Những người thắp sáng Biển Đông

Ban đêm, trên tuyến hàng hải nội địa và quốc tế nhộn nhịp đi qua Biển Đông, thủy thủ trên các con tàu luôn nhận được những ánh chớp ngọn hải đăng dẫn đường: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định), Hòn Đỏ, Trường Sa (Khánh Hòa) Hòn Hải (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Ở phía dưới chân hải đăng có bao nhiêu con người đã sống thầm lặng, bất chấp gian khổ, hy sinh ở nơi đảo xa, bao nhiêu câu chuyện chứa chan tình người. Tất cả chỉ vì một tuyến hàng hải nối từ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương an toàn.

Ông Nguyễn Trung Kiên kiểm tra kỹ thuật đèn hải đăng tại đảo Hòn Đỏ, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Trung Kiên kiểm tra kỹ thuật đèn hải đăng tại đảo Hòn Đỏ, tỉnh Khánh Hòa.

Tình cờ gặp anh bạn Phạm Minh Khu, Trạm phó Trạm quản lý luồng cảng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, tôi hỏi Khu: "Ông đang ở Nha Trang ra Phú Quý làm gì?". "Tôi ra tăng cường cho Hòn Hải (cách đảo Phú Quý khoảng 40 hải lý), sóng biển dữ dội quá, tàu không cập đảo được, đành phải neo "núp" ở đây chờ" - Anh Khu trả lời vắn tắt.

Tôi bắt đầu tra "lý lịch" Hòn Hải, nhiều câu chuyện hay cứ tuôn trào ra: Sóng biển lớn đập vào đảo trùm lên cả nhà ở; nơi "nghĩa địa" chôn cò; phải cảnh giác kẻo cá "kéo" người xuống biển; đắp đê bằng đá để trồng rau xanh... "Ai là người ra nhận nhiệm vụ vận hành Trạm hải đăng Hòn Hải đầu tiên?" - Tôi hỏi. "Anh Trần Văn Ngôn là người Trạm trưởng hải đăng Hòn Hải đầu tiên" - Anh Khu tiết lộ thông tin.

Sau mấy năm trời cất công tìm kiếm, rất may tôi gặp được anh Trần Văn Ngôn tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Anh cho biết: "Tôi về công tác tại Trạm quản lý luồng Đầm Môn, Hòn Đỏ gần 20 năm rồi. Chừng ấy năm cũng thuộc "tính nết" của biển cả lúc hiền hòa, lúc hung dữ. Ví như ngày đầu tiên ra đảo Hòn Đỏ không có bóng người dân nào, trời không có mưa, chỉ mưa xung quanh đảo thôi. Chẳng hiểu vì sao, từ khi có người ở trên đảo, thỉnh thoảng trời lại xuất hiện các cơn mưa". Anh Ngôn "mời" tôi ra thăm Hòn Đỏ bằng những chi tiết hay đại loại như vậy.

Nhồi máu cơ tim vẫn... bám đèn

Tôi theo chiếc tàu của Trạm quản lý luồng Đầm Môn, Hòn Đỏ, tỉnh Khánh Hòa ra tham quan Trạm hải đăng Hòn Đỏ, nằm gần với tuyến đường hàng hải quốc tế và cửa ngõ vào vịnh Vân Phong, tổng kho chứa dầu Mỹ Giang lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Tàu vừa cập đảo, anh Nguyễn Trung Kiên, nhân viên trạm hải đăng, vừa từ đất liền ra đảo thay ca, hớn hở hỏi anh Nguyễn Mạnh Hổ: "Hôm qua, ngoài này trời mưa to không anh? Trong đất liền mưa dữ lắm". "Chu cha, trời nổi sấm sét ầm ầm. Mây kéo tới đen kịt, gió thổi ào ào, chỉ có mưa quanh đảo rất to. Đảo không có một giọt nước. Em ra cố khấn vái trời đất họa may "trời thương" nhả xuống vài xô nước tắm cho sướng" - Anh Hổ trả lời rất dí dỏm.

