Những người không có Tết

Tết là ngày đoàn tụ, mọi người dù đang ở đâu, làm gì...cũng mong muốn và cố gắng trở về nhà bên mâm cơm tất niên. Tuy vậy, vẫn không ít người vì công việc, gánh nặng mưu sinh mà không thể đón một cái Tết trọn vẹn.

Âm thầm đứng sau cuộc vui

Dịp Tết, lực lượng CSGT khắp cả nước phải ứng trực 100% quân số để làm nhiệm vụ, đảm bảo trật tự ATGT cho nhân dân đi lại thông suốt.

Thiếu úy Nguyễn Cao Cường, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT CA TP Hà Nội cho biết: “Bao nhiêu năm trong ngành, chưa năm nào tôi được ăn Tết ở nhà. Đêm giao thừa, trời rét căm căm nhìn mọi người sum vầy cùng gia đình mà quặn thắt nỗi nhớ nhà. Nhưng tôi luôn xác định vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui của nhân dân làm niềm vui cho mình để cố gắng đảm bảo an toàn giao thông”.

Không có ngày nghỉ Tết, thậm chí những ngày này còn là giờ cao điểm của công nhân dọn vệ sinh. Sau màn bắn pháo hoa đẹp mắt, rác được xả ra ở khắp nơi. Lúc này, những người lao công lại âm thầm đứng đằng sau mọi cuộc vui, gắng hết sức mình để sáng hôm sau thấy một đường phố sạch đẹp.

Những ngày Tết, ca làm việc của công nhân dọn vệ sinh có thể lên đến 10 tiếng/ngày

Cô Thường, một lao công với kinh nghiệm 20 năm làm ở khu vực đường Cầu Diễn chia sẻ: “Bình thường ca làm việc của tôi thường kéo dài 8 tiếng, nhưng những ngày giáp Tết có thể lên đến 10 tiếng/ngày. Đây là thời điểm mọi nhà dọn dẹp nhà cửa và nấu nướng nên lượng rác thải ra gấp đôi những ngày khác”.

Lau những giọt mồ hôi trong tiết trời lạnh giá thế này, cô Thường bảo: “Nói thật là làm những ngày lễ, Tết công ty cũng chấm công và thưởng thêm nhưng nhìn pháo hoa rực rỡ trên trời và nhà nhà nô nức du xuân thì phút giây bên gia đình vẫn quý giá nhất. Lúc đó, chỉ gắng hết sức làm xong sớm để về với chồng, con”.

Gánh nặng mưu sinh

Với những người lao động nghèo thì Tết luôn là cơ hội vàng để kiếm tiền. Phạm Nhung, sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền tâm sự: “Tết này mình không về quê ăn Tết mà nhận lời về quê nhà chủ để dọn dẹp nhà cửa và chăm cháu mới sinh. Anh chị chủ đối xử với mình rất tốt nhưng những dịp Tết thế này nhìn gia đình người ta sum họp mà nhớ nhà kinh khủng. Nhiều lúc tủi thân ứa nước mắt nhưng vì tiền đóng học kỳ tới nên đành cố gắng”.

Vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Tô Thủy cho hay: “Năm nay, mình cũng không về quê ăn Tết mà nhận dẫn tour cho 2 vị khách người Nhật. Nghĩ chạnh lòng khi mấy ngày Tết phải ra ngoài từ 6 giờ sáng, công việc thì bận bịu khi phải làm tất các thủ tục cho khách cũng như phải di chuyển liên tục”.

Thủy chia sẻ thêm: “Với một đứa vừa ra trường như mình thì công việc rất áp lực nhiều lúc chỉ muốn khóc. Khi xác định làm nghề này, mình đã biết không có ngày nghỉ lễ, Tết bởi đây là thời điểm khách du lịch đến Việt Nam đông hơn”.

“Nghĩ đến việc mua được bộ quần áo cho bố mẹ và mấy đứa em ở quê là mình lại an ủi bản thân gắng sức chứ thật lòng muốn về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình lắm”, Thủy ngậm ngùi.

Giữa chốn thành thị náo nhiệt này, vẫn còn những người lao động nghèo đang miệt mài kiếm từng đồng để mong Xuân này ấm no hơn.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-khong-co-tet-33009.html