Những người làm thỏa nguyện bệnh nhân AIDS trước khi qua đời

KTGĐ số ra ngày 18/8 có bài 'Ám hiệu tình yêu nơi những cặp đôi có 'H'', viết về cuộc sống và số phận bi kịch của những bệnh nhân HIV ở Bệnh viện Nhân Ái. Vậy, những ai là người đã chung sống, chăm bẵm những bệnh nhân ấy? Nhiều độc giả đặt câu hỏi như vậy.

Do đó, chúng tôi xin kể tiếp câu chuyện này.

Khi bệnh nhân AISD bất mãn

Họ là tập thể y bác sĩ, điều dưỡng, những người làm công tác chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Và, trong suốt những năm tháng làm công việc đặc biệt này, nhiều người trong số họ đã chạm tay vào sự nguy hiểm tính mạng như phơi nhiễm HIV. Nếu không có sự can đảm, trách nhiệm và lòng nhân hậu, khó có ai gắn bó lâu dài ở đây được.

Các y tá, điều dưỡng thay quần áo, lau người, chăm sóc vết thương và cho bệnh nhân ăn

Những người có “H” ở Bệnh viện Nhân Ái phần lớn đều nghiện hút và ít nhiều có “số má” trong giới mà xã hội gọi là “giang hồ”, được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện ở nhiều vùng miền về. Ngoài “H”, họ cũng mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác như phổi, gan, da… thể trạng suy kiệt. Cũng vì mang chứng bệnh bị xã hội kỳ thị, gia đình ruồng bỏ, nên tâm lý cũng bất ổn như sức khỏe của họ. Hệ quả là đa số bệnh nhân khi mới vào đều có thái độ bất hợp tác, hung hăng, chống đối, thậm chí tấn công lại người chăm sóc mình.

“Nếu là bạn, bạn có sợ không khi tiếp xúc với một người có “H” đang lên cơn nghiện, đang cầm dao lam rạch tứ tung trên cơ thể và sẵn sàng ăn thua đủ với bạn”?, BS Nguyễn Phi Khanh, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt, BV Nhân Ái hỏi chúng tôi. Rồi không đợi câu trả lời, ông nói tiếp: “Chưa từng có người nào tôi hỏi mà dám nói là không sợ. Ngay cả những y tá, hộ lý, nhân viên ở đây, khi mới đến, họ cũng mất nhiều tháng trời mới quen dần với việc tiếp cận một người bệnh bị HIV/AIDS giai đoạn cuối, toàn thân ghẻ lở…”.

Mặc dù làm trong môi trường vô cùng khắc nghiệt, nhưng nữ y tá bệnh viện Nhân Ái vẫn luôn nở nụ cười

Chị Nhữ Thị Tuyến, hộ lý Khoa Săn sóc đặc biệt, gắn bó với bệnh viện 7 năm nay, là một trong những người từng vài lần bị “tai nạn nghề nghiệp” trong lúc chăm sóc bệnh nhân cá biệt, kể: “Trường hợp bệnh nhân bất mãn, bất hợp tác, quậy phá là chuyện thường ngày. Hồi mới vào đây được vài tháng, một lần tôi phụ bác sĩ chăm sóc bệnh nhân vừa bị “H”, vừa nghiện mới nhập viện. Trong lúc chúng tôi đang chăm sóc thì anh ta lên cơn nghiện, quậy phá, la hét, rồi cầm dao lam rạch tứ tung lên người. Chúng tôi xanh mặt, chưa biết phải làm sao thì được các bệnh nhân khác trong phòng hỗ trợ, giữ chân tay anh ta. Đến khi tiêm được cho anh ta, nhìn lại mình thì máu anh ta dính đầy người”.

Bác sĩ Khanh nói thêm: “Ở đây, có hơn chục người trong đội ngũ chăm sóc bệnh nhân phải điều trị phơi nhiễm vì bị bệnh nhân quậy, quẹt kim tiêm trúng người rồi. Trong quá trình điều trị, không ít lần chúng tôi bị bệnh nhân đuổi đánh, mắng nhiếc vì họ đang trong cơn nghiện hoặc tâm lý không ổn định”, BS Nguyễn Phi Khanh cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thành Long (trái), nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái và bác sĩ Nguyễn Phi Khanh, Trưởng khoa Chăm sóc đặc biệt, đang hỏi thăm bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Thành Long trực tiếp khám cho bệnh nhân

Y sĩ Nguyễn Bá Thiệp, người gắn bó với bệnh viện ngay từ khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trung cấp y sĩ trong tay, cho hay, khi biết anh xin về Bệnh viện Nhân Ái công tác, gia đình ngăn cản quyết liệt. Nhưng nghe anh phân tích lý do, gia đình đã chấp nhận, mặc dù mỗi lần về thăm nhà, mẹ anh vẫn không khỏi băn khoăn.

