một gợn mây. Thiếu tá Văn Lê Lâm Đức, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây dẫn chúng tôi rẽ vào ngôi nhà có chiếc cổng vòm kết bằng thân cây hoa giấy đang đơm bông đỏ rực. Chủ nhân của ngôi nhà còn thơm mùi vôi vữa, bà Lê Thị Chung (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) nhai trầu bỏm bẻm, tự tay đun nước, pha trà mời chúng tôi.

Ngôi nhà rộng 50m2 được hoàn thành từ tháng 4-2019 là món quà bất ngờ mà những người lính ở Chân Mây dành tặng cho mẹ Chung theo cách gọi của họ. “Hôm nay nắng quá, nếu vẫn ở nhà cũ thì không thể thở nổi” - Mẹ Chung bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng ký ức về ngôi nhà cũ - “Ngày xưa, gom góp mãi, mẹ mới làm được ngôi nhà ghép ván, mái lợp tôn. Bao năm dầm mưa, dãi nắng, ván bị mối mọt hết, mái tôn cũng thủng lỗ chỗ. Trước mỗi cơn gió lớn, khung nhà rung lắc như muốn sập xuống. Mưa gió lúc nào là mẹ chạy lúc đó, không kể ngày hay đêm”. Nỗi sợ nhà sập khiến mẹ Chung lúc nào cũng thấp thỏm, không thể ngon giấc: “Có đêm, gió nổi lên, khung nhà kêu rắc rắc. Mẹ đâu có dám ngủ, chỉ sợ nhà sập đè chết hai bà cháu lúc nào không hay”.

Mẹ Chung, sinh năm 1930, người gốc Thanh Hóa, nguyên là thanh niên xung phong từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Hiện giờ, đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mẹ Chung với số tiền lương hưu ít ỏi 2 triệu đồng/tháng vẫn là chỗ dựa của cô cháu gái đang học cấp 2. “Mẹ nuôi cháu ngoại từ lúc nó được 2 tháng tuổi đến giờ. Mẹ hắn bỏ đi, còn bố làm ngoài Đà Nẵng thi thoảng mới về” – Mẹ Chung kể. Ước mơ về một ngôi nhà vững chãi trở lên xa vời với mẹ Chung, bởi số tiền chắt chiu dành dụm trong nhiều năm quá ít ỏi, không thể làm lại nhà.

Những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây đồng cảm với mẹ Chung, bởi ngày ngày họ đều đi qua ngôi nhà cũ kỹ chực đổ của mẹ. Họ âm thầm kết nối với các cơ quan báo chí và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế quyên góp được một khoản tiền giúp mẹ Chung làm nhà. “Hôm BĐBP đến nói sẽ làm nhà giúp, mẹ ngỡ như mình nghe nhầm. Mẹ mừng lắm” - Mẹ Chung tâm sự.

Ngoài số tiền huy động được, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây hỗ trợ mẹ Chung 8 tấn xi măng, 5 xe cát. Mẹ Chung vẫn lo vì còn tiền công thợ... Những người lính Biên phòng lại trấn an, có chúng con đây, mẹ cứ yên tâm. Quả thật, đúng ngày khởi công dựng nhà, cán bộ, chiến sĩ tới giúp mẹ Chung tháo dỡ ngôi nhà cũ, san nền, vận chuyển nguyên vật liệu dựng nhà. “Các chú Biên phòng nhiệt tình thiệt đó, giúp mẹ cho tới khi dựng nhà xong, vậy mà mẹ mua lon nước mời các chú ấy cũng khó” - Mẹ Chung kể.

Với sự hợp sức của những người lính mang quân hàm xanh, chỉ trong vòng một tháng, mẹ Chung đã có nhà mới để ở. Ngồi trước hiên nhà, mẹ Chung cười hồn hậu, tâm sự: “Ước mơ bấy lâu nay của mẹ đã thành sự thật. Có chỗ che nắng, tránh mưa đàng hoàng như thế này, mẹ toại nguyện rồi”.

Ngược lên huyện miền núi A Lưới, Thiếu tá Hồ Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm cùng chúng tôi vào thăm mẹ Hồ Thị Mứt, ở thôn Tu Vay, xã Hồng Thái. Cuộc trò chuyện của những người lính Biên phòng với mẹ Mứt tràn ngập tiếng cười, thân tình như người trong một nhà. Mẹ Mứt kể chuyện ngày xưa đi gùi lương thực, thực phẩm, giúp đỡ bộ đội rồi chuyện làm nương rẫy. Những người lính động viên mẹ Mứt vững tâm sống vui, sống khỏe với con cháu. “Có chuyện gì khó khăn cứ nói với chúng con. Giúp được việc gì, chúng con sẽ gắng hết sức” – Thiếu tá Hồ Văn Việt chân thành nói.

Mẹ Mứt năm nay 61 tuổi, cũng từng là thanh niên xung phong, cống hiến cả thanh xuân của mình cho Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kinh tế gia đình mẹ bấy lâu nay trông chờ vào một sào lúa nước và mấy mảnh nương. Cuộc sống quá khó khăn, mẹ Mứt chưa khi nào dám nghĩ tới việc dựng nhà mới. Bất ngờ, một ngày mẹ nhận tin BĐBP sẽ giúp làm lại nhà. Ngôi nhà được dựng lên nhờ khoản tiền hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông qua sự kết nối của Đồn Biên phòng Nhâm. Riêng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm làm tặng mẹ Mứt bộ cửa và đóng góp toàn bộ ngày công xây dựng nhà.

Mẹ Mứt hồ hởi kể: “BĐBP giúp mẹ nhiều lắm. 4 tháng ròng, bộ đội tới giúp mẹ dỡ nhà cũ, làm nền, xây tường, dựng nhà rồi cất nóc. Nhìn hình hài ngôi nhà hoàn thiện từng ngày, cái bụng mẹ mừng lắm. Giờ thì ngủ ngon rồi”. Chứng kiến niềm vui, hạnh phúc của mẹ Mứt, Thiếu tá Hồ Văn Việt chia sẻ: “Chúng tôi hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho người dân. Chúng tôi hy vọng sẽ huy động được thêm nhiều nguồn lực để xây dựng nhiều ngôi nhà nữa tặng cho người dân nghèo”.

Những ngày đi dọc biên giới Thừa Thiên Huế, chúng tôi còn được chứng kiến thêm nhiều nụ cười hạnh phúc của những người dân nghèo được BĐBP Thừa Thiên Huế giúp đỡ, chia sẻ. Chúng tôi được biết, trong những năm gần đây, cùng với việc xây dựng nhà tặng người dân nghèo, BĐBP Thừa Thiên Huế đã nhận đỡ đầu 85 học sinh; tặng 50 suất học bổng trị giá 25 triệu đồng cho học sinh nghèo; giúp dân hơn 2.300 ngày công lao động sản xuất; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.400 người, đồng thời thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu nạn, cứu hộ trên biển.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-ngoi-nha-yeu-thuong/