Những 'nguyên tắc vàng' khi đi lao động tại Nhật

Nhật Bản hiện là thị trường hút rất nhiều lao động Việt Nam đến làm việc với thu nhập khá cao.

Nhật Bản đang trong tình trạng dân số giảm và già hóa, do đó rất thiếu nguồn nhân lực ở hầu hết lĩnh vực. Đặc biệt những năm gần đây, sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đòi hỏi phải có nguồn nhân lực bù đắp cho sự thiếu hụt.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, thông tin như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến “Đồng hành cùng thực tập sinh sang Nhật làm việc” do báo Pháp Luật TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH và các công ty xuất khẩu lao động tổ chức ngày 27-3.

Có thêm nhiều ngành nghề mới, lương cao

Ông Liêm cho biết thêm, ngoài các lĩnh vực, công việc đang tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài vào hiện nay, Nhật Bản sẽ xem xét mở thêm một số lĩnh vực ngành nghề mới để tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài. Theo đó, những năm tới đây Nhật vẫn là thị trường thu hút nhiều người lao động (NLĐ).

Trong đó, ngành sản xuất chế tạo, chế biến thực phẩm, dịch vụ hỗ trợ chăm sóc người già tại các cơ sở dưỡng lão... là những lĩnh vực mà Nhật Bản rất thiếu lao động. Ngoài ra, Nhật cũng đang thiếu hụt lao động làm việc trong cửa hàng bán lẻ.

Nhận định sát hơn về nhu cầu thực tập sinh thị trường Nhật, bà Dương Thị Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), thông tin: Hiện phía Nhật tuyển rất nhiều ngành nghề bao gồm ngành chế biến thực phẩm, điện tử, nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, cơ khí. Mức lương căn bản các ngành nghề nói trên đều như nhau, thu nhập tích lũy mỗi tháng trừ các khoản chi phí (điện, nước, thuê nhà, bảo hiểm) còn lại khoảng 25 triệu đồng.

“Tất cả công việc trên đều phù hợp với khả năng của các thực tập sinh Việt Nam. Thời hạn hợp đồng hiện nay là năm năm” - bà Cúc nhấn mạnh.

Tuy vậy, bà Cúc lưu ý: Tùy một số công việc sẽ có tăng ca nhiều hay ít, trong đó ngành chăn nuôi bò sữa có số giờ tăng ca nhiều nhất.

Đại diện công ty xuất khẩu lao động thảo luận giải đáp những băn khoăn của thực tập sinh. Ảnh: H.GIANG

Đại diện công ty xuất khẩu lao động thảo luận giải đáp những băn khoăn của thực tập sinh. Ảnh: H.GIANG

Không thu tiền cọc

Ngoài những ngành nghề trên, rất nhiều thực tập sinh quan tâm đến ngành điều dưỡng, hộ lý tại Nhật. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Đại, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông (Estrala) Chi nhánh TP.HCM, thông tin: Mặc dù phía Nhật có nhu cầu rất lớn trong việc tuyển dụng lao động làm việc trong ngành hộ lý-điều dưỡng nhưng hiện tại các quy định về tiêu chí tuyển chọn, mức lương cơ bản, chính sách đãi ngộ, kế hoạch đào tạo sau khi nhập cảnh để thi lấy chứng chỉ điều dưỡng… vẫn còn đang được chính phủ Nhật xem xét, chưa ban hành bất cứ quy định chính thức nào.

Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, thực tập sinh cần thận trọng khi có ý định muốn đăng ký làm việc ngành này tại Nhật.

Ông Đại thông tin thêm: Theo quy định mới, tất cả công ty xuất khẩu lao động đều không được phép thu tiền đặt cọc ký quỹ của NLĐ. Trong trường hợp trước khi đi Nhật làm việc, thực tập sinh có đóng tiền đặt cọc cho công ty nào đó thì theo quy định pháp luật, sau khi hoàn tất hợp đồng về nước, thực tập sinh có thể đến công ty tiến hành thanh lý hợp đồng và lấy lại tiền đặt cọc.

Cần chuẩn bị gì để sang Nhật?

