Những người bảo vệ 'lá phổi xanh'...

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đồng Sơn - Kỳ Thượng được ví như 'lá phổi xanh' của Quảng Ninh. Đặc biệt, nơi đây còn có những giá trị to lớn về bảo tồn sinh học, vì thế công tác quản lý, bảo vệ những giá trị của Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng là nhiệm vụ quan trọng của toàn đảng, toàn dân, đặc biệt đối với lực lượng kiểm lâm trách nhiệm hết sức nặng nề.

Khung cảnh hùng vĩ của Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Khung cảnh hùng vĩ của Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Bảo vệ màu xanh núi rừng

Những ngày đầu năm, chúng tôi được tham gia một buổi tuần rừng cùng cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Xuất phát từ phường Hoành Bồ, chúng tôi vượt quãng đường hơn 20km để đến đỉnh Đèo Dài trong Khu bảo tồn thuộc khu vực xã Kỳ Thượng của TP Hạ Long. Phóng tầm mắt từ đỉnh đèo nhìn xuống, Khu bảo tồn như một tấm thảm xanh ngút ngàn, thấp thoáng có những màn mây trắng bao phủ, khiến nơi đây đẹp tựa một bức tranh thủy mặc. Hướng về xa xa, có thể nhìn thấy cầu Bãi Cháy vắt ngang đôi bờ sông Cửa Lục hiện ra mờ ảo trên nền xanh thẳm của Vịnh Hạ Long xinh đẹp.

Giám đốc Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng Vũ Văn Mỳ cho biết: Cảnh đẹp núi rừng, biển cả, anh em đơn vị được thưởng ngoạn hằng ngày mỗi khi tuần rừng. Chẳng phải là nghệ sĩ, nhưng trước cảnh đẹp hùng vĩ thế này, cũng khiến chúng tôi muốn sáng tác các tác phẩm văn thơ...

Qua Đèo Dài vài cây số, tới một lối mòn bên đường, chúng tôi xuống xe tiếp tục một chuyến băng rừng. Với những cán bộ kiểm lâm, đây là công việc hằng ngày, nhưng với chúng tôi lại trở nên khá vất vả khi men theo con đường mòn nhỏ, hai bên bụi tre, tán thực bì chằng chịt, chốc chốc lại phải vượt qua những con suối gồ ghề trơn trượt... để tiến sâu vào Khu bảo tồn.

Băng rừng, vượt suối tuần tra là nhiệm vụ hằng ngày của cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Thời điểm này là mùa hanh khô, nên công tác phòng, chống cháy rừng được cán bộ kiểm lâm rất chú trọng. Ban Quản lý khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng đã có những phương án phòng, chống cháy rừng rất cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, lịch tuần tra, kiểm soát được xây dựng và thực hiện hằng ngày, với nhiều tuyến khác nhau, nhằm quản lý và nắm bắt tình hình bao quát Khu bảo tồn một cách tốt nhất.

Giữa rừng xanh vắng lặng, đoàn tuần tra không đi theo lối mòn mà cắt ngang, băng rừng, để kịp đến những vùng giáp ranh. Tiếng lá khô sột soạt theo từng bước chân. Có lẽ do có thành viên mới đi theo đoàn nên Giám đốc Vũ Văn Mỳ nhặt nắm lá khô dưới chân mình và dặn mọi người không ai được hút thuốc. Trong đoàn đều là những cán bộ kiểm lâm có kinh nghiệm hơn chục năm làm công tác tuần tra, bảo vệ rừng, những thanh âm từ rừng xanh vọng lại, mọi hiện trạng của cành cây, tán lá đều là những đặc điểm để các anh nhận biết rõ tình trạng của rừng, hay những biểu hiện khác thường cần phải lưu ý.

“Cái khó nhất khi bảo vệ rừng là việc người dân thu lâm sản, nhiều bà con vào rừng hái cây thuốc nam mang theo các nguồn gây cháy. Trong khi lá rừng khô dày dưới đất, chỉ cần một tàn lửa bay là có thể cháy cả khu rừng. Chúng tôi phải thường xuyên xuống các thôn, bản để tuyên truyền tới bà con, rồi cùng nhắc nhở nhau nêu cao tinh thần bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống” - Giám đốc Vũ Văn Mỳ trải lòng.

Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng kiểm tra hiện trạng rừng.

