Những người 'gieo chữ' nơi cổng trời xứ Thanh - Bài 1: 'Gian nan' sự học ở Pa Búa!

Nằm biệt lập và cách trung tâm xã Trung Lý, huyện Mường Lát gần 50km. Khu Pa Búa, là một trong những điểm lẻ khó khăn bậc nhất của Trường Tiểu học Trung Lý 2. Sự học ở đây cũng không ngoại lệ, chông chênh, đứt quãng!...

Khu Pa Búa, điểm trường tiểu học Trung Lý 2.

Khu Pa Búa, điểm trường tiểu học Trung Lý 2.

... đi nhiều cũng thành quen!”

Không gian im ắng, bình minh hãy còn chưa thức giấc, cô Nguyệt đã sẵn sàng đồ đoàn ngược bản. Cô nói, phải tranh thủ lúc con nhỏ chưa thức giấc, nhờ bà nội trông, đi sớm một chút. Đường xa, khó đi, còn phải lụy đò mới qua được sông, đến lớp!...

Ngày nào cũng vậy, cô giáo trẻ Lục Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1997, ở bản Táo, xã Trung Lý phải dậy từ lúc con gà còn chưa kịp gáy, vượt đường đồi núi gồ ghề, khúc khuỷu rồi lên đò qua sông Mã mới đến được điểm trường Pa Púa. Chiều tối, lại tất tả trở về để lo cho đứa con nhỏ, mới hơn 1 năm tuổi, còn chưa cai sữa. Việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là những ngày mưa gió!.

... năm 2021, cô Nguyệt cũng như 3 thầy, cô giáo trẻ khác xung phong lên điểm trường Pa Búa. Theo các thầy cô, thì còn trẻ phải đi những nơi khó khăn để cống hiến, còn ở trung tâm thì dành lại cho những thầy cô đã đứng tuổi giảng dạy.

Được ngành giáo dục huyện Mường Lát tuyển dụng năm 2021, cô Nguyệt cũng như 3 thầy, cô giáo trẻ khác xung phong lên điểm trường Pa Búa. Theo các thầy cô, thì còn trẻ phải đi những nơi khó khăn để cống hiến, còn ở trung tâm thì dành lại cho những thầy cô đã đứng tuổi giảng dạy.

Đã nghe nhiều về những khó khăn của các thầy, cô giáo “cắm bản”, thế nhưng việc “đánh vật” với con đường gian nan mà hằng ngày các thầy, cô giáo đi qua, tôi mới thực sự thấm thía hết những khó khăn của người “chèo đò” nơi vùng cao biên giới. Cùng các thầy cô giáo đi trên con đường đất ngoằn ngoèo, lổn ngổn đá như giăng bẫy cùng những con dốc dựng đứng, rồi lại bất chợt đổ mình như lao thẳng thung sâu, chúng tôi mới thấu hiểu hết những gian nan của những người mang tuổi xuân đi gieo chữ trên ngàn.

“Ngày mưa gió thì phải làm sao?”. Cô Nguyệt lắc đầu đáp: “Còn tùy anh ạ! Mưa nhỏ thì vẫn phải đi. Mưa lớn thì ở lại bản. Con nhỏ đành uống sữa ngoài... Thiếu mẹ, con sẽ quấy khóc!”.

Chặng đường ngược ngàn vẫn tiếp nối. Mươi phút, cô giáo Nguyệt lại phải chờ tôi đi đến nơi rồi mới lại đi tiếp!. Với cô Nguyệt, dẫu sinh ra ở huyện vùng biên, song nhà lại ở trung tâm xã nên chưa bao giờ phải vượt sông, vượt núi. Tới khi, mang trên mình trọng trách nhà giáo thì dẫu con đường có gian khó, song đi nhiều cũng thành quen.

Cái chữ không làm no cái bụng ngay”

Khu Pa Búa, Trường Tiểu học Trung Lý 2 nằm vắt mình chênh vênh giữa những ngọn núi cao của huyện vùng biên Mường Lát. Điểm trường có gần 100 học sinh, 4 thầy cô giáo trẻ. Đi rã rời đôi chân, chúng tôi mới lên được đến nơi. Tôi thắc mắc, sao bà con người Mông không sống dưới chân đồi, gần sông, gần suối? Cô Nguyệt bật cười “Thế nhà báo chưa hiểu phong tục, cái bụng người Mông rồi!. Ngày trước, bà con thường di canh, di cư đến ở những vùng đất mới để khai hoang, phát rẫy. Đó thường là những ngọn núi cao, nơi con người chưa canh tác. Chuyện mở lớp thì bà con ở đâu, điểm trường phải đặt ở đó!”.

Tiết dạy của Cô Nguyệt.

Tiết dạy của Cô Nguyệt.

Trước khi sinh con nhỏ, cô Nguyệt cùng 3 thầy cô giáo trẻ khác ở lại điểm trường. Vào cuối tuần, các thầy cô lại luân phiên xuống núi, qua sông sang trung tâm xã Mường Lý để mua thực phẩm, đáp ứng đủ cho tuần kế tiếp. Bất đắc dĩ, mùa mưa bão, bản bị cô lập, thì bà con lại nuôi thầy cô. Cái lo của thầy cô không phải chuyện giông gió, chuyện ăn gì mà là học sinh không lên lớp, việc vận động trở nên gian nan hơn!.

