Những người nhọc nhằn nuôi hy vọng

Có một lần ở lại bệnh viện (BV) mới hiểu hết nỗi khổ của những người nuôi bệnh. Nằm ngủ ở hành lang, sống nhờ cơm từ thiện, lượm vỏ chai kiếm sống, cuộc sống của họ là những chuỗi ngày vất vả, hy sinh thầm lặng…

Nén đau vì con Cầu thang dẫn lên khoa Ngoại, BV Ung bướu TPHCM chỉ rộng hơn 1m, người lên kẻ xuống chen nhau không còn kẽ hở. Nhưng ở bậc nghỉ giữa hai đoạn cầu thang, một người phụ nữ gầy gò đang co ro nằm ngủ. Chị tên là Đỗ Thị Châu, 47 tuổi, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Chồng bỏ đi khi đứa con đầu lòng chào đời có dấu hiệu bị bại não. Căn nhà tranh ọp ẹp vốn đã thiếu trước hụt sau nay càng thêm trống vắng. Năm bé Minh, con trai chị, lên ba tuổi, khắp người tự nhiên nổi lên những cục u nhỏ bằng đầu ngón tay. “Thằng bé có nói năng được gì đâu, suốt ngày chỉ ư ử khóc”, nhìn con trai mà lòng chị như xát muối. Bán hết đất đai ở quê lên thành phố chữa bệnh cho con, không nhà cửa, không người thân, hai mẹ con phải sống nhờ vào hành lang BV và những xuất cơm từ thiện của những người hảo tâm. “Khổ lắm cô ơi, thằng Minh còn có cơm từ thiện của BV chứ tui thì bữa đực bữa cái, hơn tuần nay chỉ có cơm cháy với nước lã cầm hơi. Cũng may là nó được miễn tiền viện phí nhưng nhiều lúc muốn mua thêm hộp sữa cho con tui cũng chỉ biết cắn răng khóc thầm”. Hỏi ra mới biết trước đây chị đã từng mấy lần bán máu lấy tiền mua sữa cho con. Nhưng đã hơn bốn tháng nay do sức khỏe yếu quá, người ta không nhận máu của chị nữa. “Cũng có dạo tui tập tành đi bán vé số nhưng được 3 tuần thì phải nghỉ. Tiền vốn đến giờ còn chưa trả hết. Cũng may họ thương mình nghèo...”. Nói đến đó chị cúi đầu im lặng, đưa mắt nhìn xuống đôi bàn chân xám nghét của mình. “Chẳng biết bị cái gì mà chân tui ngày càng đau nhức. Hồi đó còn gắng đi bán vé số được chứ giờ đừng nói là đi, mỗi lần đứng dậy thôi cũng đau điếng”. Tôi ái ngại nhìn đôi chân đang căng phồng của chị, hỏi sao không đi khám xem có bị gì không chị chỉ lắc đầu cười nhạt. “Thằng Minh còn chưa biết sống chết thế nào. Tui định mấy hôm nữa chân bớt đau sẽ xin đi rửa bát hoặc giặc đồ thuê”. Chợt nhìn về phía dãy phòng bệnh, “cũng gần một năm rồi...”, chị bỏ lửng câu nói ở đó. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, chia sẻ: “Bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh thương tâm từ các tỉnh đổ về TPHCM mỗi năm tăng thêm cả trăm ngàn ca. Thông qua Quỹ Tấm lòng vàng của BV, mỗi ngày chúng tôi đã cung cấp 1.200 suất ăn miễn phí nhưng vẫn không thể nào đáp ứng hết nhu cầu của người nhà bệnh nhân”. Một y tá ở BV Ung bướu TPHCM cho biết: “Thỉnh thoảng các bác sĩ, y tá trong bệnh viện cũng góp tiền mua mùng và chiếu giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn. Tuy nhiên sức chúng tôi cũng có hạn”. Lây lất ở hành lang Chị Sinh, vợ bệnh nhân Nguyễn Văn T., hiện đang nằm điều trị ở