Những người Trung Quốc liều mạng thách thức độ cao để nổi danh

Sự bùng nổ của mạng xã hội cùng tốc độ phát triển chóng mặt ở các đô thị đã thúc đẩy những người trẻ Trung Quốc tìm đến sở thích mạo hiểm rooftopping, bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Đoạn video lưu hành trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một nam thanh niên đang tìm cách neo mình lên mép tòa nhà 62 tầng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Không dây an toàn, không dây thừng hay bất cứ thiết bị bảo vệ nào khác.

Anh cố gắng kéo mình lên mái nhà, như anh từng làm nhiều lần trước đây trong hàng chục video khác. Anh dừng lại một chút, nhìn xuống, rồi rơi khỏi tòa nhà chọc trời.

Ngô Vịnh Ninh, người được mệnh danh là “Đệ nhất Khiêu chiến Không trung”, là nạn nhân của trào lưu quốc tế “rooftopping” với những thử thách liều mạng trên nóc các tòa nhà chọc trời. Trào lưu này đã lan truyền tới Trung Quốc, nơi mạng xã hội và các nhà tòa chọc trời mới được xây dựng đều đang bùng nổ.

Các bức ảnh được đăng tải trên tài khoản Weibo của Ngô Vịnh Ninh hồi đầu tháng 11, không lâu trước khi anh qua đời. Ảnh: Weibo.

Phản ứng sau cái chết của Ngô vào ngày 8/11, báo nhà nước China Daily kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các ứng dụng livestream (truyền tải nội dung trực tiếp qua Internet) ở Trung Quốc.

“Nếu Ngô không nổi danh đến vậy trên các ứng dụng livestream, anh có thể đã không chết... Một số ứng dụng kích động người dùng làm những việc tồi tệ hoặc nguy hiểm, mục đích là thu hút thêm nhiều sự chú ý và tạo lợi nhuận”, bài báo xuất bản hôm 12/12 nhìn nhận vụ việc.

Cám dỗ

Không phải ai cũng thực hiện các pha nguy hiểm thót tim trên mép các tòa nhà. Một số người tham gia trào lưu rooftopping chỉ ghi lại những bức ảnh choáng ngợp về độ cao, thường từ các tòa nhà cao tầng mới xây bằng cách xâm nhập trái phép.

Chàng trai 26 tuổi Ngô Vịnh Ninh đã đẩy thử thách đi xa hơn. Các video trước đây cho thấy anh thường treo mình trên mép các tòa nhà chọc trời chỉ bằng tay không, đôi khi còn thực hiện động tác kéo mình.

Claire, một người tham gia trào lưu rooftopping yêu cầu CNN không tiết lộ họ của mình, cho biết cô không chỉ đổ lỗi cho Ngô vì liều mạng. Cô cho rằng các công ty tài trợ cho người chơi rooftopping cũng đáng trách.

Theo Claire, các công ty sẽ trả tiền cho người chơi nếu họ cho phép công ty đó quảng cáo trên video của mình.

Bức ảnh chụp tại Hong Kong được đăng trên tài khoản Instagram của Claire. Ảnh: Instagram.

“Nếu bạn ký hợp đồng với họ, họ sẽ trả tiền vé, tiền ở và các chi phí khác để bạn bay tới một thành phố khác làm những việc điên rồ. Họ cũng tuyên bố rõ ràng rằng họ không chịu trách nhiệm cho bất cứ thương vong nào nếu có”, Claire nói.

Claire không làm những việc cực đoan như Ngô dù hình ảnh trên tài khoản Instagram của cô cho thấy cô cũng có thiên hướng ưa mạo hiểm.

Trả lời báo chí địa phương, gia đình của Ngô cho biết anh được đề nghị khoản tiền 100.000 nhân dân tệ để thực hiện một video gây sốt trên mạng, số tiền mà anh định dành dụm cho đám cưới. Cha mẹ Ngô nói họ không biết con mình đang làm gì ở Bắc Kinh mà chỉ nghĩ rằng anh đang cố gắng trở thành diễn viên.

