Những người ở độ tuổi sinh sản thiếu kiến thức về phòng tránh thai

Theo thống kê của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm, cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo phá thai trong độ tuổi từ 15 đến 19, chưa kể con số thống kê tại các cơ sở y tế tư nhân, khiến Việt Nam trở thành nước có số ca phá thai nhiều nhất châu Á.

Mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai. Nếu những năm trước đây tỉ lệ này ở tuổi vị thành niên chiếm 5-7%, thì vài năm gần đây tỉ lệ có xu hướng tăng lên (10%).

Khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy, trong hơn 5.000 ca nạo phá thai mỗi năm có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 18%.

Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, trong đó 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% là học sinh, sinh viên. Riêng tại Hà Nội, tỉ lệ thanh thiếu niên chiếm khoảng 30% dân số còn tỉ lệ nạo phá thai chiếm trên 22%.

Nhiều bạn trẻ vì tìm đến những địa điểm nạo phá thai không an toàn nên đã phải chịu những hậu quả nghiêm trọng về sau (Ảnh minh họa)

Theo thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương - hai bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía Nam, số lượng phụ nữ đến nạo phá thai những năm qua gần như không giảm.

BS Nguyễn Thị Bích Ty, Phó khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Từ Dũ cho biết, năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 14.159 ca đến bỏ thai. Phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 ca đến phá thai.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, năm 2016 bệnh viện này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 có 3.922 ca. 6 tháng đầu năm 2017, 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60-70 ca.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc nước ta có số ca trẻ thành niên, thanh niên phá thai nhiều nhất châu Á là do các em gái tuổi vị thành niên chưa được trang bị kiến thức về giới tính và các biện pháp tránh thai. Ngay cả những người ở độ tuổi thanh niên cũng rất thiếu kiến thức về phòng tránh thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Vân - Phó trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu – BV Phụ sản Trung ương cho biết phần lớn trong số những trường hợp trẻ vị thành niên, thanh niên đến bệnh viện giải quyết hậu quả đều không có chỗ dựa cần thiết. Các em thường bị bạn trai bỏ rơi, trốn tránh trách nhiệm. Bản thân các em vì sợ hãi nên không dám nói với gia đình, càng không biết đến đâu để xử lý. Khi gia đình phát hiện ra và đưa con đến cơ sở y tế giải quyết thì cái thai đã quá lớn.

Với nhiều em vì sợ hãi, lo sợ bị lộ việc mình mang thai nên đành lựa chọn các phòng khám chui không đảm bảo yêu cầu dẫn đến việc nạo, phá thai không an toàn. Sau đó, nhiều người đã bị viêm nhiễm phụ khoa, vô sinh, hiếm muộn, gặp những sang chấn tâm lý suốt cuộc đời,...

Không chỉ số trẻ vị thành niên, thanh niên phá thai nhiều mà số phụ nữ đã có con, khi mang thai ngoài ý muốn quyết định phá thai cũng tăng lên nhanh chóng. Trung bình một người phụ nữ có 2 con thì cũng 2 lần nạo phá thai. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%.

Số trường hợp này tăng lên bởi nhiều người khi đã có con cái đề huề nên không quan tâm đến sức khỏe sinh sản, hệ lụy về sau nên thường có tâm lý “thả” thoải mái. Khi người vợ mang thai ngoài ý muốn, cả hai vợ chồng lại không có ý định sinh thêm con thì họ sẽ quyết định bỏ thai.

Số đông khác thì có quan niệm “trọng nam khinh nữ”, khi biết thai trong bụng vợ là con gái, nhiều người chồng hoặc gia đình chồng tạo áp lực bắt vợ, con dâu phá thai. Cũng bởi quan niệm phong kiếm, cổ hủ này mà nhiều phụ nữ chủ động thay vì bị gượng ép đi phá thai.

Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em cho biết, tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được duy trì ở mức cao (khoảng 75-79%) trong nhiều năm qua nhưng tỉ lệ phá thai vẫn còn cao là do: còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai (chiếm 55,6%), có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và đặc biệt là thất bại trong các biện pháp tránh thai (gần 40%).

BS Hồng Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và KHHGĐ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết những năm gần đây, số học sinh, sinh viên đến Trung tâm phá thai rất nhiều, chiếm khoảng 30-40% các ca phá hoặc phá thai. Nhiều "cặp đôi" còn mang cặp sách, mặc quần áo đồng phục học sinh đến viện "giải quyết".

Tuy nhiên, chúng ta không nên lên án đả kích các bạn trẻ mà thay vào đó là tư vấn, chia sẻ với những hoàn cảnh bất khả kháng, cũng như bày tỏ mong muốn việc giáo dục giới tính ngày càng được phổ biến nhiều hơn trong cộng đồng thanh thiếu niên Việt Nam.

GS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Ngọc Phượng, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Chủ tịch hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho biết trong những lần đi nói chuyện với các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, công nhân,... về vấn đề giáo dục giới tính, bà đã nghĩ đó là chủ đề chưa phù hợp với các em bởi nhiều em còn rất trẻ, khoảng 15-17 tuổi. Thế nhưng, khi nghe bà giảng giải, nhiều em tỏ ra rất hào hứng và đặt nhiều câu hỏi mà mình quan tâm, thường là về vấn đề ngừa thai, tình dục an toàn... Do đó, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho rằng nên đi sâu vào đời sống công nhân, học sinh, sinh viên để hiểu và giúp đỡ họ nhiều hơn. Thay vì cấm đoán trẻ vị thành niên, thanh niên không quan hệ tình dục sớm thì chúng ta nên tuyên truyền, hướng dẫn các em cách tránh thai an toàn để bản thân các em tránh được những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng từ việc phá thai.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhung-nguoi-o-do-tuoi-sinh-san-thieu-kien-thuc-ve-phong-tranh-thai-107559.html