Những người lính đảo Hòn Thơm

Trong những chuyến công tác trên biên giới Kiên Giang, hình ảnh những người lính Biên phòng trẻ tuổi vượt qua vất vả, khó khăn luôn để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt và một tình cảm sâu sắc. Những người lính trẻ ấy luôn vững vàng, bám trụ trên những trạm, chốt nơi biên giới xa xôi hay những trạm Biên phòng trên đảo tiền tiêu với tâm nguyện sẵn sàng cống hiến hết mình cho biên cương Tổ quốc.

Thiếu úy Trần Văn Lực cùng Trung úy Danh Lon hướng dẫn ngư dân ra vào đảo đúng quy định. Ảnh: Kim Nhượng

Tới Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, BĐBP Kiên Giang, tôi đề nghị ngay với Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên đồn, cho tôi xuống Trạm Kiểm soát Biên phòng để tiếp cận bà con ngư dân và cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại cảng biển. Trung tá Mười ủng hộ ngay. Chỉ mất hơn 10 phút đi xe máy, tôi đã ra tới Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới. Trước mắt tôi là khung cảnh tấp nập thuyền bè, giao thông đi lại thuận tiện. Thiếu tá Đỗ Ngọc Minh, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới chỉ tay ra phía biển xa giới thiệu: “Chỗ mờ mờ đó là Hòn Thơm. Trên đảo Hòn Thơm có một trạm Biên phòng của đồn”. Nghe vậy, tôi xin ra Hòn Thơm ngay. Thiếu tá Minh hơi lưỡng lự, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi.

Phương tiện đi ra Hòn Thơm rất nhiều, có thể đi nhờ thuyền đánh cá của ngư dân, hoặc đi tàu cao tốc, nhưng chúng tôi chọn một phương tiện mà chưa có chuyến công tác nào thú vị đến vậy. Đó là đi bằng vỏ lãi. Phương tiện này giống như một chiếc ghe nhỏ, chiều dài khoảng 4m, chiều rộng 1m. Đi vỏ lãi ra đảo Hòn Thơm sẽ nhanh hơn, chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ, nhưng lại rất nguy hiểm vì sóng to. Ông Tám Lèo, người lái vỏ lãi là một ngư dân với dáng người săn chắc, sạm đen đầy khí chất của người miền biển. Chiếc vỏ lãi lao vun vút ra biển xa. Chưa tới nửa đường, nó cứ nhảy chồm lên như chú ngựa bất kham bởi sóng to. Ông Tám Lèo hét to vào tai tôi: “Cố gắng bám vào mạn giỏ, biển động lắm”... Chỉ nghe tiếng quát ù ù bên tai, tôi cố nằm sấp người bám chặt hai thành giỏ. Lúc này, cả ba người trên vỏ lãi đều đã ướt hết, vì sóng biển dâng cao.

Gần 1 tiếng đồng hồ đánh vật với sóng gió, chúng tôi cũng gần cập bờ đảo Hòn Thơm. Sóng đã lặng, biển đã êm. Thiếu úy Trần Văn Lực, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hòn Thơm cười, nói với tôi: “Chúng em quen rồi. Thế mà anh chịu được. Biển hôm nay dữ quá, thế này tối đi tuần tra lại vất vả”. Câu nói của Lực làm tôi tò mò, tại sao buổi tối lại đi tuần tra? Chúng tôi đi bộ trên con đường đầy cát trắng. Lực bảo: “Trạm Kiểm soát Biên phòng trước ở phía mé biển, nhưng giờ phải dời vào sâu trong này, tránh mùa bão sắp tới. Người dân ở đây rất tốt bụng, cho ở nhờ, không lấy tiền ”.

