Những người trẻ biết quý trọng thực phẩm

Được tổ chức hằng năm, Cuộc đua cứu trợ thực phẩm (The Hunger Games) là thử thách về trí tuệ, thể lực, kỹ năng mềm, làm việc nhóm... dành cho các bạn trẻ, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tình trạng lãng phí lương thực; lan tỏa mô hình ngân hàng thực phẩm tại Việt Nam.

Các bạn trẻ tham gia “Cuộc đua giải cứu thức ăn” mùa giải 2018, trải nghiệm quy trình xử lý thực phẩm để trao tặng người có hoàn cảnh khó khăn.

Do Hanoi Food Rescue (HFR - tạm dịch: Ðội hình giải cứu thức ăn), tổ chức lần đầu vào năm 2014, Cuộc đua cứu trợ thực phẩm đến nay tròn bốn tuổi. Tham gia chương trình, các bạn trẻ là học sinh, sinh viên sẽ chia thành những đội Siêu nhân giải cứu đồ ăn gồm ba người, tranh tài bằng cách vượt qua nhiều vòng thi "thực địa" về kiến thức, thử thách trí tuệ, kỹ năng, tinh thần đồng đội... để trở thành quán quân mùa giải, với phần thưởng có giá trị tới hàng trăm triệu đồng. Quan trọng nhất, các quán quân sẽ được trải nghiệm quy trình cứu trợ thực phẩm mà HFR vẫn triển khai hằng ngày, từ khâu xử lý, đóng gói thức ăn ở các nhà hàng, khách sạn cho đến bảo quản, vận chuyển tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn.

Những bước đi đầu tiên của Cuộc đua cứu trợ thực phẩm không hề dễ dàng. Sau lần tổ chức đầu tiên với kết quả khiêm tốn, đến năm 2015, chỉ trong vòng ba ngày đầu phát động, HFR đã tiếp nhận tổng cộng hơn 30 đơn đăng ký và chọn ra được 20 đội chơi. Thành công từ mùa giải năm 2015 đã thu hút hơn 300 người chơi tham gia cùng giải thưởng lên tới 100 triệu đồng ở mùa giải năm 2016. Năm 2017, HFR mở rộng kết nối với nhiều đơn vị, tổ chức, nâng số lượng đơn xin tham gia chương trình lên tới 450 (hơn 1.300 người đăng ký), cùng tổng giá trị giải thưởng 120 triệu đồng.

Có thể nói, các cuộc đua thực tế chính là quy trình tuyển quân khắt khe, nghiêm ngặt cho những hoạt động thiện nguyện của HFR. Bởi, những người chơi xuất sắc sẽ được đào tạo thành Giám sát viên của cuộc đua các năm kế tiếp. Giám sát viên nào đam mê làm tình nguyện sẽ tiếp tục được tập huấn, trở thành nòng cốt và trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm của HFR dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, không may trong cuộc sống. "Cuộc đua là nhịp cầu kết nối ý chí, năng lượng, thể hiện khát khao phá bỏ những lối mòn trong suy nghĩ, hành động của tuổi trẻ. Ðây cũng là nơi các bạn trẻ có cơ hội cống hiến, làm đẹp cho đời một cách thiết thực, bài bản và chuyên nghiệp. Những kỷ niệm đẹp về cuộc đua, về HFR sẽ còn đi theo họ trên con đường trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội", anh Ðặng Thanh Lâm, Giám sát viên mùa giải 2017 của HFR chia sẻ.

HFR là dự án xã hội thành lập bởi một nhóm học sinh từ nhiều trường THPT trên địa bàn Thủ đô, với mũi nhọn là các chương trình: The Hunger Games (Cuộc đua cứu trợ thực phẩm), Tết Donation (Chia sẻ đồ ăn sau Tết), hay Mid-Autumn’s Giving (Trung thu sẻ chia)... HFR có mục tiêu nâng cao ý thức cộng đồng về vấn đề tiết kiệm lương thực, thực phẩm trong xã hội hiện đại; lan tỏa mô hình ngân hàng thực phẩm ở Việt Nam. Với những cách làm sáng tạo, mới mẻ, sau hơn 5 năm hoạt động, từ khoảng 60 thành viên, tình nguyện viên ban đầu, đến nay, mỗi năm HFR có thêm khoảng 30 thành viên trong ban điều hành, cùng 80 tình nguyện viên hoạt động thường xuyên. Từ những ngày đầu hoạt động khó khăn, năm nay, lượng nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm hợp tác chặt chẽ với HFR cũng đã lên tới con số 30.

Từ khi thành lập đến nay, HFR đã trao 16 nghìn suất ăn tặng hơn 4.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả đều thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được gói cẩn thận, sạch sẽ. Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 vừa qua, HFR đã mang tổng cộng 7.000 suất quà trao tận tay học sinh vượt khó các trường vùng sâu, vùng xa. Qua các chương trình như Cuộc đua giải cứu thức ăn, HFR đã kêu gọi được hàng chục nghìn người dân, thanh niên, sinh viên… ký cam kết không lãng phí thực phẩm. Ðiều này cho thấy, thành công của HFR không chỉ dừng lại ở việc mang đồ ăn, thức uống đến tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, mà còn giúp nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của toàn xã hội.

LINH PHAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37426302-nhung-nguoi-tre-biet-quy-trong-thuc-pham.html