Đoàn chúng tôi đi được nửa đường thì cơn mưa rào ập đến. Cơn mưa bất chợt đã phủ trắng lên những triền núi hùng vĩ của vùng cao Kỳ Thượng, tưới ẩm những thảm lá khô. Cơn mưa được các cán bộ kiểm lâm đánh giá là quý giá, góp phần xoa dịu nỗi lo về cháy rừng ở thời điểm thời tiết hanh khô.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng Vũ Văn Mỳ, khó khăn trước hết của đơn vị là thiếu nhân lực. Hiện đơn vị chia thành 3 trạm để quản lý các khu vực trọng yếu trong Khu bảo tồn. Theo quy định, mỗi cán bộ bảo vệ rừng hay kiểm lâm, phụ trách diện tích tương ứng 700ha và không quá 1.000ha.

Nhưng hiện tại, Ban Quản lý Khu BTTN chỉ có 14 biên chế, trung bình mỗi người phải quản lý trên 1.100ha. Đó là chưa tính có một bộ phận thuộc chuyên môn khác, nên thực tế số người trực tiếp bảo vệ rừng phải phụ trách gấp 2, 3 lần so với quy định. Điều này, đòi hỏi cán bộ kiểm lâm trong đơn vị phải căng mình làm việc, phân ca trực 24/24h để nắm tình hình.

Cái khó nữa đó là đối tượng xấu thường lợi dụng thời điểm đêm tối để khai thác trộm lâm sản. Do vậy, cán bộ đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra đột xuất ban đêm, đặc biệt là khẩn trương lên đường bất kỳ lúc nào khi có tin báo về việc khai thác rừng trái phép. "Tuần tra ban ngày đã khó, ban đêm lại càng vất vả.

Anh em kiểm lâm phải đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn như vực sâu, rắn rết, côn trùng. Đấy là chưa kể các thiết bị định vị nếu có sự cố thì việc bị lạc trong rừng rất có thể xảy ra. Những vết thương, trầy xước trên cơ thể do đi rừng đã thành dấu hiệu đặc trưng của kiểm lâm..." - Anh Bùi Hữu Rin, Tổ trưởng Tổ Khoa học kỹ thuật, Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng, tâm sự.

Cán bộ kiểm lâm trong buổi tuần tra rừng.

Những cán bộ kiểm lâm trong đơn vị chia sẻ với chúng tôi, do đặc thù công việc, nên hầu hết thời gian của các anh đều là trực tại đơn vị, bất kể ngày thường hay lễ, tết. Như trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị bố trí 100% quân số các chốt, túc trực để làm nhiệm vụ. Để giữ được rừng, những ngày tết, anh em ở Ban Quản lý thay nhau phối hợp với lực lượng công an, chốt bảo vệ Khu bảo tồn, để tuần tra nghiêm ngặt. Với các anh, những ngày tết trực gác dù đã quen thuộc, nhưng cũng có lúc bùi ngùi nhớ nhà.

Anh Bùi Xuân Hùng, nhân viên tuần rừng quê Đông Triều, kể: “Dịp tết, ai cũng muốn đoàn tụ cùng gia đình, nhưng trạm ít người, trách nhiệm đối với anh em rất nặng nề, vì vậy chúng tôi luôn xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đặc thù công việc thường xuyên phải ở lại đơn vị, nên rất ít điều kiện về với gia đình. Có lần được đơn vị tạo điều kiện cho nghỉ phép dài ngày, nhưng khi về đến nhà, con nhỏ lại chạy trốn không theo bố. Tôi đã dành cả kỳ nghỉ để ở bên con, đến khi con vừa bén hơi, thì bố lại ba lô lên rừng". Nghe chuyện, chúng tôi thấy trên khuôn mặt vốn dạn dày sương gió tưởng như cứng rắn của anh Hùng đã rơm rớm lệ.

Những câu chuyện bình dị, cảm động của những người giữ rừng ở Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng khiến chúng tôi vô cùng trân trọng và cảm phục, bởi sự hy sinh thầm lặng, cống hiến để giữ màu xanh cho quê hương.

Hướng đến lâm viên giữa đại ngàn

Với diện tích tự nhiên 15.593,8ha, nằm trên địa phận 5 xã: Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai và Hòa Bình, Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng được đánh giá là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Với những giá trị đặc biệt ấy, Khu bảo tồn đã và đang mang lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, mà còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý...

Khu bảo tồn cũng lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới. Vì những giá trị này mà công tác bảo vệ cho Khu bảo tồn càng được quan tâm thực hiện một cách nghiêm ngặt.