Anh Hổ nhớ lại, năm 1998, anh là một trong số những người ra Hòn Đỏ nhận nhiệm vụ vận hành trạm hải đăng đầu tiên. "Cả đảo toàn đá, khô khốc, không có một bóng người, nước ngọt phải chở từ đất liền ra. Mùa gió Đông, gió và nước biển cứ xả thẳng vào mặt. Thời tiết khắc nghiệt đến nỗi con gà, con chó mang ra nuôi cũng không thể chống chọi qua được mùa gió bấc. Thế nhưng, bao năm qua, chúng tôi vẫn liên tục thay nhau vận hành, chưa bao giờ để tắt đèn vào ban đêm. Chỉ cần 30 phút ngọn hải đăng ngừng hoạt động, thì bao nhiêu mối nguy hiểm có thể xảy ngoài biển. Vì thế, bất luận như thế nào, đèn không bao giờ được tắt".

Những người vận hành hải đăng ở nơi đảo vắng sợ nhất là cơ thể bị phát bệnh đột ngột, điển hình như anh Hổ bị bệnh nhồi máu cơ tim cấp khi đang vận hành hải đăng. "Tôi đang bước lên chân núi được vài tầng cấp, bỗng cảm thấy ngực mình đau nhói. Tôi dừng nghỉ một lát, rồi tiếp tục bước đi, được nửa đường, ngực bị đau thắt, tôi ôm ngực, dựa vào tảng đá, sau đó cố nhích dần lên đến đèn, kiểm tra kỹ thuật xong và bật đèn sáng. Đêm hôm đó, ngực tôi đau dữ dội, mấy anh em trong trạm hết sức lo lắng, suốt đêm xoa bóp giúp tôi vơi bớt cơn đau. Mờ sáng hôm sau, ghe (tàu) mới cập được vào đảo chở tôi đi bệnh viện cấp cứu. Qua bệnh án, tôi mới biết mình bị nhồi máu cơ tim" - Anh Nguyễn Mạnh Hổ nhớ lại.

Nơi đầu sóng dữ

10 giờ đêm, anh Trần Văn Ngôn bấm những tấm ảnh chụp tại Hòn Hải, tỉnh Bình Thuận trong máy tính cho tôi xem và giải thích: "Đây là những tấm ảnh ra tiếp quản hải đăng lần đầu tiên. Đảo toàn đá và nham thạch, không có một bóng cây. Phía trên đỉnh đảo, chim và trứng chim dày đặc, mình đi phải chú ý thật kỹ kẻo chân người dẫm lên trứng. Có những con chim to bằng con vịt xiêm (ngan) cứ đi san sát bên mình. Về mùa gió to, có rất nhiều cò bị lạc đàn "đáp" xuống đảo, chúng chỉ sống được một thời gian, do không kiếm được thức ăn, không có nước ngọt uống nên bị suy kiệt chết dần, chết mòn tại đảo. Anh em chúng tôi ví Hòn Hải như "nghĩa địa" chôn cò".

Nỗi sợ hãi nhất ở Hòn Hải là sóng biển rất hung dữ và dòng nước chảy xiết, chỉ cần sơ sẩy một chút có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những con sóng đập vào đảo cao mấy chục mét, khi cột nước đổ xuống sẵn sàng san phẳng bất cứ thứ gì. "Ngay cả tấm bê tông chắn sóng nặng khoảng 16 tấn đặt nằm dưới đáy biển, vậy mà sóng biển còn "nhấc lên" đặt nằm trên sàn bê tông trước trạm. Tấm bê tông "3 chân" nặng như thế, mà còn chẳng thấm tháp gì, huống hồ con người, chỉ cần sóng biển đụng vào một chút thôi thì nát bét hết" - Anh Ngôn tường thuật.

Đơn vị công binh của Bộ Quốc phòng khi thiết kế và thi công nhà ở tại Hòn Hải đã tính đến sức mạnh của sóng. Cửa đi làm bằng inox rất dày, nhưng cũng không chịu nổi áp lực cực mạnh của những đợt sóng. Anh Ngôn nêu kinh nghiệm: "Có những đợt sóng lên cao phủ cả nhà ở, tất cả những vật dụng, áo quần... đều gói mấy lớp ni lông. Các thành viên trên đảo phải để mắt canh chừng cho nhau, chỉ cần bất cẩn tích tắc, sóng biển sẽ cuốn sạch, không còn cơ hội để rút kinh nghiệm nữa. Mỗi lần anh em ở đất liền ra thay ca, người ở đây lâu phải căn dặn thật kỹ lưỡng, lúc sóng gió phải đối chọi như thế nào. Lúc biển lặng, anh em xuống tắm, câu cá, dòng hải lưu thường xuyên đổi dòng chảy đột ngột, nước chảy cực mạnh, người ở trên bờ đảo không kịp trở tay quăng dây ra cứu giúp".

