Những người đưa đò tâm huyết, vạn học sinh biết, ngàn phụ huynh quý ở Quảng Bình thân thương

Dân gian xưa vẫn có câu 'Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu kính thầy'. Và cũng không biết tự bao giờ, hình ảnh về những người thầy người cô lại được ví như những người lái đò cần mẫn, thầm lặng để chở thành công biết bao thế hệ học trò cập bến đậu tương lai. Tháng 11 lại về, nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhìn lại để tri ân tới những người lái đò tiêu biểu khiến vạn học sinh biết và ngàn phụ huynh quý của mảnh đất Quảng Bình nắng gió mà đầy thân thương này.

“Như những người lái đò thầm lặng, như dòng sông chở nặng phù sa, như bài hát không lời, thầy suốt đời bên trang giáo án. Như cánh buồm chở đầy khát vọng, như cuộc đời thầy đơn sơ trên mục giảng, thầy lặng thầm vì học viên thân yêu, thầy lặng thầm bên trang giáo án cuộc đời…” những ca từ trong bài hát “Người lái đò” đã phần nào giúp chúng ta nhớ đến công lao trời biển của những người thầy, người cô đã dành mọi tâm huyết và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người của mảnh đất Quảng Bình nói riêng và trên khắp dải đất hình chữ S nói chung.

Với tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng vì học trò cùng với nhiều nỗ lực, tâm huyết trong công việc giảng dạy. Nhiều thầy cô giáo Quảng Bình đã để lại ấn tượng mạnh mẽ và trở thành những tấm gương sáng cho mọi thế hệ học sinh nới đây học tập và noi theo.

Nữ giáo viên được mệnh danh là “hoa trên núi đá”

“Hoa trên núi đá” là biệt danh mà đồng nghiệp khen tặng và dành riêng cho cô giáo Trịnh Thị Hằng – Giáo viên tiếng Anh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Bí thư Chi bộ II, Đảng ủy viên Đảng bộ Trường Trung học phổ thông Tuyên Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Sở dĩ gọi cô là “hoa trên núi đá” là bởi sự nghị lực đáng khâm phục, tinh thần không ngại khó, ngại khổ cùng nhiều thành tích mà cô Hằng đạt được trong quá trình công tác và giảng dạy tại một trường miền núi đầy khó khăn của tỉnh Quảng Bình.

Cô Hằng chính là người truyền lửa và truyền niềm đam mê tiếng anh cho biết bao thế hệ học sinh trường THPT Tuyên Hóa, cũng như giúp các bậc phụ huynh nơi đây nhận thức và hiểu rõ hơn về môn học mới này.

Và để có được thành công như ngày hôm nay, Cô giáo Trịnh Thị Hằng đã không ngừng tìm tòi và học hỏi thêm thông tin từ sách vở, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, người bản địa về phong tục, tập quán cũng như tâm lý của học sinh vùng cao để làm tốt công tác “tư tưởng” cho học sinh, tiếp đó thực hiện đổi mới phương thức dạy học và ứng dụng thêm công nghệ thông tin để vừa động viên, vừa tạo sự hứng thú cho các em có niềm đam mê học tập nói chung cũng như môn Tiếng Anh nói riêng.

Chính nhờ sự tận tâm và tâm huyết với nghề đó, mà trong suốt 18 năm qua, năm nào cô giáo Trịnh Thị Hằng cũng bồi dưỡng học sinh giỏi, luyện thi Tài năng Tiếng Anh và thi Tiếng Anh qua mạng đạt được những kết quả cao, có trên hàng chục giải thưởng mà học sinh của cô đã giành được, trong đó có nhiều giải thưởng lớn đáng ghi nhận.

Riêng cô Trịnh Thị Hằng, nhờ vào sự cống hiến cũng như những kết quả mà cô đạt được trong suốt quá trình công tác. Cô đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp và nhiều năm được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.

Cô giáo Trịnh Thị Hằng bên cạnh những học trò thân yêu của mình trong một giờ thảo luận nhóm. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Bình.

Thầy giáo trẻ truyền lửa đam mê khoa học

Thực trạng học sinh thụ động, lười khám phá và không có hứng thú hay yêu thích bộ môn hóa ngày càng lớn, đặt ra nhiều thách thức và trăn trở cho thầy giáo trẻ Cao Hùng Thọ - giáo viên giảng dạy bộ môn hóa học tại trường THCS Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa.

Và để tạo niềm đam mê và yêu thích bộ môn hóa học cho học trò. Thầy Cao Hùng Thọ đã cùng sáng tạo và triển khai nên nhiều đề tài khoa học cho học sinh của mình có cơ hội học tập và nghiên cứu.

