Những người 'cầm sổ hưu' và trọng trách vực dậy nền sân khấu

Đa phần các nhà viết kịch của sân khấu Việt đều đã cầm sổ hưu nhưng lại phải gánh lấy trọng trách vực dậy nền sân khấu. Trong khi ấy, lớp kế cận có 'đốt đuốc' đi tìm cũng không thấy. Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo 'Phát huy tài năng nghệ sĩ trẻ, nghiên cứu trẻ trong sự nghiệp kế thừa và phát triển văn nghệ dân tộc hôm nay' do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Dựng lại các vở đã cũ là giải pháp tình thế của các nhà hát trong thời khủng hoảng kịch bản sân khấu

Dựng lại các vở đã cũ là giải pháp tình thế của các nhà hát trong thời khủng hoảng kịch bản sân khấu

“Ăn mày dĩ vãng”

Sân khấu Việt đang xuống cấp có nhiều nguyên nhân. Nhưng lý do đầu tiên, lý do quan trọng nhất lại thuộc về tác giả. Các tác giả hiện nay đều đã cao tuổi nên nói đến những kịch bản hay, theo kịp thời cuộc dường như đang vượt ra ngoài tầm với của các cây bút dù đã có thâm niên. Không có kịch bản hay nên dù đạo diễn có tài năng đến mấy và ê kíp dàn dựng có siêu phàm đến đâu cũng không có đất mà phát triển. Việc khán giả quay lưng lại với sân khấu cũng là điều dễ hiểu khi người xem đến rạp nhưng không được thưởng thức một vở diễn hấp dẫn.

Theo nhà viết kịch Giang Phong, các tác giả phải nhận lấy trách nhiệm này nhưng thực tế, các cây bút của sân khấu Việt lại yếu và đuối sức. “Vì tuổi đã cao, việc đi lại cũng hạn chế, khả năng sáng tạo và sự dấn thân vào các đề tài mang hơi thở đương đại của các cây bút cũng kém. Nên nhiều khi các cây bút có tuổi cũng cứ phải gồng mình lên để “gừng càng già càng cay”. Toàn là tự an ủi vậy thôi, chứ sức tàn, lực kiệt, tinh thần sảng khoái sao được?” - nhà viết kịch Giang Phong chia sẻ.

Vì đuối cả sức khỏe và hạn chế dấn thân nên sân khấu Việt trong vòng 10 năm trở lại đây chỉ biết lấy từ trong kho tàng dân gian và trong các kịch bản đã cũ để dàn dựng lại, theo lối “ăn mày dĩ vãng”. Còn những vở mới của các tác giả đã lớn tuổi, dù đã có đôi nơi dàn dựng nhưng lại chưa đủ sức sống trường tồn cùng thời gian. Vì vậy, vấn đề cấp thiết của sân khấu hiện nay là có được lực lượng sáng tác trẻ để đảm nhiệm vai trò số 1 của vở diễn.

Khán giả quay lưng lại sân khấu trước cuộc cạnh tranh quyết liệt của các loại hình nghe nhìn

Tác giả trẻ nhất đã… 50 tuổi

Nhận thức được điều này, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam từng có ý định sẽ tổ chức trại sáng tác cho các tác giả trẻ nhưng cũng đành thất bại. Dẫu tiêu chí rất đơn giản, không cần là hội viên, không cần các điều kiện đi kèm, chỉ cần có năng lực sáng tạo nhưng lớp cũng không tổ chức được, vì không đủ số lượng trại viên. Đó là thực tế đáng buồn của sân khấu Việt.

NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cho biết, vì không tổ chức được trại sáng tác cho các cây bút trẻ nên hội đành tổ chức trại cho các cây bút cao niên. Ở trại sáng tác mở vào tháng 11-2018 có 6 tác giả trẻ. Người trẻ nhất đã 50 tuổi, còn lại 5 tác giả trẻ đã đang hưởng lương hưu.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội chia sẻ, tài năng không đợi tuổi tác. Sân khấu đã từng có Lưu Quang Vũ, một cây bút đã để lại cho đời biết bao kịch bản hay khi tuổi đời còn rất trẻ. Vấn đề ở đây không phải là ở độ tuổi nào, người ta mới có thể sáng tác mà có lẽ, vấn đề là việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng như thế nào để các cây bút trẻ không cảm thấy nản lòng trên hành trình dài bất tận của sáng tạo.

NSND Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, sự trẻ hóa trong nghệ thuật là sự bất khả kháng. Nhưng để các nghệ sỹ trẻ yêu nghề, sống chết với nghề trong tình hình hiện nay là vô cùng khó khăn.

“Theo tôi, với bộ môn nghệ thuật truyền thống luôn cần phải có những chính sách bảo trợ của Nhà nước. Một trong những lý do chính mà sinh viên đến với ngành ngày càng ít là ngoài quá trình học tập bài bản thì cơ hội để tìm kiếm được công việc tốt, thu nhập cao vẫn là một điều khiến người theo học nghệ thuật truyền thống khó đạt được. Để thay đổi điều này, cần có chiến lược bài bản cũng như sự quan tâm, đầu tư của các cấp quản lý” - NSND Thanh Trầm nói.

Dù gặp phải nhiều khó khăn trong tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, song các đại biểu tại cuộc hội thảo đều tin tưởng, lớp tác giả đi trước, đã để lại cho lớp trẻ một gia sản quý báu về vở diễn, về kinh nghiệm. Lớp tác giả trẻ hôm nay có kiến thức, có trình độ, hiểu biết sâu rộng, thiết tha với sân khấu, chắc chắn có được lớp tác giả trẻ tài hoa, kế tục lớp đàn anh đi trước. Nhất định thế, hãy tin tưởng!

“Vì tuổi đã cao, việc đi lại cũng hạn chế, khả năng sáng tạo và sự dấn thân vào các đề tài mang hơi thở đương đại của các cây bút cũng kém. Nên nhiều khi các cây bút có tuổi cũng cứ phải gồng mình lên để “gừng càng già càng cay”. Toàn là tự an ủi vậy thôi, chứ sức tàn, lực kiệt, tinh thần sảng khoái sao được?”.

Nhà viết kịch Giang Phong

“Tài năng không đợi tuổi tác. Sân khấu đã từng có Lưu Quang Vũ, một cây bút đã để lại cho đời biết bao kịch bản hay khi tuổi đời còn rất trẻ. Vấn đề ở đây không phải là ở độ tuổi nào, người ta mới có thể sáng tác mà có lẽ, vấn đề là việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng như thế nào để các cây bút trẻ không cảm thấy nản lòng trên hành trình dài bất tận của sáng tạo”.

Nhà thơ Bằng Việt

(Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội)

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhung-nguoi-cam-so-huu-va-trong-trach-vuc-day-nen-san-khau/796149.antd