Những người phụ nữ 'quên' ngày 20/10

Ở nơi góc khuất cuộc sống, có những mảnh đời, những người phụ nữ vì cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn đã làm họ quên lãng ngày dành cho mình, thậm chí có người còn không biết đến ngày 20/10 là ngày gì?

Ngày 20/10 hàng năm của chị Trương Thị Thắm ban ngày phải lo việc đồng áng, ban đêm vẫn đan lục bình như bao ngày bình thường khác trong năm

Đổ vỡ hôn nhân ở độ tuổi ngoài 30, chị Trương Thị Hồng Thắm (ở Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) trở về gia đình nuôi ba mẹ già, em trai bị nhiễm chất độc da cam và 2 con nhỏ. Một người làm lo cho 5 người chỉ với 2 công đất trồng ổi. Cuộc sống chật vật, thiếu thốn trăm bề, chị Thắm phải đi làm thuê (dặm lúa, làm cỏ,...). Tối về thì chị tranh thủ đan lục bình.

Ngày 20/10, trong khi nhiều phụ nữ được nhận hoa, quà cùng những lời chúc thì chị Thắm rất khó mà nhớ ngày này vì công việc. Chị chia sẻ: “Từ trước đến giờ, vào những ngày lễ kỷ niệm dành cho chị em, tôi luôn cảm thấy tủi thân vì mình cũng là phụ nữ mà không được như họ. Ngay cả trước đây, tôi cũng chưa bao giờ nhận được sự quan tâm của ai trong ngày này, kể cả chồng mình”. Là chị lớn trong gia đình, từ nhỏ chị phải chật vật với cuộc sống để lo cho gia đình và các em. Lớn lên, lập gia đình và sinh được 2 con nhưng không hạnh phúc, chị đã ly hôn và trở về gia đình tiếp tục gồng gánh nuôi con.

Từ ngày chồng mất do bệnh, chị Nguyễn Thị Bé Tư (ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) để con ở nhà với bà ngoại, quẩy gánh hàng rong nuôi sống gia đình và lo sách vở cho 2 đứa con đến trường. Gắn bó với nghề bán hàng rong hơn 5 năm qua, chị Tư đã đi khắp các tuyến đường, vỉa hè, quán nước, bến xe, góc chợ, bệnh viện ở Hồng Ngự. Đồng hành với những bước chân mưu sinh của chị Tư là “kho hàng di động”. Chị mang lỉnh kỉnh nào là mắt kính, đồ chơi điện tử trẻ em, quẹt gas, bóp da, móc khóa,... Nhọc nhằn mưu sinh, 20/10 là ngày tôn vinh phái đẹp nhưng với chị Tư thì cũng không khác gì ngày thường.

Chị Tư bảo: “Tôi có nghe nói đến ngày 20/10, biết đó là ngày phụ nữ được ưu tiên, nhưng tôi cũng không quan tâm. Thường hàng năm, mỗi khi đi bán thấy ngoài đường người ta đi chơi đông, bày bán nhiều hoa và quà, hỏi những người mua đồ mới nhớ ra đó là 20/10. Từ ngày chồng mất, có năm tôi còn không biết mùi Tết chứ nói chi đến Ngày Phụ nữ Việt Nam. Chúng tôi là phụ nữ ở quê, cả đời lam lũ vất vả, chỉ mong sao kiếm đủ ăn là mừng rồi chứ nghĩ gì đến hoa hay quà”.

Dù ở tuổi 62, bà Nguyễn Thị Út (ở phường 3, TP.Cao Lãnh) chưa từng nhận được một bông hoa, quà hay 1 câu chúc mừng từ chồng, con nhân những ngày lễ dành cho mình. Các con bà đều lớn và lập gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn không giúp đỡ được nhiều cho vợ chồng già.

Mỗi ngày, bà đi bộ hàng chục cây số khắp các ngõ hẻm của thành phố để bán vé số mưu sinh, có khi 7, 8 giờ tối mới về đến nhà. Chưa bao giờ xem báo hay nghe đài nên bà cũng không hề biết 20/10 là ngày gì! Bà Út chia sẻ: “Trước giờ, ngày nào đối với tôi cũng vậy. Sáng thức dậy dọn dẹp nhà cửa xong thì bắt đầu đi bán vé số, tối mịt mới về đến nhà. Đến nhà là mệt lả nên ít quan tâm đến lễ lộc. Ngày nào thấy người ta đi chơi đông, biết là có lễ lộc, tôi cũng bán được nhiều vé số...”. Bà Út cho biết, những người gần nơi bà ở cũng không mấy ai quan tâm đến ngày này vì ai cũng bận đi làm.

Thế mới thấy, hàng năm vào dịp lễ 20/10, bên cạnh những người phụ nữ được nhận hoa, quà, lời chúc mừng, được ướm thử những váy áo mới thì xung quanh vẫn có rất nhiều phụ nữ không có thời gian dành cho mình mà phần lớn thời gian dành để lao động kiếm sống, lo toan cho gia đình, vượt qua những vất vả của cuộc sống bộn bề lo cho các con với mơ ước “Đời con sẽ sáng hơn đời mẹ!”.

BÍCH LIỄU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe190751/nhung_nguoi_phu_nu_quen_ngay_20_10.aspx