Những 'người đưa đò' thầm lặng

Nỗi vất vả của thầy, cô giáo trong việc dìu dắt từng thế hệ học sinh (HS) trưởng thành, cập bến bờ tri thức là không thể đong đếm hết. Họ như những 'người đưa đò' thầm lặng, vẫn miệt mài cống hiến sức mình vì trách nhiệm với nghề và tình yêu với HS.

Cô Huỳnh Cẩm Tiên tổ chức hoạt động học và chơi cho trẻ

"Người mẹ thứ 2" của trẻ

Vì có tình yêu lớn với trẻ, cô Huỳnh Cẩm Tiên - giáo viên (GV) Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (TP.Tân An), chọn nghề GV mầm non. 11 năm gắn bó với nghề, tình yêu đó ngày càng lớn. Cô xem trẻ như con của mình và hết lòng chăm sóc, giáo dục các em.

Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô tập trung phát triển 5 lĩnh vực cho trẻ, gồm: Nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thể chất. Nội dung các lĩnh vực đó được cô lồng ghép thông qua hoạt động học, hoạt động chơi cũng như những cuộc trò chuyện, sinh hoạt hàng ngày với trẻ tại trường. Trong mọi hoạt động, cô luôn chú trọng việc lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ hứng thú, chủ động khám phá kiến thức mới và yêu thích đến trường.

Cô Tiên chia sẻ: “Tất cả hoạt động của trẻ, tôi đều sử dụng đồ dùng, đồ chơi hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để dạy. Ngoài ra, tôi thường cùng trẻ làm đồ dùng, đồ chơi, chăm sóc cây xanh,... để trẻ được trải nghiệm, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kiến thức mới. Có như vậy, các tiết học mới sinh động, trực quan, giúp trẻ dễ hiểu nội dung được học. Đồng thời, tôi chú trọng dạy kỹ năng sống cho trẻ mọi lúc mọi nơi, nhất là dạy trẻ về lễ giáo, biết tự bảo vệ mình, biết tự lập trong khả năng như tự ăn cơm, xếp quần áo, mang dép, đánh răng,…”.

Ngoài ra, cô còn quan tâm đến tính cách, sở trường của từng trẻ để có những phương pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp, nhất là những trẻ quá hiếu động hoặc quá thụ động. Với những trường hợp này, cô trao đổi, tìm hiểu thêm về trẻ qua phụ huynh và có sự phối hợp để chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn, nhất là giải quyết được vấn đề trẻ đang gặp phải. Trên lớp, cô còn thường xuyên trò chuyện, lắng nghe chia sẻ của trẻ để hiểu mong muốn của trẻ, từ đó lựa chọn phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất.

Cô Huỳnh Cẩm Tiên tổ chức hoạt động học và chơi cho trẻ

“Tôi không so sánh sự tiến bộ của trẻ với nhau mà đánh giá sự tiến bộ của chính các em so với ngày hôm qua, với tuần trước bởi mỗi trẻ có xuất phát điểm và sở trường khác nhau. Niềm vui lớn nhất của tôi là được nhìn trẻ vui vẻ, thích thú với các hoạt động học, hoạt động chơi tại trường và tiến bộ mỗi ngày. Tôi hạnh phúc khi nghe trẻ đọc thuộc bài thơ, hát trọn bài hát hoặc nghe phụ huynh chia sẻ về niềm vui khi trẻ hoạt bát, năng động hơn mỗi ngày” - cô Tiên tâm sự.

Xem trẻ như con để chăm sóc, giáo dục một cách tận tâm nên cô Tiên không chỉ được trẻ yêu quý mà còn được phụ huynh tin tưởng. Cô còn được ghi nhận với nhiều thành tích nổi bật như đoạt giải Nhì Hội thi "GV dạy giỏi cơ sở Giáo dục mầm non" cấp tỉnh năm học 2022-2023; Nhà giáo tiêu biểu của tỉnh năm 2023 và là 1 trong 3 nhà giáo được tham dự “Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu” năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Hết lòng vì học sinh vùng sâu

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Sương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thị Trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ), luôn hết lòng vì HS vùng sâu.