Cá cóc Việt Nam, loài sinh vật có giá trị về nghiên cứu khoa học được bảo vệ tại Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

Trong Khu bảo tồn có rất nhiều cây cao, tán rộng cả chục mét, đan nhau phủ kín cánh rừng. Tại đây, chúng tôi đã di chuyển qua những gốc cây to cả vòng tay người ôm. Giám đốc Vũ Văn Mỳ, bảo: Đây là táu mật, kia là sao đen, dẻ cuống, có tuổi đời cả trăm năm. Không chỉ vậy, trong Khu bảo tồn còn có nhiều loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư sinh sống. Theo thống kê, hệ động, thực vật Khu bảo tồn khá phong phú, bao gồm 1.163 loài thân gỗ và thân thảo; 224 loài động vật thuộc 4 lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư, trong đó 51 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 1 loài ghi Sách đỏ thế giới. Đặc biệt, Đồng Sơn - Kỳ Thượng sở hữu 2 loại động vật đặc hữu quý hiếm là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam.

Đây đều là những giống động, thực vật đặc hữu có nhiều giá trị về cân bằng tự nhiên, bảo tồn sinh học và là những báu vật được các cán bộ kiểm lâm chẳng quản ngày đêm ra sức bảo vệ. Giám đốc Vũ Văn Mỳ say sưa nói về tiềm năng du lịch của Khu bảo tồn: Năm 2013, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng giai đoạn 2013-2020. Trong Quy hoạch cũng đã dành một phần nói đến phát triển du lịch, dịch vụ và giáo dục môi trường. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch xây dựng các làng sinh thái điển hình tại cộng đồng vùng đệm; quy hoạch các điểm, tuyến du lịch như Trung tâm khu bảo tồn, thác Khe Dìa, hồ Cao Vân, Đồng Trà, đỉnh Am Váp, Khe Phương…

Trong năm 2019, Ban Quản lý Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng cũng phối hợp với chính quyền địa phương có cuộc đi khảo sát đỉnh Thiên Sơn cao 1.090m so với mặt nước biển, cao hơn đỉnh núi Yên Tử. Từ đây có thể phóng tầm mắt tới trung tâm đô thị Hạ Long, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vùng đảo Cát Bà của TP Hải Phòng và xa hơn. Đây là điều kiện để chính quyền xây dựng phương án phát triển du lịch sinh thái trong khu vực. Với địa thế hiếm có của núi Thiên Sơn, được biết gần đây đã có doanh nghiệp đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng cáp treo từ Thiên Sơn nối với núi Mằn, núi Bài Thơ... đưa du khách từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia bằng cáp treo.

Đặc biệt, trong năm 2020 này, khi Hoành Bồ và Hạ Long nhập thành TP Hạ Long mới với định hướng lâu dài là phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá liên thông rừng - biển, có thể khơi thông tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên đất rừng sẵn có của địa phương. Theo đó, thành phố có kế hoạch mở tuyến đường giao thông từ trung tâm thành phố kết nối đến tận các xã vùng cao Đồng Sơn, Kỳ Thượng, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong tương lai gần, khi những cây cầu mới nối đôi bờ Cửa Lục, những con đường lớn hoàn thành, sẽ tiếp tục kết nối, đưa khách tham quan từ vịnh Hạ Long lên thẳng Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng. Tất cả sẽ tạo diện mạo, sức sống mới cho TP Hạ Long và những khu vực lân cận.

Cảnh quan tự nhiên tươi đẹp của Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng.

“Chúng tôi rất mong các nhà đầu tư đến nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch bền vững, từ đó phát huy tiềm năng của Khu bảo tồn, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển bền vững nơi đây, đồng thời không làm lãng phí nguồn tài nguyên rừng quý giá mà không phải địa phương nào cũng có được, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh..." - Giám đốc Vũ Văn Mỳ chia sẻ.

Trời xế chiều. Trên đường trở về trong tâm trí chúng tôi vẫn đọng lại những câu chuyện giữ rừng của các cán bộ kiểm lâm; những hình ảnh ấn tượng về núi rừng hùng vĩ khiến tôi liên tưởng tới những tour du lịch kết nối rừng - biển, về một lâm viên Khu BTTN Đồng Sơn - Kỳ Thượng tươi đẹp kết nối với vịnh Hạ Long trong tương lai không xa, góp phần tạo nên một hình ảnh Hạ Long độc đáo và hấp dẫn.

Nguyễn Thanh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/nhung-nguoi-bao-ve-la-phoi-xanh-2470548/