Những người hùng đời thực

Tổ chức “Chiếc mũ của Chúa Jesus”

Cuộc đời của Annie Lobert chưa bao giờ là dễ dàng. Khi mới lớn, cô đã bắt đầu làm việc với nghề làm bạn gái hợp đồng và là vũ công sexy. Để có thêm tiền, cô chuyển đến ở cùng bạn trai tại thành phố Las Vegas, nơi được gán cho biệt danh không lấy gì làm hay ho: Thành phố Tội lỗi. Ở nơi đó, với cô, mọi chuyện đã thay đổi.

Khi cô gái trở về nhà sau những giờ “làm việc”, gã bạn trai bắt đầu vòi tiền cô. Bị từ chối, hắn lôi cô ra sân sau và đánh đập tàn tệ. Bạn trai của Lobert lấy thẻ công dân và điện thoại của cô. Lobert nhanh chóng rơi vào cái bẫy của công nghiệp tình dục và bắt đầu dùng ma túy. Sau 5 năm bị lạm dụng tàn tệ, cuối cùng, Lobert trốn khỏi tay gã bạn trai kiêm ma cô dắt gái.

Năm 2003, Lobert được đưa đến bệnh viện sau một lần sử dụng ma túy quá liều. Sự kiện này giúp cô nhìn lại quãng đường đã trải qua. Lobert nguyện sẽ giúp những “nữ nhân công tình dục” tìm tới con đường mới.

Lobert, giờ đây đã 51 tuổi, đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Chiếc mũ của Chúa Jesus”. Những người phụ nữ từng làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, hoặc từng là nạn nhân của các đường dây tình dục, được tư vấn, được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp, và có chỗ trú chân khi cần thiết. Lobert cũng chú trọng việc bảo vệ phụ nữ khỏi những tay ma cô dắt gái. “Tại ngôi nhà của chúng tôi ở Henderson, nhiều khi có những kẻ ma cô xuất hiện, cầm súng trong tay và đe dọa chúng tôi” - Lobert kể.

Công nghiệp tình dục ở Mỹ có mức thu nhập tới hàng triệu dollar hàng năm. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính có khoảng 4,5 triệu người đang bị cầm chân trong các tổ chức khai thác tình dục trên khắp thế giới.

Ngôi làng nhiễm độc

Khi Phyllis Omido bắt đầu làm việc ở một nhà máy luyện kim ở Kenya, cô không hề biết rằng sức khỏe của mình đang phải đối mặt với tình trạng cực kỳ nguy hiểm.

Sự bùng nổ của công nghiệp sản xuất pin mặt trời ở châu Phi làm tăng cao nhu cầu chì. Nhà máy EPZ, nơi Omido làm việc, là nơi chiết xuất chì từ các bộ ắc quy ô tô cũ. Trong vai trò là quản lý quan hệ cộng đồng của nhà máy, nhiệm vụ của Omido là xây dựng báo cáo tác động môi trường. Cô phát hiện ra rằng, hóa chất được sử dụng tại nhà máy mang lại nguy hiểm tiềm tàng cho người dân sống xung quanh khu vực này. Mặc dù Omido đã khuyến cáo nhà máy cần được di chuyển, nhưng ý kiến của cô hoàn toàn bị phớt lờ. Thay vào đó, cô bị chuyển khỏi dự án này.

Chỉ 3 tháng sau, con trai của Omido bắt đầu ốm. Các bác sĩ nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân: Lượng chì trong máu của cậu bé tăng cao đột ngột. Khi đó, Omido vẫn còn cho con bú, điều này chứng tỏ chì đã thâm nhập vào cơ thể con trai cô qua sữa. Omido bỏ việc và bắt đầu điều tra những tác động đến sức khỏe của người dân ở khu vực Owino Uhuru - một khu ổ chuột, nơi nhà máy EPZ được xây dựng. Với các nỗ lực không mệt mỏi, Omido phát hiện ra rằng nhiều phụ nữ địa phương đã bị sảy thai, nhiều người mắc bệnh hô hấp. Người dân ở các địa phương có nhà máy luyện kim ở khắp Kenya lên tiếng đòi đóng cửa các nhà máy này, và hơn chục nhà máy đã phải đóng cửa.

Năm 2015, Omido được tặng giải thưởng Môi trường Goldman. Người mẹ trẻ này đã đứng đầu trong một vụ kiện tập thể chống lại chính phủ Kenya. Ủy ban Y tế của Thượng viện đã đồng ý tổ chức các nỗ lực cứu trợ ở Owino Uhuru.

Chiến dịch của Omido không phải là không có sự cố. Vào năm 2012, các tay súng đã tấn công vào nhà cô. Cô sống trong nỗi sợ bị bắt cóc và luôn phải mang theo bộ chuông báo động.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nhung-nguoi-hung-doi-thuc-3964529-b.html