Những người lính cứu hộ quả cảm

Vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 10/2, ông Trần Vĩnh Xuyên (38 tuổi, thuyền trưởng), ngụ tại ấp 1, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) điều khiển sà lan BKS: ST-061.69 chở cát từ hướng Cần Thơ về Sóc Trăng. Trên sà lan có bà Nguyễn Ngọc Lành (32 tuổi) cùng 3 con là Trần Thị Giàu (12 tuổi), Trần Vĩnh Tiến (9 tuổi) và Trần Thị Kim Ngân (5 tuổi).

Đại úy Khải (bên trái) và Thượng sĩ Khang

Đại úy Khải (bên trái) và Thượng sĩ Khang

Khi về đến ngã ba sông, đoạn đầu Cù Lao Dung giáp ranh giữa huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) với huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), ông Xuyên đánh lái sang phải cho sà lan chuyển hướng về Sóc Trăng thì bị sự cố khiến sà lan bị lật.

Thấy nguy hiểm, ông Xuyên kêu to cho vợ con biết để nhảy khỏi sà lan. Lúc đó, cháu Giàu chạy lên với ông Xuyên và cả hai cha con nhảy xuống sông và được người dân cứu sống. Còn bà Lành bế cháu Ngân, dắt cháu Tiến chạy ngược về hướng mũi sà lan tìm đường thoát nhưng bị ngã nên hai cháu nhỏ tuột khỏi tay, cùng lúc sà lan chìm hẳn xuống dòng sông và cả 3 mẹ con bị mắc kẹt lại.

Nhận tin báo, Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Sóc Trăng điều 1 xe chuyên dụng cùng 13 chiến sĩ cùng phương tiện xuống hiện trường. Đến nơi, các chiến sĩ tổ chức lặn tìm kiếm nạn nhân, phát hiện bà Lành vẫn còn sống trong khoang sà lan và tìm cách đưa nạn nhân lên bờ an toàn, giao cho chính quyền địa phương chăm sóc. Các chiến sĩ tiếp tục lặn tìm kiếm trong khoang sà lan nhưng không thấy 2 cháu Tiến và Ngân.

Hiện trường vụ chìm sà lan

Sáng ngày 11/2, trò chuyện với chúng tôi tại hiện trường, ông Trần Vĩnh Xuyên nói trong nước mắt: “Khi sà lan bị lật, tôi biết vợ con mình có thể còn bị kẹt trong đó, nhờ anh em tìm cách lặn xuống kiểm tra nhưng nước sâu quá, không thể nào kiếm được. May nhờ có các chiến sĩ công an nên vợ tôi mới được cứu sống. Tôi và gia đình cảm ơn các anh công an nhiều lắm”.

Theo thông tin từ ông Xuyên, chúng tôi đến Phòng cảnh sát PCCC&CNCH tìm gặp những chiến sĩ cảnh sát quả cảm tìm cứu người dưới đáy sông, trong dòng nước xiết giữa sóng to gió lớn.

Đại úy Nguyễn Hoàng Khải (SN 1981), một trong hai người được ông Xuyên nhắc đến cho biết: “Sau khi đến hiện trường, khoảng 17 giờ 30 phút ngày 10/2, tôi và một chiến sĩ của Phòng CSGT công an tỉnh đi ca nô chạy quanh hiện trường trinh sát thì tôi nghe có tiếng động bên trong khoang sà lan (phần mũi nổi lên trên mặt nước-PV) nên nói với đồng đội lại gần kiểm tra và xác định có người đang cầu cứu bên trong. Ngay lập tức chúng tôi báo chỉ huy đơn vị, lên phương án tiếp cận nạn nhân”.

Người được cử lặn xuống kiểm tra là Thượng sĩ Lê Hoàng Khang (SN 1996, chiến sĩ nghĩa vụ đang công tác tại Phòng cảnh sát PCCC&CHCN), kể lại: “Tôi lặn xuống ở độ sâu khoảng 5m, lúc đó nước chảy mạnh, qua mô tả của chủ sà lan, tôi lần theo 8 nấc thang thì tới khoang có người kêu cứu và phát hiện chị Lành đang sống. Lúc này dù chị đang nắm vào một thanh sắt để đu người lên nhưng nước đã ngập tới cổ của chị. Ngay lập tức tôi lặn trở ra báo cáo chỉ huy để có phương án cứu chị Lành”.

