Những nguy cơ hệ thống điện lực Nhật Bản đang đối mặt

Do thời tiết nắng nóng liên tục khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao, các nhà máy điện thuộc khu vực thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã liên tục đưa ra các thông báo yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện.

Người dân trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Người dân trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo báo Asahi của Nhật Bản, do thời tiết nắng nóng liên tục xuất hiện trong tháng 6/2022 khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao, các nhà máy điện thuộc khu vực thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã liên tục đưa ra các thông báo yêu cầu thực hiện tiết kiệm điện.

Sau sự cố điện hạt nhân do trận động đất, sóng thần năm 2011, mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy cải thiện hệ thống điện lực nhằm kiểm soát giá cả và đảm bảo nguồn cung ổn định, nhưng thực tế hiện nay Nhật Bản đang phải đối mặt với những nguy cơ đến từ chính hai yếu tố là giá cả và nguồn cung.

Theo thông báo của các công ty điện lực, tiền điện của các hộ gia đình tại Nhật Bản trong tháng 8/2022 sẽ tăng mạnh. Mức tiền điện tăng cao nhất thuộc về công ty điện lực Chubu (32,2%), tiếp đến là điện lực Tokyo (31%). Ngoài công ty điện lực Hokuriku ghi nhận mức tăng 6,9%, 9 công ty điện lực lớn khác cũng ghi nhận mức tăng hơn 10%.

Nếu giá điện như hiện nay tiếp tục kéo dài, gánh nặng của các hộ gia đình tại Nhật Bản sẽ tăng cao trong năm 2022. Theo kết quả khảo sát về chi tiêu hộ gia đình của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trung bình số tiền điện của một hộ gia đình tại Nhật Bản chi trả trong năm 2021 là 103.274 yen (743 USD). Với giá điện như hiện nay, các hộ gia đình sẽ chịu thêm gánh nặng khoảng 20.000 yen trong năm 2022. Bên cạnh đó, các hộ gia đình sẽ chịu thêm chi phí từ giá gas khi giá loại nhiên liệu thiết yếu này của 4 công ty lớn tại Tokyo đã tăng 25% trong tháng 7/2022.

Tại Nhật Bản, nhiệt điện chiếm khoảng 70% cơ cấu nguồn điện. Chính phủ Nhật Bản hiện đang áp dụng chế độ điều tiết giá nhiên liệu nhập khẩu như dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trong cơ cấu giá điện. Giá nhiên liệu được nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5/2022 sẽ được phản ánh trong giá điện tháng 8/2022, trong đó giá LNG đã tăng gấp đôi, trong khi giá than đá đã tăng gấp ba lần so với năm 2021.

Cùng với giá điện tăng cao, Nhật Bản cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung điện do nhu cầu sử dụng tăng cao trong thời tiết năng nóng và Chính phủ Nhật Bản đã phải liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng quá tải điện lực tại khu vực Tokyo, đồng thời yêu cầu người dân và doanh nghiệp triệt để thực hiện tích kiệm điện.

Tình trạng thiếu điện tại Nhật Bản xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do các công ty điện lực thúc đẩy chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhiệt điện cũ. Trong xu hướng xây dựng xã hội không than đá và phổ cập điện năng lượng Mặt Trời tại Nhật Bản, hiệu suất hoạt động của một số nhà máy nhiệt điện ngày càng giảm buộc các công ty phải điều chỉnh cơ cấu kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận. Bên cạnh đó, một yếu tố khác là việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đang tạm dừng hoạt động cũng không đạt nhiều tiến triển như kỳ vọng của chính phủ và các công ty điện lực.

Dự báo nguy cơ thiếu điện tại Nhật Bản sẽ còn tăng cao cho đến mùa Đông. Tại cuộc họp thảo luận về nhu cầu điện lực ngày 30/7, Chính phủ Nhật Bản đã cho biết, lượng điện dự phòng trong tháng 7/2022 (trừ khu vực Hokkaido và Okinawa) sẽ đạt khoảng 3,7%, cao hơn không đáng kể so với mức tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo ổn định nguồn cung là 3%. Trong mùa Đông tới, tỷ lệ điện dự phòng sẽ còn giảm xuống hơn nữa và khả năng đến tháng 1/2023 sẽ rơi xuống mức 1%.

Trong cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Fumio Kishida đã thể hiện quyết tâm trong việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân khi chỉ thị cho Bộ Kinh tế và Công nghiệp thúc đẩy khởi động tối đa 9 nhà máy điện hạt nhân cho đến mùa Đông. Đồng thời, để đảm bảo nguồn điện ổn định ngay cả lúc cao điểm, Thủ tướng Kishida cũng đặt mục tiêu phát triển thêm 10 nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới.

Các nhà máy điện hạt nhân mà Chính phủ Nhật Bản đặt kỳ vọng tái khởi động bao gồm 5 tổ máy của công ty điện lực Kansai tại tỉnh Fukui, 1 tổ máy của công ty điện lực Shikoku tại tỉnh Aichi, 3 tổ máy của công ty điện lực Kyushu tại tỉnh Kagoshima và Saga. Tất cả các tổ máy này đều đã đạt yêu cầu thẩm tra của Ủy ban quy chế năng lượng nguyên tử Nhật Bản và một số đang bắt đầu quá trình tái khởi động.

Có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản đang thể hiện quyết tâm trong việc đảm bảo ổn định nguồn cung điện lực khi đưa ra các cam kết thực hiện mọi biện pháp, bao gồm biện pháp tái khởi động nhà máy, điều tiết cung ứng điện giữa các khu vực, kêu gọi thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả, đồng thời tính toán các mục tiêu dài hạn chứ không chỉ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với những yếu tố khó khăn do nguyên liệu tăng cao, vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân..., việc Chính phủ Nhật Bản có thể cải thiện khả năng thiếu hụt nguồn cung đến mức độ nào vẫn chưa rõ ràng trong tình hình hiện nay./.

Đức Thịnh (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-nguy-co-he-thong-dien-luc-nhat-ban-dang-doi-mat/251316.html