Giải đáp những lo lắng của thực tập sinh về việc học tiếng Nhật và định hướng khi sang Nhật làm việc, bà Đoàn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Nhật ngữ Hoa Sen thuộc Công ty TNHH Sen Đại Dương (Lotus Ocean), chia sẻ: Có rất nhiều phương pháp để học tiếng Nhật, thực tập sinh cần tập trung theo sự hướng dẫn của giáo viên và tìm hiểu thêm trên mạng thì sẽ thấy tiếng Nhật rất thú vị và không hề khó chút nào.

Ngoài ra, có những giờ học để thực tập sinh sử dụng tiếng Nhật tương tác với nhau thông qua các hoạt động ngoại khóa mỗi tháng và các giờ tự học có sử dụng tivi kết nối Internet. Qua đó để thực tập sinh có thể xích lại gần hơn với văn hóa, con người Nhật Bản.

Chia sẻ thêm về những kỹ năng và cách ứng xử khi sang Nhật làm việc, bà Hương lưu ý: “Để có thể sống thoải mái, vui vẻ làm việc ở Nhật thì việc học tiếng Nhật càng nhiều càng tốt”. Chẳng hạn, tại Trung tâm Nhật ngữ Hoa Sen đang thực hiện chương trình đào tạo tiếng Nhật song song với chương trình giáo dục định hướng, tìm hiểu văn hóa... Theo đó, các học viên của trường sau sáu tháng theo học có thể tự tin lên đường đi Nhật làm việc.

Ngoài ra, bà Hương cũng nhấn mạnh về cách làm việc nhóm để đạt hiệu quả cao trong công việc. “Bản thân bạn đã biết được những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thì tin chắc bạn sẽ có thể tự mình điều chỉnh để đáp ứng mong muốn của xí nghiệp Nhật Bản” - bà Hương nhắn nhủ.

Cẩn trọng những lời hứa hẹn hấp dẫn

Thị trường Nhật tiếp nhận nhiều thực tập sinh Việt Nam, điều kiện làm việc và thu nhập khá tốt nên thu hút nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Lợi dụng nhu cầu muốn đi làm việc tại Nhật của các bạn trẻ, một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc nước ngoài đã thông báo tuyển lao động. Họ đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để NLĐ đăng ký nhằm thu tiền một cách bất hợp pháp, hoặc giới thiệu cho các công ty xuất khẩu lao động để qua đó thu phí thêm của NLĐ. Do vậy cần phải hết sức cảnh giác để tránh bị “sập bẫy”.

Nhiều vấn đề về xuất khẩu lao động được giải đáp đến độc giả. Ảnh: H.GIANG

Đối với thực tập sinh trước khi đi xuất khẩu lao động đã được trang bị các kiến thức về tiếng và xử lý các vấn đề phát sinh khi xảy ra ở nước ngoài. Do vậy, nếu gặp vướng mắc gì thì trước tiên NLĐ phải báo cáo với người quản lý, chủ sử dụng lao động.

Nếu không được người quản lý và chủ sử dụng giải quyết các vấn đề nêu trên thì liên hệ với nghiệp đoàn nơi quản lý thực tập sinh tại nơi bạn đang làm việc và đại diện công ty xuất khẩu lao động Việt Nam. Trong trường hợp không được giải quyết thì bạn liên hệ với đại sứ quán nơi bạn đang làm việc. Nếu ở Nhật thì bạn vui lòng liên hệ với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Gia Liêm,
Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước

Ba nguyên tắc vàng

Khi được chọn sang Nhật làm việc, thực tập sinh phải nắm được ba nguyên tắc vàng. Thứ nhất là kỷ luật, thứ hai là chất lượng sản phẩm và thứ ba là chăm chỉ, kiên trì, nhẫn nại. Ngoài ra, thực tập sinh cần sống hòa đồng, quan tâm, trách nhiệm với mọi người xung quanh.

Như vậy mới lấy được tình cảm của mọi người, đồng nghiệp cũng như bạn bè chung quanh. Lúc ấy thực tập sinh sẽ cảm thấy rằng người Nhật rất thân thiện và gần gũi.

Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Tổng Giám đốc Sovilaco

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/nhung-nguyen-tac-vang-khi-di-lao-dong-tai-nhat-762037.html