Một ngôi nhà cấp 4 chỉ vẻn vẹn chiếc giường nằm, cùng 1 bàn uống nước, phía trên là lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc. Trao đổi thêm, Thiếu úy Trần Văn Lực cho biết, Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòn Thơm làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự trên đảo; hướng dẫn ngư dân ra vào đảo, tránh trú bão an toàn... Khi bão tới, anh em trong trạm phải ra mé bờ để trực tiếp hướng dẫn bà con. Công việc thường xuyên của anh em là tuần tra, kiểm soát, phát hiện ngăn chặn và xử lí các phương tiện nước ngoài xâm nhập đánh bắt trái phép. Không những thế, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tới kiểm tra 18 hòn đảo nhỏ bao bọc xung quanh Hòn Thơm. Tôi thật không ngờ, một sĩ quan trẻ với quân hàm Thiếu úy, mới tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2016 đã chỉ huy anh em gánh vác một trọng trách lớn đến vậy.

Hỏi chuyện làm nhiệm vụ trên đảo, Thiếu úy Lực chia sẻ: Trên vùng biển này thường có những đối tượng giả dạng ngư dân dùng tàu thuyền đánh cá để chở thuốc lá lậu, rồi tàu thuyền ngư dân nước ngoài xâm phạm vùng biển đánh bắt cá trộm vào ban đêm nên công tác ngăn chặn gặp nhiều khó khăn, chỉ có thể đi tuần tra vào ban đêm mới bắt quả tang được. Chúng tôi đang trao đổi cùng nhau thì bất giác có tiếng gọi lớn từ phía cửa rồi một người bước vào. Thiếu úy Lực giới thiệu với tôi, đó là Trung úy chuyên nghiệp Danh Lon, người dân tộc Khmer, đã gắn bó hơn 5 năm trên đảo Hòn Thơm này.

Chị Thu Anh, vợ Trung úy Danh Lon thăm, khám bệnh cho con em ngư dân trên đảo. Ảnh: Kim Nhượng

Danh Lon dáng người cao, vạm vỡ, da ngăm đen đúng chất của người lính Biên phòng biển, hiền lành, ít nói. Rót chén chè xanh, Danh Lon bảo: “Ở đây nóng lắm, nhưng bây giờ không có điện; điện chỉ được cấp từ 7 giờ tối tới 9 giờ tối. Nguồn điện dùng nhờ máy nổ bên trụ sở UBND xã. Hòn Thơm chưa có điện lưới quốc gia”. Trung úy Danh Lon là người có thâm niên lâu nhất trên đảo. Vợ chồng anh đã nguyện gắn bó lâu dài với đảo tiền tiêu. Danh Lon và vợ quê tận trong đất liền Kiên Giang. Họ học cùng nhau trong trường nội trú từ năm cấp 1, yêu nhau từ năm lớp 12. Khi người yêu học xong Cao đẳng Y tế Kiên Giang, xin ra đảo Hòn Thơm công tác thì Danh Lon xung phong đi bộ đội, được chuyển chuyên nghiệp rồi xin ra đảo Hòn Thơm. Họ cưới nhau trên đảo, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình tại hòn đảo này. Hiện nay, Danh Lon và vợ đang ở nhờ nhà công vụ của UBND xã...

Thiếu úy Lực chùng giọng nói, vợ chồng anh Lon vất vả lắm, sinh được mụn con lại mắc bệnh hiểm nghèo. Bao năm nay, vợ anh thường xuyên mang con vào đất liền chữa trị. Những ngày trên đảo, khi có bão lớn, Trung úy Danh Lon tất bật giúp bà con phòng tránh, ai bị bệnh tật, tai nạn, anh đưa tới trạm xá để vợ mình thăm khám. Cứ thế, ngày ngày hai vợ chồng trẻ lặng lẽ cống hiến cho đảo, cho cuộc sống những người dân hiền lành nơi đây.

Mặt trời khuất sau những rặng dừa trên đảo, tôi phải chuẩn bị vào lại đất liền. Thiếu úy Trần Văn Lực, Trung úy Danh Lon cùng đồng đội lại tất bật ra bãi biển kết hợp cùng những người lính Hải quân, Cảnh sát Biển yêu cầu ngư dân không ra biển hôm nay, vì ngoài khơi đang diễn tập. Hình ảnh hai sĩ quan trẻ đến từng gia đình, gặp từng người trên ghe, trên thuyền đánh cá để căn dặn, hướng dẫn ngư dân... làm tôi cảm phục biết bao.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-linh-dao-hon-thom/