Những người lính mũ nồi xanh áo trắng trên thao trường

LTS: Dự kiến vào tháng 10 tới đây, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) sẽ lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liêp hợp quốc (GGHB LHQ), thay thế BVDC 2.1 đang làm nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan. Việc tiếp tục cử đơn vị y tế tham gia phái bộ góp phần khẳng định Việt Nam coi trọng và tham gia ngày càng tích cực vào hoạt động GGHB LHQ, cùng với cam kết cử các đơn vị và cá nhân có năng lực tốt tới các phái bộ làm nhiệm vụ. Báo Quân đội nhân dân giới thiệu loạt bài viết về hoạt động huấn luyện tiền triển khai của BVDC 2.2.

Kỳ 1: Thao trường… “đổ mồ hôi”

“Sức nóng” của ngày lên đường không còn xa khiến không khí trên thao thường trong đợt huấn luyện thực hành tổng hợp của BVDC 2.2 tham gia hoạt động GGHB LHQ càng khẩn trương và sôi động. Cái nắng giữa hè như đổ lửa chẳng mảy may ảnh hưởng tới cường độ huấn luyện liên tục cùng tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của cán bộ, sĩ quan, nhân viên BVDC 2.2...

Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội những ngày qua trở nên sôi động khác thường với sự xuất hiện của những “vị khách” đặc biệt-cán bộ, bác sĩ, nhân viên BVDC 2.2 tham gia đợt huấn luyện tổng thể trước khi lên đường làm nhiệm vụ quốc tế. Với 15 container trang thiết bị cùng 8 nhà bạt, mô hình BVDC 2.2 được lắp đặt tương đối hoàn thiện tại khuôn viên Sư đoàn 301, với các khoa, ban chức năng, phục vụ cho hai tuần huấn luyện vận hành toàn bộ bệnh viện như đang làm việc tại thực địa.

 Tiếp nhận bệnh nhân bị thương nặng trong tình huống thương vong hàng loạt do nổ. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Tiếp nhận bệnh nhân bị thương nặng trong tình huống thương vong hàng loạt do nổ. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Tiếng còi xe cứu thương inh ỏi chuyển bệnh nhân một lúc lại hú vang. Tiếng bộ đàm rèn rẹt với các khẩu lệnh dứt khoát của chỉ huy. Tiếng bước chân gấp gáp của các ê kíp làm việc qua lại trong khu lều dã chiến. Khói bốc lên nghi ngút cùng tiếng chuông báo động xảy ra hỏa hoạn trong bệnh viện… Khó có thể nghĩ đây lại là buổi huấn luyện thực hành của một bệnh viện dã chiến, bởi không khí hăng say huấn luyện các tình huống giả định mà như thật giành giật sự sống cho bệnh nhân…

“Huấn luyện tạo cho tôi hứng khởi lên đường nhận nhiệm vụ”

Khu vực “đỏ” của bệnh viện chính là Khoa Cấp cứu, với nhiều ca bệnh nhân nặng, có cả bệnh nhân tử vong cần xử lý. Ở tình huống giả định là cấp cứu thương vong hàng loạt do nổ, ê kíp phòng cấp cứu gần như không có phút ngơi tay bởi bệnh nhân được chuyển tới với số lượng đông và dồn dập. Mỗi bệnh nhân trong tình trạng khác nhau, có người bị đa chấn thương, giập não, vết thương thấu bụng, gãy cẳng chân, cẳng tay… Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết: "Chúng tôi không được biết lượng bệnh nhân được chuyển tới, không biết trước các tổn thương của nạn nhân. Bệnh nhân được đưa vào đều là ngẫu nhiên đòi hỏi chúng tôi phải đánh giá, phát hiện tổn thương và ra y lệnh chuẩn xác, kịp thời”.

Ngoài những chỉ lệnh y tế, âm thanh được nghe nhiều nhất tại phòng cấp cứu là những câu động viên bệnh nhân của các bác sĩ bằng tiếng Anh. Mặc dù chỉ là những tình huống giả định, nhưng mỗi lần tiếp nhận bệnh nhân mới, các bác sĩ trong ê kíp đều không quên dành cho người bệnh những lời động viên “Don’t worry-Đừng lo”. “Khi bệnh nhân được chuyển vào, tôi luôn nghĩ họ như bệnh nhân thật, cảm giác thăng hoa nghề nghiệp có lúc quên là đang huấn luyện. Thực sự, huấn luyện lần này tạo cho tôi rất nhiều cảm xúc, hứng khởi để chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ ở Bentiu”, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân nói.

