Những người bắt buộc đeo khẩu trang

Người mắc, nghi mắc Covid-19 và có biểu hiện viêm phổi bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Tình hình dịch ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới đã có những thay đổi rõ rệt, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine cao. Vậy khẩu trang có còn bắt buộc không và ai cần phải đeo khẩu trang?

Bộ Y tế

Ngày 8/9, Bộ Y tế đưa ra thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 mới, đổi 5K thành 2K. Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng và sự xuất hiện nhiều biến chủng mới. Khẩu trang được khuyến khích sử dụng ở nơi công cộng.

Trước đó, ngày 7/9, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng khẩu trang nơi công cộng, đồng thời chỉ rõ một số trường hợp, địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Cụ thể, những địa điểm bắt buộc phải sử dụng khẩu trang bao gồm:

- Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid-19

- Tất cả đối tượng (trừ trẻ dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4 theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Quy định bắt buộc đeo khẩu trang cũng áp dụng đối với một số địa điểm, đối tượng cụ thể:

- Tại cơ sở y tế, nơi cách ly, nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: Áp dụng với tất cả đối tượng (trừ người cách ly ở phòng đơn, người bị suy hô hấp, người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế, trẻ dưới 5 tuổi).

Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 05/8/2022 của Bộ Y tế.

- Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Áp dụng với cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách.

- Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- Tại nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, vũ trường, karaoke, làm đẹp, phòng tập thể dục, quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát, trường quay: Áp dụng với nhân viên, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

- Tại cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự.

- Tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.

Cùng với 2K, cơ quan y tế quốc gia kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp "thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức" trong phòng chống dịch.

Độc giả Thúy Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-nguoi-bat-buoc-deo-khau-trang-post1353672.html