Những ngôi trường chờ sập!

Nếu các địa phương vẫn bỏ mặc những ngôi trường đang xuống cấp trầm trọng, thờ ơ với tính mạng học sinh thì sẽ còn xảy ra nhiều vụ như sập sàn lớp học tại Trường THCS - THPT Ðống Ða (Lâm Đồng), khiến 11 học sinh bị thương.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú Lâm Đồng phải niêm phong toàn bộ dãy B

Lo sợ lớp học bị sập, từ năm học 2016 - 2017, Ban Giám hiệu Trường THCS - THPT Đống Đa đã tạm dừng mọi hoạt động tại 4 phòng học thuộc dãy B. Thế nhưng trước khi năm học mới 2017 - 2018 chính thức khai giảng, 1 phòng học thuộc dãy A bất ngờ bị sập. Trước tình hình này, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo ngành giáo dục rà soát cơ sở vật chất, tăng cường bảo đảm an toàn phòng học.

Hàng loạt phòng học phải niêm phong

Ngày 7.9, PV Thanh Niên theo chân ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đến kiểm tra cơ sở vật chất một số trường học. Trường tiểu học Đoàn Kết hiện có 757 học sinh (HS) theo học, xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường được xây dựng vào đầu thập niên 50 (thế kỷ 20). Trường có 21 phòng học nhưng tới 18 phòng không đạt chuẩn đang chờ nâng cấp sửa chữa vì chật hẹp và xuống cấp. Riêng khối nhà đa năng dùng làm hội trường và phòng ăn, ngủ cho HS bán trú buộc phải niêm phong từ năm học 2016 - 2017 vì có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Tại Trường mầm non 1, nơi có 130 HS theo học, bà Nguyễn Thị Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, than: “Cứ mỗi trận mưa lớn, các cô giáo tại phân trường này phải dùng thau chậu hứng nước dột, do hệ thống mái nhà và máng bị hư hỏng. Chưa kể, nước từ hệ thống cống thoát nước chung của thành phố trước cửa lớp học ùn ùn tràn vào các lớp”. Tương tự, Trường tiểu học Lê Lợi cũng có dãy phòng nhà cấp 4 xuống cấp phải niêm phong nhiều năm qua...

La phông một phòng học của Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt bị hư hỏng - Ảnh: Lâm Viên

Ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, bà Phạm Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhiều năm trước, ban giám hiệu đã có tờ trình và kiến nghị cho xây lại dãy phòng học B (được xây từ năm 1976) nhưng vẫn chưa có kinh phí”. Bà Hồng nói thêm: “Tầng thượng của dãy B bị thấm nước làm ẩm mốc 5 phòng học phía trên khiến vữa vôi trần nhà rơi lụp bụp, từ năm học 2016 - 2017 nhà trường đã niêm phong dãy phòng này”. Sau khi dự lễ khai giảng năm học 2017 - 2018, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp đi kiểm tra dãy B thấy sàn nhà tầng 2 có hiện tượng rung, lắc khi bước mạnh chân nên ông chỉ đạo niêm phong toàn bộ các phòng học tầng trệt nhằm đảm bảo an toàn cho HS.

Trường THCS - THPT Chi Lăng có quy mô lớn thứ hai toàn tỉnh với 1.700 HS. Do khối dãy nhà A gồm 10 phòng học được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, bị xuống cấp trầm trọng, kết cấu gần như đã bị hư hỏng toàn bộ nên trường phải niêm phong. Ông Đào Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhiều năm qua đã có tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền khảo sát, kiểm tra đồng thời kiến nghị được sửa chữa, xây mới, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí.

Di tích lịch sử, văn hóa càng xuống cấp

Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt (trước đây là Trường Lyceé Yersin) được xây dựng năm 1927 và đưa vào sử dụng năm 1933. Ban giám hiệu nhà trường cho biết trải qua thời gian gần 90 năm sử dụng và thiếu kinh phí sửa chữa nên hầu hết các khối nhà đều có những “triệu chứng” xuống cấp như mái ngói bị mục, vỡ, thấm dột khiến la phông mục, nhiều xà, kèo bằng gỗ bị mối mọt làm mục gãy, tường và sàn nhà bị nứt nhiều chỗ. Một số phòng học mỗi khi mưa lớn là nước tràn vào lênh láng.

Ông Tạ Quang Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trung tuần tháng 8.2017 la phông của một phòng học bất ngờ bị sụp toàn bộ, rất may thời điểm đó sinh viên chưa tựu trường. Theo ông Vũ, mỗi năm nhà trường phải dành ra khoảng 1,5 tỉ đồng để duy tu bảo dưỡng nhưng vẫn không ngăn được đà xuống cấp của công trình. Mùa mưa năm 2014, do một số hạng mục công trình bị hư hỏng nặng, không thể tiếp tục sử dụng, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kinh phí gần 490 triệu đồng để trường sửa chữa hội trường B. Dịp hè 2017, tỉnh cấp thêm 490 triệu đồng để chống thấm, sửa lại các phòng vệ sinh, sơn mới dãy nhà hình vòng cung. “Dù được UBND tỉnh quan tâm, nhưng với số tiền đó chỉ tạm “giật gấu vá vai” để chống xuống cấp với một công trình được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”, ông Vũ nói.

Năm 2009 Sở VH-TT-DL tỉnh đã trình Bộ VH-TT-DL dự án tu bổ, tôn tạo Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ông Tạ Quang Vũ nói: “Chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương và Sở VH-TT-DL cần quan tâm hơn nữa với sự xuống cấp của công trình. Cần thành lập đoàn khảo sát, đánh giá và cấp kinh phí để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia”.

(Còn tiếp)

Lâm Viên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nhung-ngoi-truong-cho-sap-875309.html