Những người lính làm nhịp cầu hòa giải

Mỗi năm, trên vùng biển Phú Yên xảy ra hàng trăm vụ va chạm, mâu thuẫn giữa các phương tiện khai thác thủy sản. Xác định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP Phú Yên luôn tích cực, chủ động giải quyết tốt các vụ việc, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên biển, giúp ngư dân yên tâm làm ăn, phát triển sản xuất.

BĐBP Phú Yên luôn chủ động phối hợp với ngư dân giải quyết hài hòa các vụ việc an ninh trật tự xảy ra trên biển. Ảnh: Phương Oanh

Một vụ hòa giải thành công

Một ngày đầu tháng 5-2017, bà Võ Thị Tuyết Nhân, vợ của ngư dân Nguyễn Ngọc Sáng, phường 6, TP Tuy Hòa, làm nghề đánh bắt cá bằng lưới 3 màng trên phương tiện sõng máy, đến Trạm KSBP Đà Rằng báo cáo vụ việc xô xát trên biển giữa chồng bà và những ngư dân đi trên phương tiện giã cào ở ngoài địa bàn. Bà Nhân cho biết, toàn bộ 12 tấm lưới mà chồng bà đang đánh bắt tại ngư trường đã bị phương tiện giã cào lấy mất, gia đình mong được Trạm giúp đỡ truy tìm để có công cụ mưu sinh.

Kết hợp thông tin trình báo và lời kể của các nhân chứng có mặt tại hiện trường, Trung úy Nguyễn Văn Thiện, Trạm phó Trạm KSBP Đà Rằng hình dung sơ bộ vụ việc. Chiều hôm ấy, sau khi đi sõng máy ra vùng đánh bắt cách bờ chừng 2 hải lý, ông Sáng đã rải 12 tấm lưới của mình xuống biển rồi chờ đến giờ rút lưới. Bất chợt, thấy có một chiếc ghe giã cào từ xa chạy tới, ông Sáng liền phát tín hiệu, đề nghị chiếc ghe này di chuyển ra xa.

Tuy nhiên, phương tiện trên vẫn công nhiên chạy qua vùng thả lưới của ông Sáng. Tức giận, ông Sáng đã bóc hai cục pin trên sõng, ném mạnh làm cửa kính ca bin của ghe giã cào vỡ toang một mảng lớn. Chiếc ghe giã cào ngay lập tức, quay lại truy đuổi phương tiện của ông Sáng. Thấy tình thế nguy hiểm, ông Sáng liền nổ máy, cho sõng quay về bờ tránh, sau đó mới trở lại ngư trường. Tuy nhiên, khi tiến hành kéo lưới thì ông Sáng mới hay, toàn bộ giàn lưới của mình đã biến mất.

Tình hình vụ việc được Trạm KSBP Đà Rằng báo ngay về Đồn BP Tuy Hòa. Ngay buổi sáng hôm sau, theo chỉ đạo của chỉ huy đơn vị, Trung úy Thiện trực tiếp cùng một số ngư dân địa phương đi truy tìm phương tiện gây hại. “Từ hình dáng phương tiện, ngư dân nhận định, có thể đây là một phương tiện giã cào ở xã An Chấn. Chúng tôi liên hệ với cán bộ Đồn BP An Hải, rồi cùng anh em đi xuống bến cá Mỹ Quang, xã An Chấn để điều tra. Chiếc ghe cần tìm đã được nhận diện nhanh khi chúng tôi nhìn thấy tấm kính ca bin bị vỡ” - Trung úy Thiện nhớ lại

Những người trong cuộc cũng được nhanh chóng triệu tập để giải quyết vụ việc. Trước sự chứng kiến của các lão ngư, chính quyền địa phương, cán bộ hai đồn BP, những người trong cuộc đã trình bày toàn bộ vụ việc và đưa ra ý kiến của mình. “Ban đầu, mỗi bên đều khăng khăng phủ nhận phần lỗi của mình và còn chỉ trích bên kia. Chủ phương tiện giã cào không thừa nhận mình lấy lưới, lại cương quyết đòi ông Sáng phải đền cửa kính bị vỡ trên ca bin phương tiện. Trong khi đó, ông Sáng quả quyết ngược lại, bắt phương tiện giã cào trả phải lại lưới cho mình và cho rằng, chuyện ném vật cứng vỡ cửa kính ca bin là phản ứng đương nhiên mà trong tình thế đó, ai cũng làm” - Trung úy Thiện kể

Sau khi nghe, nắm vững các tình tiết, dấu vết, luận giải toàn bộ vụ việc và xác định thiệt hại, cán bộ hai đồn BP đã chỉ ra lỗi của từng bên. “Chúng tôi phân tích, đưa ra những chứng cứ, chỉ rõ những lỗi vi phạm của mỗi bên. Đặc biệt, trong trường hợp này, dựa trên các quy định, quy chế hành nghề khai thác để đối chứng, chúng tôi khẳng định hành vi sai phạm của họ” - Trung úy Thiện nói.