khoa Nội 3, BV Ung bướu TPHCM cho biết: “Tụi tui nghèo vậy mà bọn cướp còn không tha. Đêm ngủ ở hành lang bệnh viện, có mấy cái áo rách đắp trên người cho đỡ lạnh cũng bị lấy đi. Giờ vợ chồng chỉ còn hai bộ đồ thay đổi”. Còn bác Mười, quê ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang, có con bị bệnh sỏi thận đang nằm điều trị ở khoa Tiết niệu B, BV Bình Dân, than thở: “Cả nhà tui năm người lây lất trên này được hai năm rồi. Nhà cửa dưới quê bán sạch. Vợ chồng nó, hai đứa nhỏ với thân già này dắt nhau lên đây cho thằng Út trị bịnh. Ban đầu còn thuê phòng trọ giá 50.000 đồng/đêm nhưng ở được mấy bữa…”. Nói đến đó ông chợt im lặng, lần giở túi áo và đưa chúng tôi xem một xấp biên lai viện phí. “Không biết hồi trẻ tui mần chi không phải mà giờ con cháu khổ thế này. Tiền của kiếm bao nhiêu cũng không đủ cho cái bịnh kỳ lạ của nó”. Tôi nhìn xuống những tờ biên lai. Cuối năm 2007, mổ thận lần 1 đóng 2.600.000 đồng. Đầu năm 2008, mổ thận lần 2 hết 2.900.000 đồng. Từ tháng 10-2008 đến nay tán sỏi đã ba lần, hết tất cả 2.600.000 đồng. “Bịnh của nó trị hoài mà không khỏi. Giờ ngay cả tiền ăn cũng không còn, gia đình tui chỉ còn biết lấy bịnh viện làm nhà. Hôm nào xin được mấy anh bảo vệ cho ngủ ở hàng lang thì ngủ, không thì chia nhau ngủ tạm ở mấy góc cầu thang”. Nhiều đêm trời bất chợt đổ mưa, năm con người ấy lại cuống quýt gọi nhau thu dọn đồ đạc, nép tạm vào góc khuất của hành lang bệnh viện. Nhìn những gương mặt bơ phờ vì sương gió, ánh mắt đờ đẫn bởi lạnh cóng và lo toan, ai cũng cảm thấy xót xa. Nhưng gia đình bác Mười không phải là duy nhất ở đây. Vợ chồng anh Hồng ở Quảng Ngãi, gia đình chú Tám ở Bến Tre, mẹ con chị Nhờ ở Long An… cũng chia nhau từng khoảng trống nơi hành lang BV. Những con người đến từ nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước. Nhưng họ đều giống nhau ở cái nghèo và sự cùng quẫn vì nuôi người thân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư gan, sỏi mật, sỏi bàng quang… Tài sản lớn nhất họ mang theo bên mình chỉ là một ít quần áo, mấy cái khăn cũ và một manh chiếu “nằm rất mát” do số chỗ thủng đã nhiều quá hai bàn tay. Nhọc nhằn kiếm sống Khu vực xung quanh BV Chợ Rẫy lúc nào cũng đông nghẹt người. Từ những gánh hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, nước suối đến các khay bán ca, chậu, khăn bông, tăm bông di động. Chị Kim, quê ở Kiên Giang cho biết: “Mỗi bịch tăm bông tui lời có 500 đồng, khăn bông thì được 1.000 – 1.500 đồng/cái nhưng lúc nào cũng vừa bán vừa lo. Nhiều hôm trời mưa không bán được cái nào, còn phải dầm mưa vì để dành áo che cho mấy cái khăn khỏi bị ướt”. Sáu tháng chồng nằm viện là sáu tháng chị xoay đủ thứ để bán, kiếm tiền thuốc thang cho chồng. “Mấy anh công an phường cũng nhắc nhở nhiều lần, không cho bán trước cổng BV nhưng nếu không bán thì lấy tiền đâu mà sống. Nhiều khi bị mấy ảnh bắt lên phường, nhắc nhở rồi cũng cho về vì mình nghèo quá, tiền ăn còn không có thì lấy đâu mà nộp phạt”, chị Kim ngậm ngùi. