Những người 'lặng thầm' để Thủ đô xanh, sạch…

Nhằm đẩy mạnh công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cho Thủ đô luôn xanh – sạch – đẹp, rất nhiều người vẫn đang âm thầm làm công việc thu gom rác ở các khu vực danh lam thắng cảnh và các con đường, khu phố,… Họ thấy vui vì đã cống hiến một phần công sức và tâm huyết của mình để đem lại một bầu không khí tươi mát, những con đường sạch sẽ, cũng như đóng góp một phần dù rất nhỏ trong chiến dịch bảo vệ môi trường.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông lạnh tê tái hay ngày hè nắng như đổ lửa, cứ vào cuối tuần, tại khu vực quanh hồ Gươm những tình nguyện viên là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, doanh nhân,... luôn cần mẫn làm công việc thu nhặt rác vòng quanh hồ. Không ngại lấm lem, họ âm thầm góp phần giữ gìn môi trường, cảnh quan xung hồ sạch, đẹp; đồng thời, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Một ngày cuối tuần tháng 8, như thường lệ, em Nguyễn Mạnh Dũng, học sinh Trường Trung học cơ sở Ba Đình cùng nhóm bạn có mặt từ sớm. Dũng cho biết, em xin phép bố, mẹ tham gia hoạt động tình nguyện này vào sáng Chủ nhật hàng tuần. “Chúng em được phát găng tay, dụng cụ, sau đó cả nhóm đi vòng quanh hồ, thấy rác là nhặt vào bao, đưa về điểm tập kết...”, Dũng kể về công việc quen thuộc của mình.

Cùng tham gia hoạt động này, anh Phan Văn Khởi, một hướng dẫn viên du lịch cũng có mặt tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm từ 6h sáng. Anh Khởi bảo, thấy vui vì đã cống hiến một phần công sức và tâm huyết của mình để đem lại một bầu không khí tươi mát, những con đường, những chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ, thoáng mát tiếp đón du khách cũng như đóng góp công sức trong chiến dịch bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. “Tất cả chúng tôi đã hình thành trong ý thức của mỗi người, không bao giờ để cho một vỏ chai, một mẩu giấy vứt bừa bãi làm mất mỹ quan của khu vực phố đi bộ và các vườn hoa xung quanh hồ. Sau khi thu gom, chúng tôi tiến hành phân loại tất cả rác thải. Những rác thải có thể tái sử dụng được như vỏ chai nhựa, giấy loại đều được tách riêng. Còn các loại rác thải khác thì tập kết tại một điểm để đem đi tiêu hủy”, anh Khởi cho hay.

Hành động đẹp của những tình nguyện viên nhặt rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm đã lan tỏa đến nhiều người. Bà Mai Thị Thành (ở đường Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm) nói: “Tôi thường xuyên tập thể dục ở đây. Chứng kiến và cảm phục những người đã góp sức làm sạch môi trường, tôi và nhiều người khác cũng như được thôi thúc cùng tham gia. Hơn nữa, hành động này đã truyền đi thông điệp hết sức ý nghĩa đến cộng đồng, đó là cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm nhỏ để hình thành thói quen: Bỏ rác đúng nơi quy định”.

Trong số những người tình nguyện nhặt rác tại hồ Hoàn Kiếm, nhóm Trashpackers Hà Nội (thuộc Trashpackers Việt Nam) quy tụ khá đông thành viên tham gia. Chị Nguyễn Thị Tuyền, đại diện nhóm Trashpackers Hà Nội cho biết, Trashpackers là cộng đồng những người tự nguyện nhặt rác, đã có mặt ở 43 quốc gia. Tại Việt Nam, Trashpackers được thành lập tháng 4/2018, giúp dọn rác ở hơn 20 tỉnh, thành phố. Tại Hà Nội, nhóm có gần 100 tình nguyện viên tham gia nhặt rác thường xuyên. Cứ 2 tuần, nhóm tổ chức một buổi dọn rác, làm sạch môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ, nơi tập trung đông khách du lịch. “Hoạt động của chúng tôi theo tiêu chí tự nguyện. Để có kinh phí mua găng tay và túi đựng rác, chúng tôi vận động thành viên có điều kiện trong nhóm tài trợ, với mong muốn được chung tay giữ gìn Thủ đô sạch, đẹp”, chị Tuyền chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Lê Đỗ Phương, khu vực hồ Hoàn Kiếm thường xuyên có đông người tham quan, đặc biệt vào dịp cuối tuần, nên việc bảo vệ môi trường, nhất là ngăn chặn việc xả rác bừa bãi hết sức quan trọng. Việc làm của các tình nguyện viên là hành động thiết thực, có sức lan tỏa đến nhiều người nên quận rất ủng hộ. Không dừng lại ở khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, những tập thể, cá nhân tình nguyện nhặt rác có vai trò tích cực, đồng hành cùng thành phố trong nỗ lực bảo vệ môi trường Thủ đô. Họ đã nêu gương sáng, cổ vũ, lan tỏa tình yêu, trách nhiệm với môi trường sống… đó là những người rất đáng trân trọng.