Nhắc lại chuyện cũ, ngư dân Nguyễn Ngọc Sáng tâm sự, nghe BĐBP phân tích, cả ông và chủ phương tiện giã cào đều “tâm phục, khẩu phục”, nhận ra lỗi vi phạm của mình nên bắt tay hòa giải chứ không làm căng với nhau nữa.

“Thật ra, anh em BĐBP đã rộng tay, tạo điều kiện cho chúng tôi làm ăn chứ nếu thẳng tay xử phạt thì rất kẹt, khó mà ra biển. Hơn nữa, các anh BĐBP nói có lý, nếu rộng lòng xí xóa, mình mới yên tâm ra biển. Bằng không bên này sợ bên kia hiềm khích, gây hấn nên suốt ngày thấp thỏm không yên” - Ông Sáng bộc bạch. Kết thúc cuộc hòa giải hôm ấy, ông Sáng nhận lại 8 tấm lưới từ chủ ghe giã giao, chấp nhận thiệt hại mất 4 tấm lưới trong cuộc xô xát. Phần chủ ghe giã cào cũng thuận tình tự khắc phục, sửa chữa lại tấm kính đã bị vỡ, không đòi hỏi bồi thường.

Cũng theo ông Sáng, trong quá trình hòa giải hai bên, cán bộ hai đồn BP đã nhắc nhở, chỉ rõ các quy định vùng cấm đánh bắt đối với phương tiện giã cào. Nhờ vậy, từ sau vụ việc này, hầu hết ghe giã cào đã tuân thủ tốt hơn quy định của Nhà nước, không hoạt động trong khu vực gần bờ. Khi thấy tín hiệu vùng thả lưới của các phương tiện nhỏ, họ đã né, đi tránh ra xa. Nhờ vậy, nhiều chủ phương tiện nhỏ như ông Sáng thêm yên tâm, phấn khởi làm ăn.

“Trấn yên” ngư trường

Lão ngư Phan Thuẩn ở làng biển phường 6, TP Tuy Hòa có gần 50 năm làm nghề trên sóng nước. Nói chuyện va chạm trên ngư trường, ông cho biết: “Giữa biển mênh mông, mình chạy ghe ra đến vùng nào thấy có cá thì thả lưới. Tàu lớn, thuyền nhỏ cũng trên nước mà chạy, đâu có đường ranh phân luồng, chia vạch gì đâu để đi theo quy tắc cho khỏi đụng. Hễ phát hiện có luồng cá là thuyền trưởng tăng ga chạy thục mạng. Cũng có khi gặp sương mù hay đêm tối che khuất tầm nhìn, hay có lúc ông thuyền trưởng mệt mỏi quá ngủ quên... Vậy là đâm vào nhau tá hỏa!”.

Theo Đại tá Phạm Huy Dực, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP Phú Yên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh về số lượng lẫn quy mô phương tiện khai thác thủy sản thì nguy cơ va quệt tàu thuyền, mang lưới càng tăng và mức độ thiệt hại cũng càng lớn.

“Xác định giải quyết tình hình này là một khâu quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự trên biển, các đơn vị BĐBP Phú Yên luôn tích cực, chủ động xử lý tốt các vụ việc. Hàng chục năm qua, 100% các vụ va chạm, tranh chấp trên ngư trường ở Phú Yên đều được hòa giải thành công, kịp thời. Đáng kể, từ đầu năm 2017 đến nay, giá trị bồi thường thiệt hại giữa các phương tiện lên đến gần 200 triệu đồng. Song, chuyện bồi thường sau hòa giải đã diễn ra khá êm thấm, tạo điều kiện cho người gặp sự cố sớm khắc phục được thiệt hại để tiếp tục ra biển làm ăn” - Đại tá Phạm Huy Dực cho biết.

Trực tiếp tham gia nhiều vụ hòa giải, Trung úy Vũ Lý Huỳnh, Trạm trưởng Trạm KSBP Vạn Phước cho biết, khó khăn nhất trong việc xác định nguyên nhân, chứng cứ là “hiện trường biển” đã bị xóa dấu vết ngay sau vụ việc xảy ra. Hoặc, nếu là vụ mang lưới xảy ra giữa khơi xa, khi BĐBP biết tin và ra đến nơi thì phương tiện gây nạn đã cắt lưới bỏ đi.

“Điều đó đòi hỏi những người làm công tác xử lý, hòa giải phải tinh tường, không chỉ nắm vững nghiệp vụ điều tra, mà còn phải hiểu rõ quy trình hoạt động của từng loại nghề của ngư dân. Có như vậy mới phân tích và chỉ đúng lỗi của mỗi bên, thuyết phục được đối tượng gây hại thuận tình bồi thường khắc phục hư hỏng” - Trung úy Huỳnh bộc bạch kinh nghiệm.

Trạm trưởng Trạm KSBP Vạn Phước còn cho biết, việc định giá giá trị tài sản bị thiệt hại để đưa ra mức bồi thường phải làm một cách khách quan, công khai. Trong những trường hợp liên quan đến hư hỏng tàu thuyền, ngư cụ, đơn vị sẽ cử cán bộ trực tiếp đến những cơ sở đóng tàu, nơi bán các thiết bị, ngư cụ khảo sát giá để có cơ sở định giá đúng.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-linh-lam-nhip-cau-hoa-giai/