Những người làm báo trong cả nước đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

ĐTO - Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016 gắn với 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, vào chiều ngày 27/10, tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Các đồng chí chủ trì điều hành hội nghị

Theo Báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có trên 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội; có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 chi hội trực thuộc Trung ương. Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý báo chí, quản lý hội viên, xây dựng và triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Hơn 300 Hội đồng xử lý đạo đức nghề nghiệp người làm báo từ Trung ương đến các cấp hội trực thuộc được thành lập và đi vào hoạt động, đã quyết định khai trừ và thu hồi thẻ hội viên hơn 20 trường hợp vi phạm; khiển trách, nhắc nhở phê bình, rút kinh nghiệm các trường hợp vi phạm khác trong sử dụng mạng xã hội…

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tham luận và thảo luận, các đại biểu đã có nhiều ý kiến trao đổi tâm huyết, sâu sắc tập trung vào các chủ đề nóng như làm thế nào để nâng cao trách nhiệm và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong thực thi Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo từ thực tế hoạt động báo chí ở địa phương. Một số ý kiến đi sâu phân tích, cảnh báo hiện tượng "Nhà báo hai mặt" trên mạng xã hội và đề cập những nội dung cần sửa đổi Luật Báo chí 2016 trong bối cảnh chuyển đổi số. Một số ý kiến tập trung phân tích vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chủ trương, chính sách, pháp luật đối với hội viên người làm báo để ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo… Từ đó, đề xuất các giải pháp gắn với trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, thu hút hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện về sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương; các giải pháp cụ thể để nâng cao ý thức trách nhiệm của người làm báo khi viết báo và tham gia mạng xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho biết, trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm hiện thực hóa những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

MP

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nhung-nguoi-lam-bao-trong-ca-nuoc-da-gop-phan-quan-trong-vao-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-117698.aspx