Những người trẻ sợ Tết

Trái ngược với sự háo hức trước kỳ nghỉ như thời còn đi học, nhiều người trẻ ngày nay không còn quá mặn mà với Tết Nguyên đán.

Một số người trẻ không còn hứng thú với Tết. Ảnh: Barney_yau.

Một số người trẻ không còn hứng thú với Tết. Ảnh: Barney_yau.

Ở lại công ty tới tận 21h để hoàn thành dự án cuối năm, Hà trở lại chỗ ngồi sau khi pha nhanh một ly cà phê gói với hy vọng giữ bản thân đủ tỉnh táo.

Làm việc cho một tập đoàn lớn về cung cấp dịch vụ ăn uống, ngồi lại cùng nữ nhân viên này là một nhóm khoảng hơn 10 người khác cũng thuộc phòng Marketing.

“Ở ngành này, Tết Nguyên đán là thời điểm vàng về doanh thu. Song song với đó là hàng loạt chương trình giảm giá, ưu đãi cho khách hàng nên áp lực và khối lượng công việc rất lớn”, Hà chia sẻ.

Bên cạnh công việc, những áp lực từ gia đình, họ hàng, tiền bạc, thời gian… cũng khiến một số người trẻ đánh mất sự chủ động trong việc kiểm soát cuộc sống hàng ngày.

Phạm Vân Hà

27 tuổi, Ba Đình, Hà Nội, chuyên viên Marketing

Vân Hà mệt mỏi với khối lượng công việc dịp Tết dù đã có kinh nghiệm trong ngành marketing cũng như F&B. Ảnh: NVCC.

Đây đã là cái Tết thứ 3 của tôi từ khi chính thức làm việc trong ngành F&B (Food and Beverage - kinh doanh ẩm thực), Dẫu vậy, tôi vẫn chưa thể hoàn toàn thích nghi được với tần suất làm việc khi bước vào khoảng thời gian này.

Bản thân marketing là ngành yêu cầu sự linh hoạt và nhanh nhạy với thời cuộc. Trong khi đó, Tết là dịp để các hội nhóm, lớp học, gia đình tổ chức ăn tất niên, gặp mặt cuối năm, nhu cầu là rất cao.

Vì thế, để cạnh tranh với các thương hiệu khác, chúng tôi gần như phải hoạt động gấp đôi, gấp 3 công suất với các ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Mặt khác, chúng tôi vẫn phải duy trì chất lượng sản phẩm, xử lý sự cố…

Bắt đầu từ đầu tháng 12, các kế hoạch liên quan Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đã phải được chuẩn bị xong. Trong quá trình thực hiện, hàng loạt đầu mục phải hoàn thành liên quan cả nội dung online cũng như ấn phẩm offline.

Tuy nhiên, số lượng nhân sự có hạn, mỗi người trong phòng chúng tôi đều phải ôm đồm nhiều công việc khác nhau. Chuyện phải mang việc về nhà là bình thường. 0h, tôi vẫn phải nhắn tin trao đổi với sếp.

Có hôm ngủ rồi, tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang phải “chạy” deadline. Sáng dậy, tôi cảm giác thực sự mệt mỏi, biết rằng còn hàng loạt đầu việc đang chờ mà không muốn rời nhà.

Dương Thanh Thảo

24 tuổi, Đông Anh, Hà Nội, nhân viên tư vấn

Thanh Thảo không còn háo hức với Tết từ lâu vì áp lực với nấu cỗ, dọn nhà... Ảnh: NVCC.

Tôi không nhớ lần cuối cùng mình hào hứng với Tết là khi nào. Từ khi còn học cấp 2, Tết của tôi đã gắn liền với việc nấu nướng, thắp hương, mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách cùng bố mẹ…

Với gia đình tôi, việc chuẩn bị đón Tết là một kiểu nhiệm vụ hơn là kỳ nghỉ. Các bữa cỗ diễn ra liên tiếp từ ngày Ông Công Ông Táo, bữa tất niên, mâm cúng trung thiên, mâm cỗ mùng Một, mâm cúng Tạ… Khi bé, tôi chỉ phải phụ giúp bố mẹ, còn giờ tôi là người nấu chính.

