Những nhân vật bị 'mang tiếng xấu' muôn đời vì phim kinh dị

Vì hàng loạt các bộ phim kinh dị, những chú hề, búp bê, bé gái,... từ hình tượng vui tươi đáng yêu đã trở thành ám ảnh kinh hoàng.

1. Hề

Hề vốn là nhân vật biểu diễn tạp kỹ vui nhộn trong các rạp xiếc, là người bạn thân thuộc với các em nhỏ từ khi nghệ thuật xiếc được khai sinh. Vậy nhưng "nhờ công" các bộ phim kinh dị, hình ảnh hề với khuôn mặt trắng, môi đỏ mũi đỏ, ăn mặc diêm dúa đã trở thành một nỗi ác mộng. Nổi tiếng nhất trong công cuộc "dìm" hình tượng hề là thương hiệu phim It. Năm 2017, It được tái khởi động dẫn đến việc chủ tịch Hiệp hội Hề quốc tế phải lên tiếng nhằm bảo vệ công việc cho các nghệ sĩ đóng hề trong đoàn xiếc.

Trailer It 2017

2. Búp bê

Nhắc tới búp bê, người ta không còn nghĩ đến món đồ chơi dễ thương của các em nhỏ nữa mà sẽ nghĩ ngay đến những thước phim kinh dị nổi tiếng. Nhờ danh tiếng của Chucky, Annabelle, Billy,... búp bê đã trở thành một "thế lực" hắc ám đáng sợ trên màn ảnh. Có lẽ các nhà chế tác búp bê cũng cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi như các anh hề trước làn sóng phim kinh dị này.

3. Bé gái

Có một "truyền thuyết" rằng nếu bạn ở trong một bộ phim kinh dị và vô tình nhìn thấy bé gái ngây thơ, ăn mặc xinh như búp bê thì bạn nên chuẩn bị tâm lý "chịu trận" đi là vừa. Các nhà làm phim kinh dị có điểm chung là thích khai thác nỗi sợ hãi tiềm thức đến từ những hình tượng tưởng như vui vẻ, đáng yêu. Chính vì thủ pháp "hù dọa" này nên nhân vật bé gái được dùng nhiều lần trong các bộ phim ma quỷ, trở thành một trong những hình ảnh gây ám ảnh nhất.

4. Thiếu nữ mặc váy trắng

Trước đây nếu diện váy trắng dài thướt tha, bạn sẽ là quý cô tinh khôi, dịu dàng. Sau khi dòng phim kinh dị lên ngôi cùng với danh tiếng của ma nữ Sadako (The Ring), thiếu nữ tóc dài váy trắng thì chỉ có thể là hồn ma oán hận. Có lẽ vì màu váy trắng dễ nổi bật giữa bối cảnh u tối, tạo hiệu ứng thị giác ám ảnh nên style này mới được các nhà làm phim kinh dị ưa chuộng.

5. Người đeo mặt nạ

Mặt nạ là món đồ được khai sinh với nhiều mục đích khác nhau, từ bảo vệ, hóa trang cho đến ý nghĩa văn hóa. Tuy nhiên sau hàng loạt những bộ phim kinh dị kinh điển, mặt nạ còn có một mục đích khác đó là... để nhận diện kẻ giết người hàng loạt. Bằng chứng là hầu hết các sát nhân nổi tiếng nhất màn ảnh đều gắn với một chiếc mặt nạ quen thuộc nào đó, vừa làm "thương hiệu cá nhân" vừa dọa nạn nhân chết khiếp.

6. Y tá, bác sĩ

Vì bệnh viện là bối cảnh rất dễ để tạo nên không khí ma ám rùng rợn nên hình ảnh y tá, bác sĩ cũng bị "vạ lây" trên phim kinh dị. Nỗi sợ hãi bệnh viện của mỗi người được tăng lên gấp bội với loạt nhân vật bác sĩ điên, y tá ma quỷ, bác sĩ đồ tể,... trên phim. Có lẽ đã đến lúc hội y sĩ đứng về "cùng chiến tuyến" với hội các anh hề, người chế tác búp bê và các bé gái trong cuộc chiến bảo vệ hình ảnh.

Gia Vệ

Nguồn iOne: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/phim/us-uk/nhung-nhan-vat-bi-mang-tieng-xau-muon-doi-vi-phim-kinh-di-3637115.html