Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy chế biến tiêu của ông Quéo

Ông Nguyễn Văn Quéo học chưa hết lớp 7 nhưng đã sáng chế nhiều máy móc chế biến hạt tiêu rất hiệu quả. Ông cũng là một trong số ít người có thể nâng năng suất cây tiêu lên 15 tấn/ha mỗi vụ.

Từ tiêu...

Trước đây, cứ sau mỗi vụ thu hoạch tiêu, ông Nguyễn Văn Quéo (ở tổ 12, thị trấn Chư Sê, H.Chư Sê, Gia Lai, ĐT 0935.029.102) thường phồng rộp cả hai bàn tay vì phải chà vỏ tiêu (sau khi ngâm nước 7 ngày) để chế biến tiêu sọ. Cách làm này vừa cực, mà tiêu bị vỡ rất nhiều. Làm sao để tạo ra một cái máy bóc vỏ hạt tiêu là điều đeo đẳng ông Quéo mỗi ngày.

Nhiều đêm trắng, ông lọ mọ với cây bút chì và xấp giấy. Cứ vẽ rồi lại xóa cả ngàn lần, cuối cùng bản vẽ chiếc máy bóc vỏ hạt tiêu chạy bằng điện cũng hoàn thành vào năm 1990. Ông đến các xưởng cơ khí đặt từng bộ phận, đem về lắp và hồi hộp thử bóc vỏ mẻ tiêu đầu tiên. “Thành công rồi!”, ông reo lên với niềm vui khôn tả. Bao mệt nhọc của những đêm trắng tan biến.

Thế nhưng, tỷ lệ hạt bị vỡ vẫn còn cao khiến ông không hài lòng. Năm 2001, chiếc máy bóc vỏ hạt tiêu trục đứng (dạng ly tâm) thay cho chiếc máy trục ngang đầu tiên ra đời. Ông Quéo cho biết: “Đây chỉ là cải tiến từ chiếc máy đầu tiên. Máy gồm một mô-tơ, trục đứng bằng sắt, cánh quạt, bể tròn xi măng tạo ma sát, bên dưới bể là sàn inox. Giá thành của máy chỉ 10 triệu đồng/chiếc. Chiếc máy này chế biến được 3 tấn tiêu sọ/ngày, chỉ với 3 người vận hành. Chỉ cần chế biến 1 tấn tiêu sọ là đã hoàn vốn”. Với chiếc máy này, sản phẩm tiêu sọ của ông Quéo có tỷ lệ hạt vỡ không đáng kể, vỏ lụa còn nguyên, độ bóng, độ sáng cũng đẹp hơn. Máy bóc hạt tiêu đã được ông mang tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2007 (đoạt giải ba).

Ông Quéo với chiếc máy sấy tiêu của mình - Ảnh: Thiên Trúc

Tiếp đó, ông Quéo sáng chế tiếp máy sấy tiêu chín. Chiếc máy này ông lấy ý tưởng từ những hoạt động của bếp điện thông thường, gồm 1 tủ sắt, bên trong có các khay để chứa tiêu, bên dưới tủ có hệ thống quạt và biến áp. Sau khi bỏ tiêu vào tủ, cắm điện và đặt ở nhiệt độ 60oC, sau 1 tiếng là được một mẻ tiêu 200 kg. Giá máy gần 80 triệu đồng/chiếc. “Tiêu chín đỏ sau khi sấy có màu đẹp, giá 160.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với tiêu đen”, ông Quéo nói. Chiếc máy này cũng được ông mang dự thi và lấy luôn giải nhì, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.

...đến cà chua

Mới đây, ông Quéo lại nghĩ ra cách chế biến bột cà chua độc đáo. Từ chiếc máy sấy tiêu, ông bỏ cà chua vào sấy chín, nghiền thành bột, đóng gói và xuất ra thị trường. Trung bình cứ 2 kg cà chua tươi được 1 lạng bột, bán với giá 80.000 đồng/lạng. “Giá thành chỉ chừng 40.000 đồng/lạng, như vậy tôi đã lời gấp đôi. Bột cà chua này có thể dùng giải khát hay nấu nướng, rất thơm ngon. Hiện chúng tôi không có đủ hàng để bán” - ông Quéo kể. Cả ba sản phẩm tiêu sọ, tiêu đỏ và bột cà chua đã của ông đi khắp cả nước và ra cả nước ngoài.

Vùng đất trồng tiêu với diện tích trên 3.000 ha đã tạo nên thương hiệu “hồ tiêu Chư Sê” vang danh những năm qua. Sản lượng mỗi ha tiêu ở vùng này chỉ chừng 7 - 8 tấn/ha, cá biệt là 10 tấn/ha. Vậy mà ông Quéo đã đạt sản lượng lên đến 15 tấn/ha bằng cách bón phân bò, mùn, rơm rạ... tạo độ tơi xốp của đất, giúp tiêu khỏe, lá dày, đủ sức kháng cự với bệnh. Ông trồng dây tiêu sâu xuống đất khoảng 30 cm, theo đường đồng mức để giảm khả năng rửa trôi, xói mòn. Khi làm cỏ chỉ vun luống chứ không đào xuống để khỏi làm đứt rễ tiêu. Sản phẩm tiêu đỏ của ông Quéo năm 2007 được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấp chứng nhận “Hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại”.

Thiên Trúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nhung-nha-sang-che-khong-bang-cap-may-che-bien-tieu-cua-ong-queo-187995.html