Những người thầy 'đặc biệt tinh nhuệ'

Ai có dịp theo dõi bộ đội đặc công huấn luyện, diễn tập, biểu diễn võ thuật... đều cảm phục bản lĩnh thép của các chiến sĩ 'đặc biệt tinh nhuệ' khi nhẹ nhàng chinh phục những thử thách có tính chất nguy hiểm, khắc nghiệt như: Vượt tường lửa, leo nhà cao tầng, băng qua dây thép gai, bãi mìn, hay ngâm mình hàng giờ trong cát bỏng, sình lầy, nước lạnh... Những kỹ năng tuyệt vời đó của người chiến sĩ đặc công được trao truyền bởi đội ngũ cán bộ, giảng viên tận tâm, giàu kinh nghiệm Khoa Võ-Thể lực, Trường Sĩ quan Đặc công.

Học viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, hệ Trung cấp Khóa 16, Trường Sĩ quan Đặc công bước vào buổi huấn luyện trong tiết trời se lạnh. Họ làm nóng cơ thể bằng những bước chạy vòng quanh sân vận động và thực hiện 50 động tác võ tổng hợp do Trung tá Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Khoa Võ-Thể lực trực tiếp hướng dẫn. Tiếp đó, các học viên luyện kỹ thuật võ tay không với các động tác tấn công, phòng thủ, các thế đứng, di chuyển; thực hiện các bài võ tổng hợp, võ đối kháng với các thế đánh tấn công trực diện...

Chứng kiến bài tập của bộ đội đặc công qua từng đường quyền, lúc cương, lúc nhu, chiêu thức nhuần nhuyễn, biến hóa liên tục, tôi chỉ biết trầm trồ, thán phục.

Học viên Trường Sĩ quan Đặc công huấn luyện võ thuật.

Đứng trên bãi tập, Đại tá Phạm Văn Thuyên, Chủ nhiệm Khoa Võ-Thể lực chăm chú quan sát, thi thoảng anh lại trực tiếp hướng dẫn, uốn nắn động tác cho từng học viên, bảo đảm đúng kỹ thuật, chiến thuật... Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy võ thuật đặc công, hiểu rõ tầm quan trọng của công tác chuẩn bị cũng như quá trình thực hành huấn luyện, anh Thuyên chia sẻ: “Học viên nhà trường thường xuyên trải qua các bài huấn luyện thể lực, võ thuật cường độ cao, tính chất nguy hiểm, phức tạp, dễ xảy ra mất an toàn, trong khi hệ thống thao trường, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị phục vụ huấn luyện có mặt còn hạn chế. Do đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc khởi động, làm quen với môi trường của bộ đội trước khi bước vào huấn luyện”.

Khoa Võ-Thể lực là khoa trung tâm của Trường Sĩ quan Đặc công, có nhiệm vụ huấn luyện cho các đối tượng học viên đào tạo: Đại học, cao đẳng, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; tập huấn cho cán bộ của Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia... Vừa thực hiện chức năng giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học, vừa tham mưu cho Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường các hoạt động thể dục-thể thao, trình diễn võ thuật phục vụ phái đoàn trong nước, quốc tế tham quan học tập. Quân số của Khoa chỉ có từ 11 đến 15 cán bộ, giảng viên, đảm nhiệm huấn luyện 9-10 lớp/ngày, thời gian cao điểm lên tới 13-14 lớp/ngày.

Nhiều năm qua, Khoa Võ-Thể lực luôn huấn luyện với cường độ rất cao, cán bộ, giáo viên đều vượt định mức số tiết chuẩn theo quy định, trung bình 645 tiết/người/năm (mức chuẩn của giáo viên 285 tiết/người/năm). Thế nhưng, kết quả thi, kiểm tra các nội dung Khoa đảm nhiệm đều 100% đạt yêu cầu, tỷ lệ khá, giỏi đạt 95% trở lên, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hằng năm, Khoa đều có 2-3 giảng viên đạt giỏi cấp Khoa; 1-2 giảng viên đạt giỏi cấp cơ sở.

Đội tuyển của Trường Sĩ quan Đặc công nhận cờ thưởng tại Hội thao võ chiến đấu tay không các câu lạc bộ võ thuật toàn quân năm 2023. Ảnh: CAO THƯỞNG

Thực hiện đột phá về công tác GD-ĐT, cấp ủy, chỉ huy Khoa thường xuyên quán triệt mục tiêu, yêu cầu đào tạo, tập trung xây dựng hệ thống chương trình kế hoạch đầu bài các môn học phù hợp với từng đối tượng; phân công giảng viên hợp lý, kiểm tra đôn đốc thường xuyên, không để xảy ra tình trạng nhầm giờ, sót lớp. Đặc biệt, quá trình giảng dạy, cán bộ, giảng viên trong Khoa thường xuyên chú trọng truyền thụ kinh nghiệm, chiến lệ cho học viên.

Đại tá Nguyễn Ngọc Lương, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Đặc công đánh giá: "Khoa Võ-Thể lực luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, tổ bộ môn. Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, Khoa làm tốt công tác phương pháp bằng nhiều hình thức (thông qua bài, dự giảng...), thẳng thắn đóng góp, giúp đỡ nhau nâng cao kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, các giáo viên không những đảm nhiệm tốt những nội dung được phân công mà còn có khả năng đảm nhiệm được một số nội dung khác...".

Chúng tôi được biết, thực hiện đột phá về công tác nghiên cứu khoa học, cấp ủy, chỉ huy Khoa Võ-Thể lực đã nghiên cứu, biên soạn 3 kịch bản trình diễn cho các phái đoàn (Hội thao Quân sự quốc tế Army Games, màn chào hỏi Olympic tiếng Anh...). Hoàn thành giáo trình “Khởi động và hồi tĩnh, thả lỏng”; Chuyên đề “Một số giải pháp nâng cao chất lượng tự học, tự rèn võ thuật cho học viên”... Cùng với đó, Khoa duy trì thực hiện nghiêm quy trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng người học; phát huy vai trò của tổ bộ môn và giảng viên, giáo viên trong xây dựng, thực hiện kế hoạch môn học, kế hoạch đề bài.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng giảng bài, Khoa Võ-Thể lực chú trọng việc thông qua bài giảng bằng phương pháp giảng thử; tăng cường thời gian dự giảng ở cấp Khoa và bộ môn; tích cực bồi dưỡng tại chức cho giáo viên mới, giáo viên trẻ; động viên các giáo viên có nhiều kinh nghiệm kèm cặp giáo viên mới. Cấp ủy, chỉ huy Khoa cũng thường xuyên cập nhật thông tin, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện; tăng huấn luyện thực hành, thực hiện chia nhỏ tập nhiều với nội dung huấn luyện thực hành nhằm rèn luyện kỹ năng cho học viên. Khoa cũng thường xuyên làm tốt việc bồi dưỡng, xây dựng tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến... tạo không khí thi đua sôi nổi trong dạy và học.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhung-nguoi-thay-dac-biet-tinh-nhue-751348