Những người ươm mầm hạnh phúc: Nỗ lực nâng tầm IVF của Việt Nam

Không dừng lại ở việc tạo ra hàng nghìn đứa trẻ bằng thụ tinh ống nghiệm (IVF), cặp bác sỹ Hồ Mạnh Tường-Vương Thị Ngọc Lan còn là người tiên phong đưa danh tiếng IVF của Việt Nam lên tầm cao mới.

Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan nghe chất vấn khi báo cáo tại Hội nghị sinh sản Hoa Kỳ năm 2016. (Ảnh: TTXVN)

Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan nghe chất vấn khi báo cáo tại Hội nghị sinh sản Hoa Kỳ năm 2016. (Ảnh: TTXVN)

Không dừng lại ở việc tạo ra hàng nghìn đứa trẻ bằng thụ tinh ống nghiệm, hai Bác sỹ Hồ Mạnh Tường-Vương Thị Ngọc Lan còn là những người tiên phong nghiên cứu khoa học, đưa danh tiếng của thụ tinh ống nghiệm (IVF) Việt Nam lên tầm cao mới.

Gieo duyên lành

Sau 7 năm trời tìm kiếm con trong sự bất lực của gia đình và sự cạn kiệt nguồn tài chính, vợ chồng anh Ngọc Thành và chị Lê Thị Bình (ngụ tỉnh Bình Dương) tìm đến chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” của Bệnh viện Mỹ Đức.

Tại đây, chính bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan - một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam đã trực tiếp thực hiện chọc hút trứng, thụ tinh, cấy phôi cho vợ chồng chị.

Sau hơn 9 tháng chờ đợi, bé trai Ngọc Phúc Thịnh chào đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình hai bên nội ngoại.

“Ươm mầm hạnh phúc" đã thắp lên ngọn lửa tưởng chừng như lụi tàn trong tôi. Con trai ra đời, ôm con vào lòng mà tôi cứ ngỡ là mơ. Gia đình tôi biết ơn bác sỹ Lan, biết ơn các bác sỹ ở Bệnh viện Mỹ Đức rất nhiều,” chị Bình chia sẻ.

Đây là một trong 80 trường hợp thành công của chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” năm thứ 4 - một chương trình do nhóm các bác sỹ tâm huyết như giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bác sỹ Đặng Quang Vinh, bác sỹ Hồ Mạnh Tường, bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan… sáng lập và thực hiện.

Với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, mỗi năm có 30 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nhưng có hoàn cảnh khó khăn được lựa chọn để thụ tinh ống nghiệm hoàn toàn miễn phí.

Trong 5 năm qua, hơn 150 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được chọn và đã có 80 đứa trẻ ra đời từ chương trình đầy tính nhân văn này.

“80 đứa trẻ ra đời, đồng nghĩa với 80 mái nhà có được niềm hạnh phúc trọn vẹn,” bác sỹ Lan mỉm cười hài lòng khi nói về thành quả của Chương trình.

Đặc biệt, toàn bộ các cặp vợ chồng tham gia chương trình đều được chính tay bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan thực hiện từ khâu chọc hút trứng, thụ tinh, trữ đông đến cấy phôi.

Chị luôn tâm niệm, “của cho không bằng cách cho”, chị không muốn những người tham gia chương trình cảm thấy tủi thân, cảm thấy mình bị phân biệt đối xử. “Mỗi người phụ nữ đều có khát khao được làm mẹ, tôi mong muốn bất cứ người phụ nữ nào dù giàu hay nghèo cũng sẽ được hưởng niềm hạnh phúc ấy” - tâm niệm này đã trở thành kim chỉ nam mà bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan luôn hướng tới trong hành trình nỗ lực mang đến tiếng khóc cười trẻ thơ cho các mái ấm gia đình Việt.

Những tiếng vang

“Trong suốt hơn 20 năm, chúng tôi đã thực hiện thành công nhiều ca thụ tinh ống nghiệm nhưng cũng gặp không ít thất bại. Nhiều trường hợp quá khó, bệnh nhân theo đuổi điều trị ròng rã 10 đến 12 năm nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả.

Thậm chí tôi đã từng chứng kiến cảnh vợ chồng bệnh nhân ly hôn sau khi làm IVF quá nhiều lần nhưng vẫn không thành, tôi rất day dứt,” bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan trải lòng.

Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan soi trứng trước khi thụ tinh ống nghiệm. (Ảnh: TTXVN)

Chính vì thế, hai vợ chồng bác sỹ Lan bắt đầu dấn thân vào nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm.

“Mọi phác đồ điều trị, những phương pháp mới đều xuất phát từ các nghiên cứu khoa học. Ý thức được điều này nên từ lâu chúng tôi đã chú trọng đến nghiên cứu khoa học, bởi chỉ có nghiên cứu mới tìm ra được những phương pháp mới áp dụng hiệu quả hơn cho bệnh nhân,” bác sỹ Hồ Mạnh Tường chia sẻ.

Nghĩ là làm, từ năm 2001, Bác sỹ Tường-Lan cùng bắt tay nghiên cứu và tìm ra phác đồ điều trị bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang tại Việt Nam.

Năm 2002, công trình này lần đầu tiên được đăng trên một số tạp chí nước ngoài và tạo nên bước ngoặt lớn của IVF Việt Nam.

Đến nay, phác đồ điều trị này đã được ứng dụng tại hầu hết các đơn vị hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam và hạn chế được 70% khả năng đa thai trong một lần thụ tinh ống nghiệm.

“Thừa thắng xông lên,” hai vợ chồng Bác sỹ Tường-Lan lại tiếp tục đặt ra và nghiên cứu những vấn đề mới hơn, chuyên sâu hơn.

Năm 2018, công trình nghiên cứu "So sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ đông trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm" của hai vợ chồng và các cộng sự đã gây tiếng vang lớn khi được Tạp chí Y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) - một trong những tạp chí y khoa có uy tín và có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay trên thế giới đăng tải.

Đây cũng là lần đầu tiên, một nghiên cứu do người Việt Nam chủ trì được đăng trên tạp chí danh tiếng này.

Chia sẻ về hành trình đến với công bố quốc tế trên Tạp chí NEJM, Bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan cho biết, hành trình này kéo dài 4 năm và đã lấy đi rất nhiều mồ hôi, tâm huyết của vợ chồng chị và các cộng sự.

“Không thể nói hết những gian truân, cực khổ trong quá trình thực hiện, bởi để được công nhận phải thực hiện chỉnh sửa rất nhiều, nghiên cứu rất sâu và trải qua nhiều vòng “chất vấn” của đội ngũ giáo sư cố vấn của tạp chí.

Thậm chí, êkíp làm việc đã có lúc nản lòng, muốn bỏ cuộc nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn quyết tâm đi đến cùng.”

Nhờ công trình này, một lần nữa lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam lại được vang danh trên thế giới.

Dù xuất phát điểm sau thế giới 20 năm, nhưng với những tiến bộ không ngừng, IVF Việt đã dần được thế giới thừa nhận, trong đó không thể không nhắc đến công sức của vợ chồng bác sỹ Hồ Mạnh Tường và Vương Thị Ngọc Lan.

Tuy nhiên không dừng lại ở đó, khát khao của “cặp bài trùng” này là nâng tầm IVF Việt, đưa tên tuổi của IVF Việt Nam nằm trong những nước hàng đầu thế giới về IVF.

“Hiện chúng tôi có thể tự hào khi tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công của Việt Nam là 40%-50%, vượt qua cả Singapore, Philippines hay Malaysia.

Không những thế, Việt Nam còn được đánh giá cao khi chi phí thụ tinh ống nghiệm thuộc hàng rẻ nhất thế giới, chỉ bằng 1/3 so với một số nước trong khu vực,” bác sỹ Hồ Mạnh Tường khẳng định.

Tuy nhiên, chưa hài lòng với những gì đã có được, hiện hai vợ chồng đang ấp ủ dự định thành lập Trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về thụ tinh ống nghiệm để tiếp tục có những nghiên cứu, những công bố quốc tế quan trọng trong lĩnh vực này; đồng thời có thể chuyển giao kỹ thuật cho nhiều nơi cả trong và ngoài nước, nâng IVF Việt lên một tầm cao mới./.

Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhung-nguoi-uom-mam-hanh-phuc-no-luc-nang-tam-ivf-cua-viet-nam/554693.vnp