Cô Nguyễn Thị Sương luôn quan tâm, theo sát từng học sinh

Yêu thích môn Tiếng Anh và thấy được sự thiệt thòi của HS vùng sâu trong học tiếng Anh, cô chọn ngành Sư phạm Tiếng Anh. Đam mê với nghề cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ giúp cô vượt qua mọi khó khăn thuở mới vào nghề.

“Những năm 2000, điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại vất vả, lương GV thấp nên rất nhiều đồng nghiệp của tôi bỏ nghề. Tuy nhiên, vì yêu nghề, thương học trò, tôi quyết tâm bám trường, bám lớp” - cô Sương chia sẻ.

Suốt những năm làm công tác chủ nhiệm, cô đến thăm từng nhà HS trong lớp vào mỗi đầu năm học để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, gắn bó chặt chẽ với phụ huynh và xem góc học tập của các em. Có những HS nhà xa, đường đi lại khó khăn nhưng cô vẫn đến thăm.

Cô Sương tâm sự: “Nhờ những chuyến đi thăm hỏi gia đình HS, tình cảm cô trò thêm khắng khít, các em có thể an tâm trải lòng về những khó khăn đang gặp phải trong cuộc sống và học tập, từ đó, tôi kịp thời có những giải pháp giúp đỡ. Đồng thời, tôi tạo được sự gần gũi, thân thiện với phụ huynh, giúp thuận lợi trong phối hợp động viên, giáo dục HS, giúp các em có cách nghĩ, cách làm tích cực, hạn chế tối thiểu việc HS bỏ học”.

Khi không còn làm công tác chủ nhiệm, với vai trò GV bộ môn và cán bộ quản lý, cô vẫn hết lòng với HS trong từng tiết dạy. Cô luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút sự quan tâm học tập của HS. Theo đó, cô khai thác nhiều nguồn tài liệu khác nhau để phục vụ các tiết dạy, nhất là sử dụng hình ảnh, âm thanh, ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức các trò chơi để lồng ghép dạy kiến thức mới cũng như ôn tập cho HS. Với HS chưa nắm chắc bài, cô theo sát, hướng dẫn kỹ lý thuyết và dạy phụ đạo trái buổi cho các em; đồng thời, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của những HS giỏi trong lớp, giúp các em ngày càng tiến bộ.

Ngoài ra, với vai trò Ban Giám hiệu, cô thường xuyên liên hệ, trao đổi với các GV bộ môn, tổng phụ trách và GV chủ nhiệm để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của HS, giúp giáo dục HS toàn diện và tạo sân chơi vui tươi, lành mạnh, giảm áp lực cho các em.

Cô đặc biệt quan tâm, động viên và kịp thời giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn, học yếu, có ứng xử chưa đúng đắn, có nguy cơ bỏ học,... Riêng HS bỏ học, cô phối hợp GV phổ cập, đoàn thể ở địa phương vận động HS trở lại lớp, có giải pháp thiết thực giúp đỡ các em như tặng học bổng, phụ đạo những môn học còn yếu, hướng dẫn phương pháp học hiệu quả,...

Với GV, cô động viên, khuyến khích các thầy, cô đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Từ đó, những nội dung khó được tổ thảo luận, thống nhất phương pháp dạy, giúp các thầy, cô dạy đạt hiệu quả tốt hơn.

Song song đó, cô cũng không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, cùng tập thể nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị.

Dù dạy cấp học nào hay cương vị gì, các thầy, cô giáo vẫn hết lòng với nghề, với HS, cùng hướng đến mục tiêu chung đưa các em cập bến bờ tri thức và nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị nói riêng, tỉnh nói chung./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-nguoi-dua-do-tham-lang-a167275.html