Những người thầy trong cõi học

Cõi học và người thầy (NXB Công an nhân dân, 2017) là cuốn sách thứ 69 của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức trong vòng 55 năm qua, tính từ cuốn đầu tiên in năm 1962. Nhìn danh mục sách của ông đã xuất bản, thể loại rất đa dạng: từ nghiên cứu, tiểu luận, phê bình đến thơ, bút ký, trò chuyện, ghi chép… cho thấy sức làm việc phi thường và đam mê nghề nghiệp đáng trân trọng.

Ở tuổi ngoài 80, những năm gần đây, ông vẫn in sách đều đều, riêng hai năm 2015 - 2016 xuất bản tới bảy cuốn. Năm nay, tập bút ký Cõi học và người thầy ra mắt đúng vào dịp Hiến chương các nhà giáo 20-11; là cuốn sách một người thầy viết về các người thầy, về cõi học trang nghiêm và thăm thẳm, cao quý mà bình dị. 27 chân dung trong cuốn sách, mỗi người thầy là “một pho sách lớn của tri thức, một vốn quý của cuộc đời nhiều trải nghiệm”. Từ những học giả đại thụ của nền giáo dục nước nhà, trực tiếp giảng dạy ông như Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Lân, Hoàng Trinh… đến những đồng môn khả kính Phan Cự Đệ, Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đình Chú… và cả “một thầy giáo nghèo của vùng quê ngoại thành” là thầy Trần Thuyết. Viết về họ, ngoài cần mẫn quan sát, lý giải sắc sảo còn phải có sự tương đồng về tầm cỡ; nhưng trên tất cả là tấm lòng, tình cảm chân thành, chân thật dành cho nhân vật mà ông là người đồng hành.

Giáo sư Hà Minh Đức thường khắc họa các thầy và bạn đồng môn chỉ bằng vài nét chấm phá: Đặng Thai Mai “dáng vẻ trang nghiêm, ánh mắt sắc, nụ cười kín đáo nhân hậu”; Nguyễn Khánh Toàn “vầng trán cao, thanh thản, đôi tai rộng, có thành quách, cặp mắt luôn ánh lên những tia sáng của ý chí”; Nguyễn Lân “ăn mặc giản dị, giọng nói sôi nổi, cử chỉ quyết đoán”; Lê Đình Kỵ “người tầm thước, có thể hơi thấp, thường đến trường bằng chiếc xe đạp có phần cũ kỹ”; Bùi Văn Nguyên “người gầy, dong dỏng cao, già trước tuổi”… Có thể gọi đây là biệt tài của ông, bởi vì những nét “ký họa” tưởng như chừng mực, tối giản ấy thực ra rất tinh tế, khái quát, giúp người đọc hình dung ngay được ngoại hình và phần nào tính cách nhân vật. Biệt tài ấy của ông còn thể hiện trong nhiều tình huống miêu tả: “Xuống hầm lò sâu mới hiểu hết cái tối đến mức nào. Chỉ nghe tiếng than chảy róc rách theo các mương… đi mãi than vẫn ở trên đầu, than vẫn ở dưới chân” (Giáo sư Hoàng Như Mai). Chỉ vài dòng ngắn ngủi nhưng không gian hầm lò hiện lên thật sắc nét! Hầu hết nhân vật trong Cõi học và người thầy là những người thành danh đã khuất, trong đó có người gánh trên vai trọng trách lịch sử. Vì vậy, bài học họ để lại hậu thế qua câu chuyện của giáo sư Hà Minh Đức là những chiêm nghiệm giản dị mà sâu sắc theo cách “cái quan định luận”. Những bài học tác giả rút ra với tư cách người trong cuộc, có lẽ cũng chính là bài học cho chúng ta chăng? Trước hết là tư cách người cầm bút. Thầy Đặng Thai Mai dạy: “Chữ đầu tiên khi cầm bút để ghi chép một điều gì là ngày, tháng”. Nhận xét một bài viết của ông về giáo trình của thầy Nguyễn Lương Ngọc, nhà phê bình Hoài Thanh thẳng thắn: “Anh viết được nhưng thiếu tư thế của người cầm bút… viết thì phải có tư cách bình đẳng không thể viết như người dưới với người trên”. Giáo sư Hoàng Như Mai: “Mình là thầy giáo đại học có quyền nhận xét, phán xét các giá trị, các nhân vật. Tôi thấy anh dè dặt quá”… Nhưng lớn hơn, thấm thía hơn là những bài học ứng xử với thầy, với bạn, với những biến cố và ấm lạnh cuộc đời. Không thể kể hết ra ở đây những bài học ấy vì nó phong phú, sâu sắc, nhiều cung bậc…, chỉ khi đọc cuốn sách này, từng người sẽ tự tìm thấy chiêm nghiệm cho riêng mình.

Đọc nhiều sách của giáo sư Hà Minh Đức, nhưng tôi đặc biệt thích thú với thể loại bút ký. Ngoài những kiến thức, tư liệu, trải nghiệm thu lượm được, tôi luôn thán phục “duyên ngầm” làm nên bản sắc riêng trong bút pháp của tác giả, cái cách ông dẫn dắt người đọc tài tình và “nhẹ như không” đến sự sảng khoái thú vị trên trang giấy, cùng những bài học cuộc sống chân thực và sâu sắc. Với người cầm bút, cái duyên, cái giọng ấy là quà trời cho, có cố cả đời cũng chẳng học được.

Điều cuối cùng xin được chia sẻ với bạn đọc là trong bút ký chân dung này, ta chợt nhận ra một chân dung khác, đầy đủ hơn, đó chính là chân dung tác giả, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức, người đã góp phần đào tạo nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo đang hoạt động sung sức trong các lĩnh vực xã hội hiện nay.

HỮU VIỆT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/34734302-nhung-nguoi-thay-trong-coi-hoc.html