Những nguyện vọng trước khi nhắm mắt

Để chăm sóc 351 bệnh nhân có "H", đặc biệt là những bệnh nhân giai đoạn cuối, ngoài đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, còn có những người tự nguyện đến làm việc nghĩa. Họ là những nữ tu sĩ, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Năm nay đã ở cái tuổi thất thập, và là người gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ ngày đầu thành lập, sơ Lê Thị Xoài đã không nhớ nổi đã bao nhiêu lần rơi nước mắt trước cơn đau đớn quằn quại của người bệnh và lúc tiễn đưa họ ra đi mãi mãi. Song mỗi lần giúp người bệnh nhận ra được những sai lầm trong quá khứ và muốn sống để làm lại cuộc đời, bà lại có thêm một niềm vui thầm lặng.

“Chúng tôi không có gia đình riêng hay hạnh phúc vợ chồng. Gia đình là bệnh viện, người thân là tập thể y bác sĩ và bệnh nhân”, bà Xoài nói và cho biết thêm, Bệnh viện Nhân Ái hiện có 8 nữ tu sĩ, 2 người là y tá kiêm điều dưỡng hưởng lương của nhà nước trả hằng tháng theo quy định, còn 6 người không có lương mà chỉ nhận phụ cấp 1,8 triệu đồng/tháng.

Bà Xoài kể, gắn bó ở bệnh viện này bao năm nay, bà chứng kiến biết bao câu chuyện buồn, xúc động về tình người, về số phận các bệnh nhân những ngày cuối đời. Hầu hết những bệnh nhân ở Khu điều trị đặc biệt đều bị gia đình, người thân bỏ rơi nên các sơ chính là những người thân thích cuối cùng của họ. Các sơ phải làm những việc như tắm rửa, vệ sinh, xoa bóp, an ủi, vỗ về khi các em vật vã, đau đớn trên giường bệnh. Có bệnh nhân thèm ăn hủ tiếu, phở, thậm chí thèm ăn cả thịt chó… các tình nguyện viên cũng đi cả chục cây số để mua về cho bệnh nhân ăn từ tiền túi của mình.

Bà Lê Thị Xoài (hàng đầu bên trái), người gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái từ những ngày đầu thành lập

Còn chị Thủy thì kể: “Hồi năm ngoái có một bệnh nhân thèm ăn cá bống kho tiêu, chị điều dưỡng phải ra tận Đồng Xoài mua, vừa về đến nhà thì bệnh nhân đã vội ra đi. Thương người quá cố, chị cứ tự dằn vặt mình vì sự chậm trễ. Có một bệnh nhân khá giả là nam giới, bị nhiễm HIV/AIDS do làm phẫu thuật chuyển giới tính tại Thái Lan. Bệnh nhân ấy rất thích được trở thành phụ nữ và có một nguyện vọng duy nhất là sau khi chết được trang điểm thật đẹp. Đêm ấy, bệnh nhân ra đi mà không có người thân bên cạnh, mặc dù gia đình đã được báo trước, thế là các sơ phải bỏ tiền mua váy áo đẹp tẩm liệm cẩn thận theo đúng nguyện vọng cuối cùng của bệnh nhân.

Còn nữ tu Thu Thủy, năm nay mới 31 tuổi, ở TP.HCM, gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái được hơn 3 năm nay, tâm sự: “Lần đầu nhìn thấy bệnh nhân mang căn bệnh thế kỷ, lở loét quanh người, rộp cả miệng, tôi hoảng lắm. Nhưng khi thấy họ quằn quại vì đau đớn, tôi không cầm được nước mắt, lao vào giúp họ, bất chấp có nguy hiểm hay không. Chăm sóc người bệnh bình thường, và là người thân của mình, vất vả một, thì chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt này, vất vả gấp ngàn lần. Tôi nghĩ, những công việc hàng như thay băng, vệ sinh thân thể lở loét, thay quần áo cho bệnh nhân, giặt giũ, dọn phóng uế… không phải ai cũng sẵn sàng làm. Chưa kể nguy cơ phơi nhiễm, gặp rủi ro có thể ảy đến bất cứ lúc nào”.

Bà Xoài và chị Thu Thủy trao quà cho bệnh nhân

“Những đóng góp của Bệnh viện Nhân Ái là rất lớn. Bệnh nhân HIV vốn đã bị xã hội phân biệt, kỳ thị, đối xử không tốt, những bệnh nhân HIV giai đoạn cuối còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử nặng hơn. Khi đến với bệnh viện Nhân Ái, mọi sự phân biệt, kỳ thị không còn nữa. Họ đã giúp bệnh nhân thực sự được “làm người” những ngày cuối đời”, bác sĩ Văn Hùng , Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP.HCM.

PHÚC LẬP

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-lam-thoa-nguyen-benh-nhan-aids-truoc-khi-qua-doi-post228704.html