Những người giữ biển nơi Đất Mũi

'Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời…'. Bài hát 'Áo mới Cà Mau' được cậu lái xe bản địa bật đi bật lại trong suốt hành trình đưa chúng tôi đến với điểm cực cuối cùng của dải đất hình chữ S. Con đường nhỏ, phóng tầm mắt mênh mông rừng tràm, rừng đước, gió từ biển thổi vào khiến những đám lau trắng như sáng hơn dưới ánh mặt trời.

Ấn tượng đầu tiên

Để đến được đồn biên phòng Đất Mũi, chúng tôi buộc phải di chuyển bằng đường thủy, nhưng chiều cũng đã muộn, chợ tàn, dưới sông không còn chiếc ghe nào. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng bảo, hay vẫy thử bất cứ chiếc ghe nào chạy qua xem sao. Nói là làm, anh cất lời gọi hú họa. Ai dè chiếc ghe dừng lại thật, đó là điều nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi.

Khi đã yên vị, anh chủ ghe vui tính bảo, nhìn cách ăn mặc là biết ngay chúng tôi không phải người vùng này. Nói rồi anh bẻ lái, đưa cả nhóm đến đồn biên phòng Đất Mũi và… từ chối nhận tiền. “Thôi cô ơi, có đoạn thôi hà, phiền gì đâu mà công xá. Hơn nữa, cô là khách của đồn biên phòng thì cũng là khách của tụi tôi. Mấy ảnh ở đó tốt lắm, chẳng ngại đêm hôm, dân cứ có việc gì là giúp” - ấn tượng ban đầu của tôi về những người dân Đất Mũi, về những người lính mang quân hàm xanh ở nơi địa đầu Tổ quốc là như thế.

Đại úy Nguyễn Việt Bắc về làm Trưởng đồn Biên phòng Đất Mũi (ấp Kênh Đào Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) chưa lâu. Nhà anh ở ngay thị trấn Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nhưng mấy năm rồi chưa về nhà ăn Tết. Cô con gái út của anh năm nay mới học lớp mầm, cuối tuần nào cũng gọi điện hỏi: “Chừng nào ba về? Ba có mua quà cho con không?”. Anh bảo: “Nhớ nhà nhớ con chứ, nhưng là người lính, chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó”.

Tết vừa qua cũng là cái Tết đầu tiên Trung úy Lương Tiến Phi - Đội trưởng Kiểm soát hành chính ở lại đơn vị. Vừa ra trường, Phi đã nhận nhiệm vụ công tác về đây. Anh bảo, nỗi nhớ nhà thì thường trực, nhưng cũng phải gạt đi để hoàn thành nhiệm vụ. Phi kể: “Hôm qua, mẹ em vừa gọi điện hỏi thăm. Bố mẹ cũng và người thân vẫn luôn động viên em “vững chắc tay súng” nơi biên cương của Tổ quốc, xứng đáng với những gì mà gia đình đã kỳ vọng”.

Cũng ở nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi gặp đồng hương Hà Nội. Trung úy Lê Anh Hiếu quê ở Yên Nghĩa, Hà Đông đã ăn 4 cái Tết ở đơn vị. Anh nhớ nhất là cậu con trai mới lên 3 thi thoảng lại bi bô gọi điện thoại cho bố. Hiếu cứ tiếc nuối về dự định đưa vợ con đi xem bắn pháo hoa ở hồ Gươm đêm Giao thừa mãi mà vẫn chưa thực hiện được. Nhưng rồi, vượt qua được những mong ước đời thường, trách nhiệm, nghĩa vụ của một người lính biên phòng nơi biên cương Tổ quốc vẫn luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Đồn Biên phòng Đất Mũi phụ trách 2 xã biên giới biển là Đất Mũi và Viên An với đường bờ biển dài gần 50 km. Nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây ngoài quản lý địa bàn, phương tiện thì còn phải tuyên truyền, vận động người dân, phối hợp với địa phương và các lực lượng khác nắm chắc tình hình, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động vi phạm quy chế khu vực biên giới. Họ chính là những người gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân nhất để giúp mọi người tuân thủ pháp luật.

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Cũng giống như các chiến sĩ đồn biên phòng Đất Mũi, những người lính ở đồn biên phòng Khánh Tiến (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng có nhiều người đón Tết ở đơn vị. Với họ “đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Trung tá Dương Văn Quy - Đồn trưởng Đồn biên phòng Khánh Tiến cho biết, trong những năm qua, đơn vị luôn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia các phong trào quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cùng với đó, đơn vị đã tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương, triển khai xây dựng 47 tổ nhân dân tự quản với 151 thành viên, 1 tổ tàu thuyền an toàn với 10 phương tiện và 60 thuyền viên, đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển.

Đơn vị cũng tích cực phối hợp với chính quyền, chủ động trao đổi xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hiệp đồng với các lực lượng ứng phó các tình huống xảy ra. Tổ chức tốt công tác thông báo hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão an toàn, tuyên truyền hướng dẫn dân phòng chống thiên tai, không để thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đồn đã tìm kiếm cứu nạn được 17 thuyền viên, cứu hộ 20 phương tiện tàu thuyền, hàng năm tích cực tham gia phòng chống cháy rừng. …

Cũng như những người lính khác trong đơn vị, dù quê ở Thanh Hóa, nhiều năm nay Trung tá Dương Văn Quy đón Tết ở đồn. Suốt mấy chục năm xa nhà để gắn bó với Đất Mũi, bây giờ anh coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Mai An

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhung-nguoi-giu-bien-noi-dat-mui/844691.antd