Theo thời gian, các món ăn cũng đã được giản lược đơn giản hơn. Tuy nhiên, thời gian chuẩn bị các nguyên liệu, chế biến vẫn chưa bao giờ cho phép tôi có cơ hội “ngủ nướng” trong ngày Tết.

Và đương nhiên, khi nấu cỗ, việc diện quần áo đẹp cũng là điều hiếm khi xảy ra với tôi trong thời gian này. Thay vì váy áo điệu đà, tôi thường chọn phải các bộ quần áo gọn gàng để tiện cho các hoạt động trong bếp, đồng thời sẵn sàng bị ám mùi thức ăn.

Dù vậy, tôi lại không thể mặc đồ ở nhà như bình thường vì gia đình thường xuyên có khách đến thăm. Tôi buộc phải chọn những bộ đủ lịch sự để tiện chào hỏi.

Tất nhiên, Tết Nguyên đán vẫn mang đến những điều tốt. Tôi có cơ hội về thăm nhà lâu hơn, được tạm gác lại công việc và chuẩn bị cho những dự định mới. Dẫu vậy, mọi người vẫn nói Tết là dịp để thực sự nghỉ ngơi sau một năm bộn bề công việc. Với tôi, điều này không thực sự đúng.

Lưu Hồng Nguyệt

26 tuổi, Đống Đa, Hà Nội, quản lý bộ phận chăm sóc khách hàng

Hài lòng với cuộc sống hiện tại, Hồng Nguyệt vẫn cảm thấy áp lực trước những câu hỏi mang tính áp đặt từ họ hàng, gia đình trong dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Đôi khi tôi không hiểu bản thân mình. Làm việc trong lĩnh vực có khi phải nói chuyện với cả trăm người lạ mỗi ngày, tôi lại cảm thấy sợ khi đối diện với họ hàng, gia đình trong dịp Tết.

Có lẽ sau một năm ít, thậm chí không gặp, mọi người thường tìm đến những chủ đề phổ biến để hỏi như tiền bạc, cưới xin. Dù biết chỉ là những lời hỏi thăm gợi chuyện mang tính xã giao. Tôi vẫn không thể cảm thấy thoải mái với nó.

Tôi hiếm khi áp lực về việc mình phải kiểm bao nhiêu tiền, có mua được nhà, xe hay không. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn hài lòng với cuộc sống đang có. Tuy nhiên, mỗi khi đứng trước những câu hỏi kiểu như “mỗi tháng kiếm được bao nhiêu”, “thế có tính mua nhà chưa” hay “làm đủ ăn không” của họ hàng, tôi lại bỗng xuất hiện những suy nghĩ bất an về tương lai, thậm chí nghĩ mình kém cỏi.

Câu hỏi kinh điển khác, tệ hơn cả, là “bao giờ được ăn cỗ (cưới) đây”. Trong mắt những người lớn tuổi ở gia đình tôi, phụ nữ tuổi 26 có lẽ đã giống một “quả bom nổ chậm”.

Thực tế là tôi có những mối quan hệ của riêng mình. Dù vậy, từ nhiều lý do khác nhau, tôi vẫn chưa đi đến bước đó. Tôi vẫn nghĩ kết hôn là cột mốc quan trọng, đâu thể tùy tiện cưới ai cũng được hay đơn thuần là cưới vì… quá tuổi.

Cá nhân tôi cho rằng dù có kết hôn ở tuổi 32-33 đi chăng nữa, nếu đúng người, đủ điều kiện tài chính và chín chắn về tư duy, đó mới là thời điểm phù hợp. Tôi cũng biết rằng nói những điều này với người lớn tuổi có lẽ sẽ không giúp ích gì.