Mạng xã hội và nhà chọc trời

Rooftopping không phải là trào lưu bắt nguồn từ Trung Quốc mà đã tồn tại trên mạng xã hội trong nhiều năm.

Tuy nhiên, theo nhà báo Dominique Wong ở Bắc Kinh, trào lưu này mới nảy nở tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, một phần do lệnh cấm của nhiều trang mạng xã hội phương Tây như Youtube đối với rooftopping.

Trong khi đó, Claire cho rằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc cùng sự nổi lên của mạng xã hội đã thúc đẩy sở thích liều lĩnh của giới trẻ. Tài khoản mạng xã hội Weibo của Ngô Vịnh Ninh đã có tới 60 triệu lượt theo dõi kể từ khi anh qua đời.

Bức ảnh của Daniel Lau, một người tham gia rooftopping có 116.000 lượt theo dõi trên Instagram. Ảnh: Instagram.

“Các tòa nhà chọc trời mới mọc lên chính là môi trường thuận lợi. Trong khi đó, sự công nhận và nổi danh dễ dàng nhờ tốc độ lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người bị cám dỗ”, cô nói.

Claire cho biết cô bị cuốn vào trào lưu rooftopping kể từ khi bị trầm cảm. Đứng trên nóc tòa nhà Guoson nhìn ra toàn bộ thành phố Bắc Kinh, cô cảm thấy “được chữa lành”.

“Khi ở trên đỉnh tòa nhà, bạn sẽ không bận tâm tới điều gì khác. Dường như nó làm giảm bớt nỗi chán nản của tôi... Cảm giác rợn người đã đủ để choán hết tâm trí”, cô nói.

Nhà báo Dominique Wong cho biết nhiều người hứng thú với trào lưu rooftopping khi đang ở giai đoạn đen tối của cuộc đời nhưng cũng có nhiều người chỉ coi đây là trò chơi cảm giác mạnh.

“Nhiều người chỉ cảm thấy nó cuốn hút. Không phải tất cả đều coi đó là cách để giải tỏa hoặc xoa dịu tinh thần. Với những người ưa mạo hiểm, việc này chỉ đơn thuần là thử thách”, Wong nói.

Có đáng hay không?

Một nhiếp ảnh gia rooftopping 25 tuổi người Hong Kong nói với CNN rằng một số người có thể sẽ xem xét lại sở thích của mình sau cái chết của Ngô.

“Đối với những người trong cộng đồng rooftopping, đây là một chuyện đáng buồn. Nó giống như một dấu hiệu khiến anh suy nghĩ xem mọi việc mình làm có đáng hay không”, nhiếp ảnh gia giấu tên cho biết.

Người này nói rằng anh leo lên các tòa nhà để chụp được những bức ảnh đẹp hơn là vì cảm giác mạnh. “Sẽ không sao nếu bạn biết mình nên cẩn thận và có trách nhiệm khi chụp ảnh, đừng làm ra vẻ ta đây”, anh nói.

Wong cho biết một số người trong cộng đồng rooftopping mà cô từng trò chuyện ở Bắc Kinh thừa nhận họ không hề nghĩ tới khả năng mất mạng vì sở thích này. Sức hút của rooftopping là điều mà bản thân Wong đã kiểm nghiệm.

“Một người tham gia rooftopping từng bảo tôi ngồi lên nóc một tòa nhà. Tôi cảm thấy đặc biệt khác lạ và vui thích khi được ở trên đó cùng họ. Cảm giác thực sự rất tuyệt”, Wong nói.

Clip những pha mạo hiểm với tính mạng của Ngô Vịnh Ninh Ngô Vịnh Ninh qua đời hôm 8/11 sau một pha liều mạng treo mình ở tầng 62.

Tuyết Mai (theo CNN)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-nguoi-trung-quoc-lieu-mang-thach-thuc-do-cao-de-noi-danh-post804304.html