Những người trẻ mê tre

Trẻ trung, năng động, nhưng chính họ là những người ủng hộ nhiệt tình cho phong trào sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường.

Những sản phẩm như đũa tre, ống hút cỏ bàng, muôi thìa gỗ, làn cói... thay thế vật sản phẩm từ ni lon được các bạn trẻ đặt thợ thủ công sản xuất và phân phối.

Nhóm cam kết tất cả sản phẩm đều làm bằng tay theo công nghệ truyền thống. - Ảnh: VGP/Lê Quang

Dị nhân đam mê tre

Đoàn Minh Nhân, một chàng trai 8X quê tại Bình Dương. Những tưởng số phận đã an bài với nghề nghiệp là một bartender cho một nhà hàng, nhưng đến một ngày Nhân chợt nổi ham muốn thay đổi tất cả. Bỏ công việc đang làm, Nhân bắt đầu đi về các vùng quê chỉ để tìm hiểu về các giống tre.

Lặn lội đến từng vùng, tìm hiểu đặc tính cây tre từ mầu sắc hình dáng, độ bền, độ óng đến số lượng măng, thời gian sinh trưởng và cả sâu bệnh..., Nhân ghi chép lại thành tư liệu cho riêng mình. Cứ như thế, Nhân sưu tầm cho mình tư liệu về hơn 50 giống tre trên cả nước.

Sau vài năm tìm hiểm về tre, Nhân trở về trồng tre và thiết kế vườn làm nông nghiệp sạch trên mảnh đất trên 1.000 m2 của gia đình ở Bình Dương. Cùng với đó, Nhân lên mạng lập group tìm những người chung sở thích về nông nghiệp sạch đặc biệt là về tre Việt Nam.

Qua mạng xã hội, Nhân biết đến một thanh niên người Thái Lan bỏ Bangkok về quê làm nông nghiệp. Qua trao đổi với nhau, thấy chung sở thích, Nhân muốn gặp mặt bằng được để trò chuyện. Người bạn Thái Lan mời Nhân, vậy là Nhân khoác ba lô leo lên... xe đạp đi xuyên qua Lào, Campuchia đến Thái Lan. Từ Thái Lan về, Nhân càng quyết chí sống với tre và sống với nông nghiệp sạch.

Cũng qua mạng xã hội đến với nhóm của những người chung sở thích, Nhân gặp được một bác sỹ nha khoa người Mỹ có đam mê sưu tầm các giống tre từ Đông Nam Á đưa về Mỹ trồng.

Qua những người bạn ngoại quốc, Nhân tìm đến những tổ chức khuyến nông, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường. Càng được đi, càng có nhiều kiến thức, Nhân càng say mê hơn với cây tre. Những nhóm bạn chung sở thích với Nhân trên mạng xã hội cũng ngày càng nhiều hơn.

Từ lũy tre đến mạng xã hội

Cách đây gần một năm, ba bạn trẻ họ đều là những cô gái trên dưới 30 tuổi, có trình độ đại học và trên đại học, có người được đào tạo ở nước ngoài về, gặp nhau vì chung một ý tưởng lập nhóm kinh doanh đưa các mặt hàng gia dụng từ nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Nguyên liệu để làm nên các vật dụng đó, đa số là từ tre, vì vậy các cô gái trẻ quyết định lập nhóm có tên là Treshop.

Ảnh: VGP/Lê Quang

Yến, một trong những thành viên của nhóm chia sẻ, với những người khác khi khởi sự kinh doanh phải lo toan từ đầu vào, vận chuyển lưu thông, quảng bá đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với các cô gái của Treshop, mọi thứ với họ đều có sẵn.

Thường xuyên trao đổi với nhau trên các diễn đàn của mạng xã hội có chung sở thích là tre, khi nhóm Treshop bắt tay vào kinh doanh, họ đã có sẵn sự hậu thuẫn từ chính các thành viên của các diễn đàn.

Yến cho biết, tất nhiên người hỗ trợ họ nhiều nhất chính là Đoàn Minh Nhân. Nhân cho họ cả một “bản đồ tre” Việt Nam, các giống tre phân bố trên cả nước đặc tính của từng loại. Cũng qua Nhân, họ biết đến những cộng đồng người yêu tre, yêu lối sống thuận tự nhiên và trên hết là họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên thân thiện môi trường.

Cũng chính qua diễn đàn, họ có những thông tin về những vùng nguyên liệu, những đại phương đang sản xuất những vật dụng tre và từ nguyên liệu tự nhiên nói chung.

Nói là có sẵn nhưng những cô gái cũng phải lặn lội tìm đến tận nơi để mắt thấy tai nghe. Đó là tỉnh Nam Định với cây tre, cây mây, Na Hang - Tuyên Quang với cây trúc, nứa, Mai Châu - Hòa Bình với gỗ đinh hương, Thường Xuân - Thanh Hóa với cây luồng, Long An với mặt hàng từ cỏ bàng...

Họ phải đi tưng nơi, thậm chí gặp những người nghệ nhân, những làng nghề nhiều năm làm đồ thủ công từ tre, gỗ. Gặp gỡ trò chuyện, ghi chép làm tư liệu, chụp ảnh đặt hàng, từ đó họ có những hình ảnh bài viết đưa lên mạng xã hội. Sau khi đặt sản phẩm thủ công, họ đưa hình ảnh lên mạng chia sẻ với cộng đồng những người chung sở thích. Khách hàng có thể đặt mua trên mạng hoặc gọi điện.

Nguyến Thị Yến, một bạn trẻ trong nhóm cho biết, hiện tại, tuy đã đi vào kinh doanh được khoảng 8 tháng, chưa thành lập được công ty, mới chỉ có một fanpage với khoảng 15 ngàn like, chủ yếu là đặt hàng qua mạng, nhưng họ đã nhìn thấy tương lai cho ý tưởng của mình.

Chỉ sau 6-8 tháng hoạt động, kinh doanh của nhóm đã có sự tăng trưởng ổn định. Khách hàng chủ yếu là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Khách nước ngoài chủ yếu thông qua khách trong nước để chuyển hộ qua con đường du lịch, do chi phí vận chuyển còn quá cao.

“Giá thành sản phẩm khá cao, nhưng chúng tôi không có ý định giảm giá thành để tăng doanh số”, một thành viên phụ trách kinh doanh của nhóm cho biết. Mục tiêu của nhóm là tăng chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm được làm theo công nghệ truyền thống nên yêu cầu về nguyên liệu và kỹ thuật rất cao, rất tỉ mỉ, và tất cả đều phải làm bằng tay, dù có khuôn mẫu cũng là tự chế.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/nhung-nguoi-tre-me-tre/341779.vgp