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được chút vốn buôn bán như chị Kim. Ở BV Chợ Rẫy, hình ảnh một người phụ nữ đã luống tuổi, lưng hơi còng, chân đi khập khiễng vẫn thường lang thang khắp nơi trong bệnh viện xin vỏ chai nước suối đã quen thuộc với nhiều người. Chị không cho biết tên, chỉ nói mình quê ở Đắc Lắc. “Nhiều người ở đây sang lắm. Họ nói đồ dùng trong BV đem về nhà sẽ không hên nên lúc ra viện để lại tất cả. Từ quần áo, thau, chậu, bô đến vỏ chai nước suối, bình thủy, khăn bông, tôi đều xin tất. Thứ nào còn mới quá thì tui cất lại dùng, còn lại tui đem bán kiếm chút tiền trang trải viện phí cho chồng”. Thấy tôi ái ngại nhìn chiếc bao ni lông chứa hỗn tạp nhiều thứ đang ôm trước ngực, chị vỗ vai tôi cười lớn: “Nhìn vậy chứ cũng có hôm tui kiếm được hộp sữa cho chồng đó nghen cô. Ngày nào tui cũng lang thang khắp bệnh viện xin đồ cũ, để dồn lại vài ngày thì đem bán một lần. Lúc trước mấy người nằm cùng phòng với ông chồng tui cứ cằn nhằn vợ chồng tui hay chứa đồ phế thải. Sau thấy mình nghèo quá nên họ cũng thương, lắm lúc còn cho thêm ít đồ để bán”. Vẫn nuôi hy vọng Những gương mặt hốc hác vì nhiều đêm thức trắng, những quầng mắt hằn sâu vì lo toan vất vả. Nhưng ẩn sâu trong những nhọc nhằn và hi sinh thầm lặng đó, họ đều ấp ủ một ước mơ: “Tui buôn bán cực khổ không nói làm gì, chỉ mong ba nó sớm bình phục về nhà phụ tui nuôi xấp nhỏ”, chị Kim chia sẻ. Còn chị Châu, quê ở tỉnh Hưng Yên nói: “Đau đớn, vất vả thế nào tui cũng chịu được, chỉ mong ông trời thương tình cho con mình được khỏe. Tui không còn mong ước gì hơn”. Mong ngóng người thân mau bình phục là mơ ước lớn nhất của tất cả những người nuôi bệnh. Mỗi ngày trôi qua, sự hồi phục sức khỏe của người thân chính là nguồn động lực vô giá tiếp thêm cho họ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. Những hộp sữa, thìa cháo nơi đây tuy khó nhọc nhưng lúc nào cũng ấm áp tình thương và giàu sự chia sẻ. Riêng bác Mười, quê ở Tiền Giang lại ao ước: “Tui chỉ cầu trời cho mình đừng bịnh hoạn gì, mỗi ngày chống nạng đi bán vé số kiếm thêm chút tiền phụ gánh nặng cho con”. Có lẽ không ở đâu tình cảm gia đình lại thiêng liêng đến như vậy. Hình ảnh những người cha, người mẹ chịu đói rét hy sinh miếng ăn cho con, hoặc những người vợ, người chị ngược xuôi vất vả vì sức khỏe của người thân khiến bất cứ ai đến BV cũng phải xúc động. Ở cái nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết luôn mỏng manh chực chờ, khó khăn chất nặng theo từng chuỗi ngày người thân nằm viện, họ vẫn không nguôi niềm hy vọng. Và mỗi ngày trôi qua những con người ấy lại động viên nhau cùng cố gắng, cùng nuôi tiếp giấc mơ người thân của mình bình phục… THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2009/9/202462/