Những người được lính Pháp ca ngợi là anh hùng

Giờ thì nhiều người có lẽ đã quên lãng trận đánh đồn Pháp ở Tú Thủy cách đây 72 năm. Đại tá Vi Dân, người chỉ huy trận đánh đã được lính Pháp nể phục và xem như một người hùng trận mạc, khắc lên bia dòng chữ 'Ici reposé colonel Vi Dân, mort pour sa patrie'(Nơi yên nghỉ của Đại tá Vi Dân, người đã hy sinh vì Tổ quốc).

Còn những người lính của ông như anh sinh viên Hoàng Ngọc Tân và nhiều người mãi mãi tan biến vào núi rừng.

Bà Hoàng Thị Ngọc Diên (84 tuổi) kéo tấm ny lông che cửa sổ để tránh những cơn gió lạnh từ ngoài sông Phú Thọ (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) thổi ràn rạt qua tán cây mận và cây đào ngót trăm năm phủ rợp trước nhà rêu phong. Gian giữa nhà đặt bàn thờ luôn đỏ rực ánh đèn, soi khói hương kết nối hoài niệm từ cõi vĩnh hằng trở về hiện tại. Ngôi nhà này từng là nơi để mọi người tưởng nhớ đến chàng trai trẻ Hoàng Ngọc Tân nổi tiếng học giỏi, có tấm lòng ái quốc và đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Pháp ở Tú Thủy năm 1947 với Đại tá Vi Dân. Đã 70 năm rồi, có mấy ai còn nhớ.

 Bà Hoàng Thị Ngọc Diên với tấm di ảnh liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân

Bà Hoàng Thị Ngọc Diên với tấm di ảnh liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân

Trước năm 1945, ông Hoàng Tiến Tụng, cha của bà Diên sống ở phố Thu Xà, một phố thị cổ ở Quảng Ngãi. Ông có một người con trai có tướng thư sinh, mặt mũi khô ngô và học hành rất giỏi tên là Hoàng Ngọc Tân. Cụ Hoàng Văn Vịnh là ông nội của cậu Tân tìm cách từ chối khéo vì phía dòng họ Nguyễn Thân là quan đại thần trong triều đình, nhưng đánh tiếng làm xuôi gia với một gia đình thường dân. Sau khi 2 bên kết xuôi gia bằng lễ dạm hỏi và anh Tân tiếp tục ra Trường Quốc học Huế để tiếp tục nghiệp đèn sách.

Quan đại thần Nguyễn Thân là người ủng hộ Pháp, đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của những sĩ phu yêu nước nên mãi mãi bị nguyền rủa. Nhưng vị quan này chắc không ngờ rằng, chàng thư sinh trẻ tuổi là cháu rể dòng họ đã làm ngược lại những điều tội lỗi của ông, đó là ủng hộ Việt Minh, chống thực dân Pháp xâm lược, chọn lý tưởng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Bà Diên kể lại, “anh tôi đang học ở Trường Quốc học Huế thì cả trường xin tòng quân, nhập vào đội quân của ông Vi Dân để tiến lên Tây Nguyên đánh Pháp, anh được giao làm đại đội trưởng”.

Trận Tú Thủy ở Tây Nguyên diễn ra như thế nào? Nếu đặt câu hỏi này thì nhiều người không nhớ ra được. Đó là trận đánh bi hùng, lưu lại ký ức lâu nhất đối với một thế hệ người Việt Nam. Sau ngày 2/9/1945, ông Vi Dân (tên thật là Nguyễn Văn Trợ, quê ở huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam) đã dẫn đoàn quân Nam Tiến từ Hà Nội vào hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Trung Bộ. Đoàn quân đó đi đến đâu cũng được người dân nô nức ủng hộ, thanh niên tòng quân.

Theo tài liệu, Chi đội Vi Dân gồm 3 trung đội (khoảng 400 người, trong đó có mười nữ chiến sĩ). Khi đến Nho Quan (Ninh Bình. Cả đơn vị lên tàu vào Quảng Ngãi. Chàng sinh viên trẻ Hoàng Ngọc Tân đã gia nhập vào đoàn quân, gác lại nghiệp đèn sách. Những người lính trong chi đội Vi Dân trưởng thành qua các trận đánh Tu Bông - Vạn Giã tại Nha Trang vào năm 1946.