Cán bộ và nhân viên làm việc tại Trạm hải đăng Hòn Hải được rút quân số từ những trạm hải đăng các tỉnh Nam Trung bộ, luân phiên ra Hòn Hải làm nhiệm vụ, mỗi phiên trực kéo dài từ 4 - 6 tháng. "Lần phiên trực của tui ở Hòn Hải 6 tháng liên tục, thời tiết xấu, biển động mạnh, tàu không thể nào ra đảo được. Hết trận gió này đến trận gió khác, kéo dài đến 8 tháng mới thay ca được. Gạo dự trữ chỉ còn ăn được vài ngày, các loại thực phẩm đã hết từ lâu, anh em phải tự xoay xở bằng cách câu cá, đắp đá thành tường bao quanh chắn gió để trồng rau xanh" - Ông Nguyễn Trung Kiên, Trạm quản lý luồng Đầm Môn, Hòn Đỏ, nhớ như in lần làm nhiệm vụ tại Hòn Hải.

Ông Kiên còn là một người rất sát cá ở Hòn Hải, mỗi lần đi câu, phải đi từ 2 - 3 người để canh chừng và hỗ trợ nhau: "Gặp con cá nặng 20 - 30kg mắc câu, nó vùng vẫy dữ dằn lắm, phải huy động lực lượng cả trạm cùng "chiến đấu". Một người ở sát dưới mép nước giữ dây câu, thả ra - thu vào theo nhịp bứt phá, quần đảo con cá. Ở thắt lưng người dưới buộc dây thừng và hai người ở trên đứng cầm dây bảo vệ, tránh tình trạng cá giật mạnh "kéo" cả người lao xuống biển và trôi ra xa trong nháy mắt, cứu không kịp. Mấy người ở phía trên cũng phải dùng dây quấn vào người bảo vệ hai người ở đoạn giữa. Cá mắc câu phải phối hợp tác chiến thật nhịp nhàng mới kéo nó lên khỏi mặt biển, nếu không chỉ đứng nhìn mà thôi".

Mỗi lần tàu chở quân, lương thực, thực phẩm... ra Hòn Hải thay ca, tất cả mọi người đều phải dồn hết sức lực để trung chuyển hàng hóa bằng thúng chai lên đảo thật nhanh. Mùa biển động hay biển êm, tàu không cập vào bờ đảo được, phải thả 2 - 4 cái neo cố định tàu ở ngoài. Ông Kiên nêu kinh nghiệm: "Bằng mọi cách phải giải phóng hàng hóa và con người lên đảo thật nhanh, để tàu sớm rời đảo, tránh mọi biến cố có thể xảy ra bất ngờ, không kịp trở tay".

Qua tiếp xúc với những con người đang làm nhiệm vụ vận hành và bảo vệ các trạm hải đăng nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi cảm nhận được một điều là họ rất lạc quan, luôn gắn bó với nhiệm vụ cho dù thời tiết nơi đây có khắc nghiệt, địa hình có nguy hiểm đến mấy đi nữa, họ vẫn kiên trì bám trụ tại đảo để thắp sáng những ngọn hải đăng.

Những lời tâm sự của anh Ngôn vừa là điều nhắn gửi cho thế hệ kế tiếp, vừa là bản tổng kết công việc của đời mình: "Mỗi trạm hải đăng đều có nhiều phương án dự phòng khác nhau, vì vậy, không có bất kỳ lý do gì để đèn tắt trong vòng 15 phút. Giữa Biển Đông trời tối đen như mực, chỉ có những ánh đèn hải đăng "làm bạn" với tàu biển. Có người đã ví chúng tôi là "những người thắp sáng Biển Đông".

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-nguoi-thap-sang-bien-dong/