Theo Trung tá, bác sĩ Võ Văn Hiển, Giám đốc BVDC 2.2: "Tập thể y sĩ, bác sĩ BVDC 2.2 tham gia sứ mệnh GGHB LHQ luôn xác định nêu cao tinh thần “lương y phải như từ mẫu”, đặc biệt khi triển khai tới địa bàn có nhiều bệnh nhân cần hỗ trợ y tế như ở Nam Sudan. Chúng tôi luôn đặt tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ bệnh nhân lên hàng đầu”.

Những “đề bài” phụ thử phản ứng

Suốt quá trình xử lý tình huống, các chuyên gia y tế Việt Nam thường bất ngờ đặt ra những “đề bài” phụ, đòi hỏi các bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện thực hiện xử trí ngay trên bàn cấp cứu, trên bàn mổ và trên người bệnh nhân… Chuẩn bị phẫu thuật một bệnh nhân giả định bị vết thương thấu bụng, lòi ruột, bác sĩ Vũ Ngọc Tuấn, Phụ trách Khoa Ngoại phải trả lời các “đề bài” khá hóc búa được chuyên gia đưa ra liên tiếp. Phần lớn các “đề bài” đều được bác sĩ Tuấn xử trí nhanh, thực hành đúng ý chuyên gia, đặc biệt khi bệnh nhân tình cờ phát hiện có đoạn ruột hoại tử phải cắt bỏ hay phẫu thuật lại do biến chứng…

Xử lý tình huống cấp cứu bệnh nhân tại buổi huấn luyện của BVDC 2.2.

Kịch bản huấn luyện xử lý các tình huống được xây dựng tăng dần mức độ khó, đòi hỏi các kỹ năng xử lý chuyên môn y tế cao hơn, từ những bệnh thông thường, như: Sâu răng, huyết áp, viêm họng cấp, sản phụ cho tới những ca phức tạp mắc các bệnh thường gặp ở phái bộ, như: Sốt rét ác tính, chó cắn, tiêu chảy cấp… Đội vận chuyển đường không (AMET) là một trong những ê kíp khá bận rộn với rất nhiều tình huống đặt ra… Nhiệm vụ của Đội AMET rất được coi trọng ở môi trường phái bộ, do điều kiện y tế hạn chế, giao thông khó khăn nên công tác tải thương, chuyển thương đưa bệnh nhân lên tuyến trên bằng máy bay là hết sức cần thiết.

Trong một ngày, có khi huấn luyện tới 5-6 tình huống với nhiều ca bệnh từ nhẹ tới nặng, xen kẽ xử lý các tình huống về hành chính, hậu cần-kỹ thuật, bảo đảm an ninh... như: Bất ngờ bị mất điện giữa ca mổ, có đám đông gây rối ở cổng bệnh viện, thiếu lương thực, thực phẩm… Đây đều là những tình huống được xây dựng sát với điều kiện thực tế ở địa bàn Bentiu mà BVDC 2.2 sẽ triển khai, nhằm rèn luyện cho cán bộ, nhân viên bệnh viện khả năng ứng phó và thích nghi. Với mỗi tình huống đều đòi hỏi phải xử trí nhanh chóng, kịp thời, sự vận hành trơn tru, trong điều kiện bảo đảm nhất của bệnh viện cũng như an toàn cho bệnh nhân. 27 tình huống chuyên môn y tế, GGHB, hậu cần-kỹ thuật đã được huấn luyện với sự hướng dẫn của chuyên gia Việt Nam và ý kiến đóng góp cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế.

Theo chuyên gia Australia, Đại tá không quân Andrew Pearce: Cấp cứu là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà phái bộ đặt ra cho các bệnh viện phải đáp ứng khi triển khai ở các địa bàn, nơi các cuộc xung đột, tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, BVDC 2.2 đã tập trung nhiều thời gian hoạt động huấn luyện các tình huống cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp là rất phù hợp.

Đổ mồ hôi rèn luyện trên thao trường, cán bộ, bác sĩ, nhân viên BVDC 2.2 đều xác định việc thành thục các kỹ năng, hoàn thiện chuyên môn sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể những sai sót về y tế, thực hiện tốt nhiệm vụ của những người lính quân y đội mũ nồi xanh.

(còn nữa)

MỸ HẠNH - VIỆT CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-nguoi-linh-mu-noi-xanh-ao-trang-tren-thao-truong-581384