Cũng với mong muốn giữ gìn môi trường Thủ đô xanh – sạch – đẹp, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ quận Hà Đông đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều mô hình thiết thực như: “Đổi phế liệu, giữ màu xanh”, Câu lạc bộ “Xe đạp xanh”, “3 nhớ”… của Hội đã và đang được nhân rộng trong toàn quận, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng đô thị văn minh.

Sáng thứ 7, Chủ nhật hằng tuần, các chị em phụ nữ tổ dân phố 3, phường La Khê lại cùng nhau tham gia tổng vệ sinh ngõ, phố, bóc xóa biển quảng cáo rao vặt và thu gom, phân loại rác thải. Lựa những chai nhựa, giấy vụn, lon bia từ rác thải sinh hoạt, các chị tập kết lại rồi sau 1 tháng, bán để lấy tiền góp vào quỹ từ thiện của Chi hội. Sau đó, chị em mua quà, mua gạo nấu cháo giúp các bệnh nhân đang điều trị tại Viện Bỏng 103, tặng quà trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật các dịp lễ, Tết…

Nhận thức được tác hại của túi nylon với môi trường, từ năm 2013, 100 % chị em phụ nữ trong Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 12 phường Quang Trung đã hưởng ứng phong trào sử dụng làn nhựa đi chợ. Từ kinh phí xã hội hóa, Chi hội đã mua tặng mỗi chị em một làn nhựa để đi chợ. Chi hội còn phát động chị em dùng túi vải thân thiện đi chợ, dùng cặp lồng đựng thức ăn chín... Chị Hà Thị Thanh Hương – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Quang Trung cho biết: Chị em ai cũng vui vì đã hạn chế sử dụng 5 chiếc túi nylon mỗi ngày.

Nhằm thực hiện “3 nhớ” trong công tác vệ sinh môi trường, tháng 10/2018, Câu lạc bộ Xe đạp xanh Hội Phụ nữ phường La Khê được thành lập và duy trì hoạt động vào sáng thứ 7 hằng tuần với những hoạt động thiết thực vận động hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần hình thành nếp sống văn minh đô thị.

Chị Lại Hà Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông cho biết: Các cấp Hội Phụ nữ còn tổ chức nhiều hoạt động phối hợp tuyên truyền về công tác vệ sinh môi trường, phát động chiến dịch “Ngày phụ nữ với môi trường”; thành lập 17 mô hình 3+ với hơn 300 thành viên nòng cốt tham gia. 100% chi hội phụ nữ khu dân cư gắn biển quản lý gần 300 đoạn đường phụ nữ tự quản “An toàn – xanh – sạch – đẹp” và 29 tuyến phố văn minh đô thị, xóa bỏ 52 chân rác tại khu dân cư, xây dựng 5 vườn hoa, 8 tuyến đường hoa, đoạn đường hoa tại các chân rác cũ; vận động 100% gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình “3 sạch”…

Cùng với người dân, các công nhân của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cũng đang ngày đêm cần mẫn với việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Những người công nhân, không quản mưa nắng, không quản ngày đêm, không quản cả mùi xú uế của rác thải... để giữ cho Thủ đô văn minh, sạch đẹp. Công việc của công nhân vệ sinh thu gom rác nhìn vào rất đơn giản, nhưng ẩn trong đó là sự nhọc nhằn với trăm nỗi khó khăn để bảo vệ môi trường sạch đẹp, tạo cảnh quan cho đường phố. Hằng ngày, chị Thêm, công nhân môi trường tổ môi trường số 6, quận Hai Bà Trưng đều đẩy xe rác luồn lách qua từng con ngõ nhỏ trên phố Bạch Mai để thu gom rác từ những hộ dân sống tại đây.

Khi ngõ nhỏ vang tiếng kẻng, mọi người xách rác tích trữ sau một ngày vứt vào xe rác để những người lao công như chị Thêm thu gom, phân loại. Nhìn những xe rác cao ngất, che lấp bóng người được đẩy đi mới thấy được nỗi vất vả của những người công nhân. Chị Thêm chia sẻ: “Chúng tôi luôn cố gắng thu gom sao cho thật gọn gàng. Ngày nắng, ngày mưa, chúng tôi vẫn xuống đường đúng giờ chứ không thể lệch được. Tuy vất vả nhưng chúng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào khi được khoác lên người chiếc áo công nhân vệ sinh môi trường, được góp phần làm sạch đường phố, giữ cho Thủ đô mỗi ngày đều sạch đẹp”.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-lang-tham-de-thu-do-xanh-sach-96611.html