Những người đặc biệt livestream bán sách

Trước sự thay đổi của thị trường, nhiều nhân sự ngành xuất bản đang phải trau dồi, đổi mới bản thân nhiều hơn để trở nên đa nhiệm, đáp ứng những yêu cầu mới.

Trong một lần trò chuyện cùng nhóm nhân viên khối xuất bản Công ty Sách Bách Việt, bàn về mở rộng hoạt động bán hàng, livestream trên mạng xã hội, Tô Bách Việt - nhân viên bản quyền - xung phong nhận nhiệm vụ làm host (người chủ trì, nói chuyện trong các phiên livestream) kèm câu nói đùa: “Đẹp trai như em mà không live thì phí lắm”. Mọi người trong nhóm bật cười, nhưng cũng thực sự tin tưởng giao nhiệm vụ mới mẻ này cho nam nhân viên sinh năm 1999.

Dù vốn khá tự tin với khiếu hài hước và khả năng nói chuyện, Việt thừa nhận việc một nhân viên bản quyền trở thành livestreamer giới thiệu, bán sách trên mạng là điều không dễ. Lần đầu tiên livestream của anh “đích thực là một thảm họa”.

“Buổi tối trước lần đầu live, tôi xem livestream của một số công ty khác để tham khảo, chuẩn bị. Nhưng khi lên sóng, tôi cứng họng, nhất là khi phải giới thiệu những cuốn sách không phải sở trường của mình. Tôi ấp úng và phải nhờ một chị đồng nghiệp đến ‘giải cứu’”, Bách Việt kể với Tri thức - Znews.

Kiêm nhiệm thêm vai trò, cập nhật các kiến thức mới của thị trường xuất bản nhằm đáp ứng, bắt kịp sự thay đổi của công nghệ, thị trường là điều nhiều nhân sự trong ngành như Việt đang trải qua. Tuy nhiên, điều này không phải với ai cũng dễ dàng, thuận lợi. Ngoài sự hỗ trợ của đơn vị, khả năng tự học hỏi, thích ứng của nhân sự chiếm vai trò rất quan trọng.

Đa năng, linh hoạt hơn trong bối cảnh mới

Bách Việt cho biết công ty anh làm việc mở rộng mảng livestream bán sách trên các nền tảng TikTok và Shopee từ khoảng tháng 10/2023. Doanh thu mảng sách trên các nền tảng này bắt đầu tăng từ đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều đơn vị xuất bản khác cũng đã tham gia tổ chức livestream, công ty Bách Việt cũng không là ngoại lệ.

Việt cho biết công ty có một nhân sự chuyên phụ trách mảng TikTok, hỗ trợ các biên tập viên, host tham gia live.

Bách Việt trong một buổi livestream bán sách trên kênh công ty.

“Ở Bách Việt, các host đều là biên tập viên hoặc nhân viên phòng truyền thông. Mỗi người có một gu đọc sách khác nhau. Như bạn live cùng tôi thích ngôn tình, trinh thám, tôi lại hay đọc lịch sử, fantasy. Vì vậy về sau, mỗi người được phân host một thể loại mình thích, tình trạng ‘cứng họng’ như lần đầu của tôi đã không còn diễn ra”, Việt chia sẻ.

Sau kha khá lần livestream, nam nhân viên bản quyền cũng tự tin hơn trước camera. Anh cũng đọc nhiều hơn để biết thêm về những cuốn sách bản thân sẽ phải giới thiệu.

Là một trong những công ty tham gia khá sớm trên các sàn thương mại điện tử, Alpha Books đã có những phiên livestream từ năm 2022. Ngọc Mai (sinh năm 1998, chuyên viên vận hành sàn thương mại điện tử) cho biết khi đó, mục tiêu chủ yếu của công ty là để tương tác trực tiếp với khách hàng, giới thiệu các ưu đãi của chương trình lớn.

Dần dần khi Shopee đẩy mạnh phát triển livestream, có trợ giá cho khách hàng, thêm voucher độc quyền góp phần giúp khách hàng mua sách chính hãng với giá ưu đãi không tưởng, công ty Mai tổ chức livestream thường xuyên hơn.

“Nói chung, việc mở rộng vào mảng livestream giúp Alpha Books thích ứng với xu hướng trong kinh doanh trực tuyến và tạo ra cơ hội mới để tương tác, bán hàng trực tiếp với khách hàng”, Mai nói.

Khi đảm nhận việc vận hành shop trên Shopee, công việc ban đầu của Mai và đồng nghiệp trong nhóm là đảm bảo quá trình bán hàng trên sàn diễn ra trơn tru và xây dựng shop ngày càng phát triển. Vì vậy, cô phải học hỏi cách sử dụng những tính năng mới của sàn, tìm hiểu những cách bán hàng hiệu quả khác trên thị trường.

Là người hướng nội, Ngọc Mai mất nhiều thời gian khi làm mảng livestream.