Ngày trước, bà con thường di canh, di cư đến ở những vùng đất mới để khai hoang, phát rẫy. Đó thường là những ngọn núi cao, nơi con người chưa canh tác. Chuyện mở lớp thì bà con ở đâu, điểm trường phải đặt ở đó!”

Cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt

Nhẩm sĩ số lớp hôm nay, vắng 5 bạn. Cô Nguyệt đoán ngay ra lý do, phụ huynh bận lên rẫy trồng sắn không đưa con tới lớp, hoặc bắt con lên rẫy trông em. Mấy tháng nay trời vùng biên không đổ mưa rồi, giống sắn cao sản của bà con Pa Búa trồng không bật được mầm, khô thành củi. Sau cơn mưa dông đêm qua, bà con nay tập trung lên rẫy trồng lại sắn.

“Học sinh không đến lớp, thì tối thầy cô lại kết hợp với Ban quản lý bản đến gia đình vận động. Các hộ người Mông sống cách xa nhau, có khi cả một quả đồi. Đi bộ không nỗi, đi xe máy đêm hôm, đường khó, chẳng may gặp trời mưa gió, có khi sáng hôm sau thầy cô cũng mới về được điểm trường” - Cô Nguyệt chia sẻ.

Cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt trong tiết dạy.

Cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt trong tiết dạy.

Trưởng bản Pa Búa Sùng A Thể khi nghe nói chuyện học sinh nghỉ học, tỏ sự bực bội: “Đấy! nhà báo xem, vận động tối ngày, năm này qua năm khác, thế mà vẫn còn nhiều phụ huynh xem nhẹ việc học của con cái. Có phải bà con không biết cái chữ nó quan trọng thế nào đâu?! Mình tuyên truyền từ mùa này qua mùa khác. Bảo rằng, cái chữ không làm no cái bụng ngay. Mình nói, người Thái, người Mường, người Dao... ở những bản phía dưới, vì sao có nhiều con em đi làm công ty, đi xuất khẩu lao động, thoát được cái nghèo. Còn bà con Pa Búa thì không?! Đó là do không biết cái chữ!”.

Đêm đó, tôi cùng trưởng bản Sùng A Thể, cô giáo Nguyệt trực tiếp đến nhà học sinh Thào Văn Thiện. Căn nhà của Thiện lẻ loi giữa khoảng không mịt mù của đồi núi. Đã gần 9 giờ tối, thế nhưng, bữa cơm nhà Thiện chỉ vừa mới bắt đầu vì cả nhà bận lên rẫy trồng sắn từ mờ sáng đến tối muộn mới về.

Mình nói, người Thái, người Mường, người Dao... ở những bản phía dưới, vì sao có nhiều con em đi làm công ty, đi xuất khẩu lao động, thoát được cái nghèo. Còn bà con Pa Búa thì không?! Đó là do không biết cái chữ!”.

Cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt

Mẹ của Thiện là bà Sung Thị Mang, nhận lỗi với cô giáo, với trưởng bản, sẽ cho con tới lớp. Trưởng bản Sùng A Thể thì vẫn chưa tin cái bụng phụ huynh, bắt phải cam kết, nếu không sẽ thông báo trên loa phát thanh. Trưởng bản lý giải: “Bà con cứ hứa như đinh đóng cột vậy đấy, mai học sinh vẫn nghỉ học như thường. Đến vận động lần 2, thậm chí lần 3, mới cho con đi. Đôi khi họ bao biện, lo cho cái bụng no đã rồi tính...!”.

Bản Pa Búa có 120 hộ, với 759 nhân khẩu. Là bản người Mông đặc biệt khó khăn, nhất là về giao thông. Biệt lập với trung tâm xã vào mỗi mùa mưa bão. Cái nghèo đằng đẵng kéo theo sự học của con em cũng chông chênh, đứt quãng. Phần nhiều các em chỉ học hết bậc tiểu học, cao hơn nữa thì hết bậc trung học cơ sở. Mấy năm nay, nhờ có điện sáng, cây sắn cho thu nhập, đời sống bà con đỡ vất vả hơn, sự học của con em mới được chú ý.

Thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2, chia sẻ: Là một trong những trường được xem là khó khăn nhất của huyện Mường Lát, với nhiều điểm lẻ, cách xa nhau. Bên cạnh cơ sở vật chất, nhu cầu về nước sạch, thực phẩm với thầy cô cũng rất bất cập. Thậm chí, để có thực phẩm ăn vào những ngày mưa phải nhờ người vận chuyển từ bên ngoài vào. Còn với Trưởng bản Sùng A Thể, có điện sáng rồi, cần con đường kiên cố nữa thôi, tin rằng sự học của con em đồng bào Mông ở Pa Búa sẽ thay đổi.

Qua rà soát, bậc học mầm non và tiểu học trên địa bàn huyện Mường Lát hiện có 124 điểm trường, bao gồm cả điểm trường chính và lẻ. 30% số phòng, lớp học chưa đảm bảo kiên cố. Hệ thống phòng học bộ môn, phòng chức năng của các bậc học mới chỉ đáp ứng được 35% so với quy định. Số lượng các điểm lẻ còn lớn, cơ sở vật chất còn hạn chế, đã đang gây ra không ít khó khăn trong việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường.

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-nguoi-gieo-chu-noi-cong-troi-xu-thanh-nbsp-bai-1-gian-nan-su-hoc-o-pa-bua-213873.htm