Những người tâm huyết giữ gìn di sản Huế

Sáng 27-11, tại Trường Đại học Phú Xuân (Huế), Hội nghiên cứu và phát triển di sản Văn hóa Huế đã tiến hành Đại hội thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh TT-Huế. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội có 64 thành viên tham gia, do Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân làm Chủ tịch.

Sáng 27-11, tại Trường Đại học Phú Xuân (Huế), Hội nghiên cứu và phát triển di sản Văn hóa Huế đã tiến hành Đại hội thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh TT-Huế. Tính đến thời điểm hiện tại, Hội có 64 thành viên tham gia, do Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân làm Chủ tịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (trái) trao Quyết định thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.

Việc thành lập Hội nghiên cứu và phát triển di sản Văn hóa Huế là phù hợp với tiến trình thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh TTHuế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường

Hội tập trung những người tâm huyết với di sản Huế, trong đó, tại tỉnh TT- Huế có 50 người, TPHCM 11 người và 3 người ở Hà Nội. Thành viên trẻ nhất 32 tuổi và thành viên cao tuổi nhất 89 tuổi. Không ai ngạc nhiên khi trong danh sách đầu tiên này, xuất hiện nhà nghiên cứu Phan Thuận An (1940), từng là cán bộ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và là người đã đóng góp to lớn trong việc hoàn thành hồ sơ để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam (năm 1993). Cũng là nhà nghiên cứu, Hồ Vĩnh (1959), người có 30 năm ròng rã nghiên cứu thực địa về Kinh thành Huế, có hàng chục cuốn sách viết chung, viết riêng về các di sản Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông (1952), nguyên phân viện trưởng Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cũng là một người say mê nghiên cứu về các di tích Chămpa ở Huế. Trong hai năm 1994-1995, ông đã tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với chủ đề "Di tích Chămpa trên địa bàn TT- Huế".

Những cái tên bên cạnh nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (1937)- chủ tịch Hội, còn có các nhà ngiên cứu, nhà giáo như tiến sĩ Hán Nôm Võ Vinh Quang, thạc sĩ khảo cổ học Phạm Đức Thành Dũng, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (1947)- nguyên Giám đốc Sở VH- TT&DL tỉnh TT- Huế, những người làm công tác văn hóa đang là lãnh đạo, giảng viên các trường đại học thuộc Đại học Huế.

"Không ai hiểu Huế bằng người Huế. Không ai yêu Huế bằng người Huế", đó là khẳng định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Bởi vậy, để hiện thực hóa việc Huế trở thành "thành phố di sản" trực thuộc T.Ư vào năm 2025 thì trước tiên cần khuyến khích những nhà nghiên cứu Huế hiến kế để giải quyết những vấn đề đặt ra trong vấn đề quy hoạch và phát triển. Việc thành lập Hội nghiên cứu và phát triển di sản Văn hóa Huế chính là bước tập hợp trí tuệ, tâm huyết những ai đã, đang và sẽ tâm huyết giữ gìn di sản Huế cho hành trình dài hơi này.

Cùng ngày, cũng với mục tiêu chung sức xây dựng TT- Huế trở thành Thành phố trực thuộc T.Ư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh TT- Huế tổ chức Hội thảo "Bảo tồn, phát huy bản sắc Văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng TT- Huế trở thành Thành phố trực thuộc T.Ư" với sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành liên quan và nhiều nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh. Hội thảo tập trung phân tích đặc điểm bản sắc, văn hóa Huế; công tác bảo tồn và phát huy; làm rõ một số vấn đề như: nhận diện bản sắc văn hóa Huế và vai trò trong tiến tình xây dựng thành phố trực thuộc T.Ư; trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa Huế, truyền thống của người dân Cố đô Huế...

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_235192_nhung-nguoi-tam-huyet-giu-gin-di-san-hue.aspx