Đoàn quân Nam tiến thời đó, đi tới đâu thì tuyển mộ thanh niên lên đường tới đó, rồi phần lớn không trở về (Ảnh tư liệu)

Trận đánh bi hùng của đoàn quân Nam tiến là tấn công vào Tú Thủy ở huyện An Khê tỉnh Gia Lai vào tháng 3/1947. Đồn này được xây dựng tại vị trí nằm cách biệt với dân cư, ba mặt giáp với sông suối sâu và ruộng bậc thang như hào chắn, phía bắc chỉ có một con đường độc đạo dẫn từ An Khê vào thung lũng và có thể quan sát được từ xa. Trong đồn bố trí hỏa lực mạnh để cản các mũi tấn công. Pháp từng tuyên bố, “bao giờ nước sông Ba chảy ngược lên non thì Việt Minh mới dám đụng đến đồn Tú Thủy”.

Trước khi vào trận đánh cuối cùng, những người lính trẻ đã hô vang “quyết thắng!”. Còn ông Vi Dân (lúc đó là trung đoàn trưởng 95) đã truyền lòng dũng cảm trước ba quân bằng lời thề “trước khi trời sáng, không lấy được đồn thì Vi Dân này xin lấy đầu để lại”. Lịch sử Đảng bộ thị xã An Khê có đoạn: “Sau một tháng bao vây uy hiếp địch, đêm 14-3-1947, phối hợp cùng bộ đội chủ lực, toàn bộ lực lượng dân quân, du kích trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu cùng nổ súng tấn công vào đồn Tú Thủy”. Trận này còn có hơn 300 dân quân, du kích của các làng Cửu Đạo, An Xuân, Tân Lập tham gia, bao vây hỗ trợ. Tuy nhiên, trận tấn công bị thất bại vì hỏa lực địch quá mạnh, địch phản kích dữ dội, Trung đoàn trưởng Vi Dân hy sinh.

Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân ghi ngày hy sinh là 3/3/1947. Vậy có thể anh đã mất trong thời gian bao vây căn cứ Tủ Thủy. Sau ngày anh hy sinh, chị Nguyễn Thị Thuyền, người vợ của anh để tang người chồng chưa cưới. Hiện nay bà vẫn còn sống và định cư tại Pháp. Trong đợt anh Tân tòng quân, cũng có nhiều thanh niên ở Quảng Ngãi. Tại xã Đức Tân huyện Mộ Đức có liệt sĩ Lê Văn Thới là đại đội trưởng thuộc trung đoàn 95 dưới quyền của Vi Dân. Anh hy sinh ngày 11/10/1947. Người em trai là ông Lê Minh Tâm cho biết, sau khi tấn công Tú Thủy thất bại, đơn vị quay sang tấn công vào Cửu An. Trong đơn vị có một tên chỉ điểm là Nguyễn Nên trà trộn vào và nắm được hệ thống hầm hào giao thông của đơn vị nên rơi vào thế bất lợi và anh Thới hy sinh.

Ông Lê Minh Tâm, em trai của liệt sĩ Lê Văn Thới

Năm 1955, gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân chuyển từ thị trấn Thu Xà sang ở xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi sinh sống trong ngôi nhà phía vợ của anh. Bà Hoàng Thị Ngọc Diên, em trai của liệt sĩ Hoàng Ngọc Tân từng là một thiếu nữ nổi tiếng xinh đẹp, giờ cũng đã về già. Bà luôn kể về người anh trai là người học giỏi, thông minh, cách tân, có tấm lòng ái quốc. Bà nói: “Thời đó thanh niên nô nức lên đường theo lời bài hát xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân…Anh tôi là đại đội trưởng nhưng ông Vi Dân rút xuống tham gia chiến đấu như người lính. Vậy là đi vô đánh Tú Thủy rồi không ai trở về”.

Sau trận đánh vào đồn Tú Thủy, quân Pháp đã sát hại dã man hơn 300 người dân ở làng Tân Lập xã Đắk Hlơ huyện Kblang tỉnh Gia Lai vì cho rằng đã che dấu Việt Minh.

HÀ ANH (Kiến thức gia đình số 19)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-duoc-linh-phap-ca-ngoi-la-anh-hung-post241040.html