Tuy nhiên, đáng nói là áp lực không chỉ với tôi. Những câu hỏi, tưởng chừng chỉ để bắt chuyện đó, ảnh hưởng tới cả bố mẹ tôi. Để rồi mỗi lần nhắc về vấn đề này, không khí lại trở nên nặng nề. Tết không nên diễn ra như vậy đúng không?

Tết là khoảng thời gian nhạy cảm

Trao đổi với Zingvề các vấn đề tâm lý của người trẻ ngày nay trong dịp Tết Nguyên đán, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Đơn vị Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhận định cuối năm là dịp học sinh, sinh viên đối diện với các kỳ thi học kỳ; người đi làm đứng trước áp lực doanh số, tổng kết, đánh giá, thi đua, căng thẳng…

“Tất cả yếu tố đó có thể được xem là những nguy cơ kích hoạt khó khăn về mặt sức khỏe tinh thần. Nếu không được quan tâm để trợ giúp và phục hồi, tình trạng này có thể kéo dài và dẫn đến nguy cơ gặp rối loạn như lo âu, trầm cảm, ám ảnh…”, vị chuyên gia nói.

Cụ thể, về việc phải giao tiếp, nhận những câu hỏi của người thân, ông Thiện cho hay mỗi người sẽ có những chủ đề nhạy cảm khác nhau. Đó có thể là những tổn thương, ký ức đau buồn hay vết thương lòng chưa được chữa lành.

Với một số người, Tết mang đến nhiều áp lực, căng thẳng. Ảnh minh họa: Lisanto.

Vì thế, ông nhấn mạnh nếu ai đó, trong một tương quan chưa đủ an toàn, đề cập đến những chủ đề này có thể kích hoạt các suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc khó chịu của chúng ta.

“Tuy nhiên, cũng rất khó cho những người xung quanh vì đôi khi, họ không thể biết hết các vấn đề của mình. Dịp Tết lại là cơ hội mọi người họp mặt và có thể gây ra sự khó chịu khi nghe nhắc đến những chủ đề mình nhạy cảm”, ông nói thêm.

Từ đây, vị chuyên gia khuyên mọi người nên tự làm việc với bản thân, nhận diện các chủ đề dễ kích hoạt sự khó chịu hoặc làm mình tổn thương. Khi đó, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị, đồng thời cũng là cơ hội hiểu hơn về bản thân.

Nếu các chủ đề đó vẫn được nhắc đến, chúng ta có thể chân thành bộc lộ sự bối rối, không thoải mái của mình và đề nghị người đối diện dừng lại. Đó cũng là cách tự bảo vệ cho tâm trí của mình.

Về áp lực từ những công việc nhà, chuyên gia tâm lý Toàn Thiện cho hay bất cứ sự thay đổi nào về hành vi so với thói quen hàng ngày cũng gây ra những phản ứng của bản thân và cơ thể.

“Khi bản thân chịu nhiều áp lực từ môi trường bên ngoài hoặc thậm chí kỳ vọng của chính bản thân phải làm hài lòng gia đình, bạn bè, chúng ta dễ có các phản ứng tiêu cực về mặt tâm lý như tình trạng stress quá mức, lo lắng, căng thẳng… từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm trạng”, vị chuyên gia giải thích.

Lúc này, nếu những căng thẳng đó không được xử lý phù hợp, nó có thể tạo thành các hành động, lời nói gây tổn thương những mối quan hệ xung quanh.

Theo chuyên gia tâm lý, quan niệm chung là phải dọn dẹp nhà cửa, nấu cỗ trong ngày Tết đó cũng có thể xem là một dạng định kiến bên ngoài, gây áp lực với chúng ta dẫn đến căng thẳng, lo lắng.

Trong trường hợp trên, ông khuyến cáo chúng ta cần thay đổi các kỳ vọng của chính mình cho phù hợp với khả năng thực tế của bản thân. Mặt khác, bản thân mỗi người đôi khi cần tìm sự cân bằng và thích nghi với những thay đổi.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nhung-nguoi-tre-so-tet-172230116090537889.htm