Những người sống sót hoảng loạn sau sóng thần tại Indonesia

Cơn sóng thần xuất hiện do núi lửa hoạt động tại Indonesia, đêm ngày 22-12, đã gây ra không khí thê lương và thảm khốc dọc theo vùng ven biển Anyer tại Serang, thủ phủ của tỉnh Baten, Indonesia.

Hình ảnh các ngôi nhà bị phá hủy sau sóng thần tại Carita, Indonesia, ngày 23-12-2018. (Ảnh: CNN/Getty Images)

Hình ảnh các ngôi nhà bị phá hủy sau sóng thần tại Carita, Indonesia, ngày 23-12-2018. (Ảnh: CNN/Getty Images)

Gạch vụn từ các căn nhà và tòa nhà bị phá hủy nằm rải rác dọc theo các địa điểm từng là những bãi biển nổi tiếng, trong khi tiếng còi hú của các xe cứu thương và cứu hộ đưa cảnh sát, quân nhân và những tình nguyện viên thỉnh thoảng lại vang lên tại khu vực từng là một địa điểm nổi tiếng cho những kỳ nghỉ cuối tuần.

Hầu hết các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và các cửa hàng tiện ích đều bị đóng cửa vô thời hạn sau khi cơn sóng thần ập vào các huyện Pandeglang và Serang thuộc tỉnh Banten, cũng như huyện Lampung Selatan thuộc tỉnh Lampung đêm ngày 22-12, làm 281 người chết và hơn 1.000 người khác bị thương cho tới thời điểm hiện tại, theo số liệu từ Cơ quan Giảm thiểu thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB) sáng 24-12.

Một trong số những khu vực bị phá hủy là một bãi biển ở ngôi làng Cinangka tại Anyer, nơi từng rất nổi tiếng với cát trắng và các rặng dừa. Toàn bộ các công trình xây dựng được làm bằng tre tại bãi biển này giờ đã bị san phẳng hoàn toàn.

Nhớ lại thảm họa, anh Eki Prasetya, một chủ nhà hàng địa phương và là một trong những người may mắn sống sót, cho biết, thời tiết trước khi xảy ra sóng thần có “một chút khác lạ”. “Tối hôm trước thật yên bình, không gió cũng không mưa. Thời tiết chỉ khác hơn một chút so với những ngày trước khi các cơn mưa thường xuyên xuất hiện cùng với gió mạnh”, anh Eki nói vào chiều 23-12.

Nhà hàng của anh Eki nằm trên bãi biển và nhà của anh ở gần đó cũng bị sóng thần phá hủy.

Nước biển lùi xa bãi biển khoảng 20 phút trước khi sóng thần ập đến, anh Eki nói và anh không có ý niệm về việc đó là một dấu hiệu của sóng thần do anh không cảm thấy bất cứ rung chấn hay hiện tượng bất thường nào.

“Nhưng mới đây núi lửa đã hoạt động mạnh. Chúng tôi nghe thấy những âm thanh như sấm từ hướng có núi lửa khá thường xuyên. Dẫu vậy, hiện tượng này bình thường do không ảnh hưởng tới chúng tôi ở đây”, anh Eki nói.

Tuy nhiên, khi sóng thần xuất hiện, âm thanh như sấm dội lớn hơn từ biển khiến anh Eki thấy lạ khi những âm thanh lớn đó không phát ra từ hướng có núi lửa như mọi khi.

“Tôi đang ở trong nhà với vợ và con trai khi tôi đột ngột nhận ra nước đã ngập đến sàn nhà. Tôi bế con trai và kéo mạnh vợ tôi ra khỏi nhà nhanh chóng”, anh Eki 24 tuổi là cha của một đứa bé mới chập chững biết đi.

“Nước ập vào bãi biển khá mạnh. Tôi đã chứng kiến mọi thứ tôi xây dựng để kiếm sống sụp đổ trong vài giây. Hiện, tôi không có bất cứ thứ gì”, anh Eki nói trong khi lượm lặt những thứ còn giá trị từ đống đổ nát có thể sử dụng được dưới cơn mưa buổi chiều.

Anh đã đưa vợ và con trai tới nhà bố mẹ ở một ngôi làng cách xa bãi biển.

Trong khi đó, các nhóm tìm kiếm và cứu hộ cũng làm việc không ngừng nghỉ để tìm kiếm những người có thể bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát cũng như chuẩn bị các lều trại hỗ trợ cho những người bị mất nhà cửa.

Một nhân viên điều phối nhóm tìm kiếm cho biết, hơn 700 người đã được triển khai trong các chiến dịch tìm kiếm dự kiến sẽ kéo dài trong vòng bảy ngày.

“Chúng tôi sẽ dựng các lều trại trước trung tâm chỉ huy tìm kiếm tại đây vào ngày mai. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị trang thiết bị y tế hỗ trợ tại đây”, ông Johnny Effendi thuộc trung tâm chỉ huy tìm kiếm tại làng Cinangka cho biết.

Dẫn số liệu mới được cập nhật, ông Effendi cho biết, 12 thi thể vừa được tìm thấy chung quanh ngôi làng, với hàng chục người bị thương và 31 người mất tích.

Sóng thần cũng làm hư hại 556 ngôi nhà, chín khách sạn, 60 nhà hàng và ít nhất 350 tàu biển trong các khu vực bị ảnh hưởng. Con số thương vong có thể sẽ tăng lên khi chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn vẫn đang diễn ra, BNPB cho biết.

Người phát ngôn của BNPB Sutopo Purwo Nugroho cho biết, sóng thần tại eo biển Sunda là một thảm họa rất hiếm khi xảy ra do nó không xuất hiện vì động đất như các cơn sóng thần thường xảy ra như thế.

B.M (theo Xinhua)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/38675602-nhung-nguoi-song-sot-hoang-loan-sau-song-than-tai-indonesia.html