“Với người có chút hướng nội như tôi, việc trực tiếp xuất hiện trên livestream phải mất nhiều thời gian làm quen, lo lắng không biết có thể làm tốt không. Khi đó, động lực cốt lõi của tôi là để khách có thêm ưu đãi khi mua sách từ gian hàng mình phụ trách, hỗ trợ trực tiếp khách trong quá trình mua sắm, giới thiệu đến mọi người những đầu sách hay và chia sẻ cảnh báo sách giả sách lậu.

Đồng thời, khi sàn có thêm nhiều tính năng mới, tôi cũng cảm thấy hứng khởi và thú vị với cơ hội mới và tiềm năng mở rộng kinh doanh của shop”, Mai chia sẻ.

Thay đổi là tất yếu

Theo thống kê, hiện có 48 nhà xuất bản, phát hành tham gia vào nền tảng TikTok Shop, trong đó có 3 nhà xuất bản và 45 nhà phát hành. Doanh thu của các đơn vị này chiếm 65% doanh thu ngành hàng và tăng trưởng hàng quý đạt 14%.

Báo cáo tổng quan ngành hàng sách trên TikTok Shop cũng cho thấy doanh thu năm 2023 với mặt hàng sách vượt mốc 500 tỷ, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%. Theo thống kê, phiên livestream có doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng, với hơn 2.000 cuốn sách được bán ra chỉ trong vòng 3 tiếng.

Điều này phần nào lý giải khuynh hướng lấn sân sang các kênh thương mại điện tử của các đơn vị phát hành hiện nay.

Thanh Hà (sinh năm 1994, nhân viên phòng Đối ngoại truyền thông Thái Hà Books) cho biết công ty bắt đầu có kênh TikTok shop từ tháng 6/2023, đẩy mạnh các phiên livestream nhằm tiếp cận nhiều người dùng ưa chuộng nền tảng này bên cạnh các kênh truyền thống như Shopee, Facebook, Lazada.

Thanh Hà phải liên tục cập nhật các kiến thức, quy định mới để phát triển mảng livetream trên các nền tảng.

Hà chia sẻ nhiệm vụ xây kênh TikTok là một phần trong công việc của tất cả thành viên phòng cô, còn mảng livestream sẽ có 2 người phụ trách, thời gian livestream khoảng 2 buổi/tuần. Mỗi phiên livestream sẽ giới thiệu các chủ đề sách khác nhau, tập chung vào sách đạo Phật, sách chữa lành, sách cha mẹ, sách thiếu nhi hoặc giới thiệu các sách được ưu đãi sâu và chương trình quà tặng cho mỗi độc giả tại phiên live. Một người sẽ phụ trách chính, một người ghim giỏ hàng, trả lời bình luận của khách hàng.

“Khi đảm nhiệm mảng này, ngoài livestream chúng tôi còn phải làm video xây dựng kênh. Khoảng thời gian đầu đều tự tìm tòi và học hỏi trên mạng. Đối với nền tảng TikTok, có rất nhiều yêu cầu và quy chuẩn, những điểm không được vi phạm vì vậy mỗi người phụ trách đều cần rất chỉn chu trong việc đăng sản phẩm, đăng video, hay trực tiếp livestream…”, Hà nói.

Tất nhiên, những lần đầu tiên đều gặp những khó khăn nhất định. Cô chia sẻ việc hiểu về cuốn sách và chia sẻ nội dung cuốn sách “không gặp vấn đề gì”, vì đây vốn là nhiệm vụ chính của mọi người. Tuy nhiên về mặt kỹ thuật cũng như chia sẻ làm sao để giữ được người xem là cái phải học hỏi mỗi ngày. Vì không phiên live nào giống phiên live nào.

Cả Việt, Hà và Mai đều cho rằng với sự phát triển của các kênh mua bán sách hiện nay, các nhân sự trong ngành xuất bản cần phải liên tục học hỏi và nâng cao kỹ năng của mình để đa dạng hóa và bắt kịp thị trường là điều tất yếu. Điều này giúp họ thích ứng với sự thay đổi trong cách tiếp cận và tiếp thị sách, từ các kênh truyền thống đến các nền tảng trực tuyến và thậm chí là các dịch vụ đăng ký sách điện tử.

Thanh Hà cũng cho rằng không chỉ nắm bắt xu hướng hiện nay bạn đọc đang quan tâm gì, chọn lọc nó cho phù hợp với ngành sách để sao cho thu hút, còn cần rèn luyện khả năng viết, khả năng lựa chọn hình ảnh,… Ngoài ra, với bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào cũng cần cập nhật tính năng và xu hướng người dùng để có thể đưa những cuốn sách của mình đến gần nhất với bạn đọc.

“Điều cuối cùng vẫn là đưa được những cuốn sách hay, phù hợp đến với những người cần nó”, cô bày tỏ.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-nguoi-dac-biet-livestream-ban-sach-post1468954.html