Tiếp đó, đại úy Nguyễn Hoàng Khải là người trực tiếp lặn xuống mang theo nước uống, ống thở ôxy xuống và hướng dẫn chị Lành cách thở bằng ống thở này.

Đại úy Khải kể: “Khi tôi xuống tiếp cận chị Lành, chị hỏi “chồng và con tôi đâu cả rồi”, tôi trấn an chị là mọi người đang ở trên bờ rồi đưa nước cho chị uống, hướng dẫn chị cách thở bằng ống thở rồi ôm chị Lành đưa lên khỏi mặt nước trong sự mừng rỡ của mọi người đang có mặt tại hiện trường. Lúc đó là 18 giờ 21 phút. Thời gian để đưa chị Lành ra là 7 phút”.

Ông Xuyên đau khổ trước sự ra đi của hai đứa con

Khi chúng tôi hỏi lúc lặn xuống có thấy nguy hiểm không, Đại úy Khải cho biết: “Nguy hiểm thì chắc chắn là có rồi bởi lúc đó trời đã tối, nước thì sâu, dòng chảy rất nguy hiểm, gió mạnh, sóng to, chỉ cần một sự tác động của dòng nước thì sà lan sẽ bị lật, nguy hiểm cho cả nạn nhân và người cứu. Nhưng tôi đã xác định trách nhiệm của mình và đồng đội cứu người là trên hết nên lặn xuống một cách khẩn trương, hướng dẫn chị Lành mọi thao tác trong khoảng thời gian ngắn nhất để đưa chị lên bờ an toàn.

Khi nghe tiếng động bên trong, tôi rất mừng vì biết có người đang sống. Đưa được chị lên khỏi mặt nước, tôi rơi nước mắt, thấy nhẹ nhõm hẳn đi khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tôi cũng rất buồn vì không tìm thấy 2 cháu bé. Xót xa lắm anh ạ, mất một lúc 2 đứa con, nỗi đau này biết lúc nào mới nguôi ngoai”.

Thượng sĩ Lê Hoàng Khang tâm sự: “Xác định trách nhiệm của mình là cứu người nên chúng tôi không băn khoăn gì khi xuống dòng nước dữ cứu chị Lành. Cứu sống chị Lành là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của những người chiến sĩ cứu nạn cứu hộ chúng tôi. Tôi nghĩ, ở vào vị trí của mình, ai cũng hành động như vậy thôi”.

Một người thân của ông Xuyên cho biết: “Tôi là người trong nghề đi tàu thuyền nên biết mức độ nguy hiểm của các chiến sĩ công an lúc các anh lặn xuống tìm kiếm nạn nhân. Sà lan chìm có tải trọng gần 500 tấn, có nhiều khoang chứa cát. Lúc đó đuôi sà lan chìm xuống đáy sông, mũi chếch ngược lên trên mặt nước. Chỉ cần một thay đổi của dòng nước hay của sóng thì chiếc sà lan có khả năng bị chìm hẳn hay lật sang hướng khác. Nếu tình huống này xảy ra thì cả nạn nhân và người cứu hộ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi các chiến sĩ đưa được chị Lành lên bờ, chúng tôi vô cùng cảm phục tinh thần gan dạ, quả cảm, không ngại hi sinh của các anh”.

Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Công an Sóc Trăng cho biết: “Hành động xả thân cứu người của các chiến sĩ Phòng cảnh sát PCCC&CNCH rất đáng biểu dương. Các đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ của mình theo tinh thần của người chiến sĩ CAND “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Chúng tôi sẽ đề nghị khen thưởng các đồng chí này”.

Cao Xuân Lương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/nhung-nguoi-linh-cuu-ho-qua-cam-1518647.tpo