Mở đầu là đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia với sản phẩm “Sấy mặt ong bằng năng lượng mặt trời dành cho hộ gia đình” khi thầy còn công tác tại trường THCS thị trấn Quy Đạt (năm học 2015 – 2016). Nhờ có lợi ích thiết thực cùng tính ứng dụng cao, đề tài này đã mang về cho thầy và hai em học sinh của trường đạt giải Nhất cấp huyện, tỉnh và giải Khuyến khích cấp Quốc gia.

Nhờ sản phẩm trên của thầy trò thầy Cao Hùng Thọ, mà nhiều hộ dân nuôi ong có thể lấy mật dễ dàng hơn, chất lượng mật ong cũng được đảm bảo chỉ bằng một phương tiện có cấu tạo đơn giản, dễ vận hành cùng với giá thành lắp đặt vừa phải, từ đó giúp tiết kiệm được một khoan chi phí khá lớn.

Trong thời gian công tác tại trường THCS Tân Hóa từ năm 2016 đến nay, thầy Thọ cũng đã hướng dẫn thành công 9 em học sinh nghiên cứu thành công thiết bị “lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”, giúp mang đến một nguồn thu nhập ổn định cho những hộ nông dân trồng tỏi ở các vùng quê nghèo của mảnh đất Quảng Bình nói riêng và khắp đất nước Việt Nam nói chung.

Và không nằm ngoài dự đoán, công trình này của thầy và trò trường Tân Hóa cũng đã đạt được giải Nhất toàn huyện tỉnh và giải Ba toàn quốc trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh THCS.

Từ những công trình nghiên cứu khoa học thành công và phương án giảng dạy không ngừng đổi mới của mình, thầy giáo Cao Hùng Thọ đã mang đến cho các lứa học trò của mình niềm yêu thích và đam mê khám phá khoa học và hứng thú hơn với môn học khó nhằn như hóa học.

Cô hiệu phó yêu trẻ, tâm huyết và đầy mẫu mực

Với những bậc cha mẹ và đồng nghiệp tại trường Mầm non Nam Lý, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, cô hiệu phó Trương Thị Lan luôn gắn liền với hình ảnh của một cô giáo có tinh thần trách nhiệm cao, yêu trẻ và thực sự tận tâm với nghề. Cô luôn là tấm gương sáng trong ngành giáo dục mầm non của TP. Đồng Hới.

Trước khi được tín nhiệm bầu làm hiệu phó trường mầm non Nam Lý, cô Trương Thị Lan đã có kinh nghiệm công tác tại nhiều trường mầm non khác trên địa bàn tỉnh.

Tròn 16 năm trên một cương vị mới, cô Lan được đánh giá là một trong những Hiệu phó đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo phương pháp giáo dục, quản lý mới để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho nhà trường; đưa trường Mầm non Nam Lý từ tốp cuối của thành phố lên đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của ngành Giáo dục Mầm non của thành phố và tỉnh.

Cô Lan đã trực tiếp phụ trách tham mưu về công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, đồng thời đề xuất và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Hội Cha mẹ học sinh để tạo môi trường học tập tốt nhất cho trẻ phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí tuệ.

Nhờ đó mà hiện nay 100% giáo viên của trường đều có trình độ đạt và trên chuẩn. Hàng năm nhiều cán bộ, giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp tỉnh; đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, tỉnh… Và nhất là lớp lớp mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước ngày càng khôn lớn, trưởng thành.

53 tuổi đời với 33 tuổi nghề, bằng sự yêu trẻ cô Lan đã đem hết khả năng, tâm huyết của mình cho ngôi Trường Mầm non Nam Lý. Những cống hiến đó, đã được các cấp chính quyền cùng với đông đảo phụ huynh học sinh và đồng nghiệp tại trường Mầm non Nam Lý ghi nhận.

Và đó là những tấm gương thầy cô tiêu biểu trong vô vàn những người thầy người cô tận tụy với nghề và hết lòng vì học trò khác trên dải đất Quảng Bình đấy nắng và gió này. Lại một lần nữa chúng ta hãy cùng nhìn lại để nhớ về mái trường xưa ấy, với biết bao kỷ niệm thân thương và đẹp đẽ của tuổi học trò bên cạnh những người thầy, người cô – những người đưa đò đáng kính trong cuộc đời mình.

Hải Minh / Tin Nhanh Online

Nguồn Tin Nhanh: http://tinnhanhonline.vn/nhung-nguoi-dua-do-tam-huyet-van-hoc-sinh-biet-ngan-phu-huynh-quy-o-quang-binh-than-thuong-1483810