Những nhịp cầu thân thiện, bình yên trên... không gian mạng

'Anh Chương ơi, vợ chồng em mới sinh em bé. Em muốn hỏi có thể làm giấy khai sinh ở nơi tạm trú không hay phải về quê ạ?'; 'Công an phường Đống Mác vừa tiếp nhận một cụ bà tên là Tám. Theo bà Tám nói đến thăm con là Thịnh - Phương ở phố Thọ Lão. Kính đề nghị mọi người chia sẻ, hỗ trợ. Trân trọng cảm ơn'...

Tháng 12-2018, tại Hội nghị kiểm tra công tác năm 2018 của Công an TP Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gợi mở, giao nhiệm vụ cho Công an Hà Nội hình thành kênh tương tác trực tuyến giữa người dân với lực lượng Công an, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự… Ngay sau đó, chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng đã được Công an TP Hà Nội triển khai sâu đến cấp cơ sở, giữa Cảnh sát khu vực với các địa bàn dân cư, qua tương tác Zalo, Facebook…

Chiến sỹ Công an Hà Nội trao đổi, hướng dẫn cán bộ cơ sở sử dụng phần mềm tương tác trên điện thoại di động

Chiến sỹ Công an Hà Nội trao đổi, hướng dẫn cán bộ cơ sở sử dụng phần mềm tương tác trên điện thoại di động

Lan tỏa kết nối, trách nhiệm thông tin

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với Thượng úy Lê Đức Chương - Cảnh sát khu vực địa bàn dân cư số 9, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, liên tục gián đoạn bởi những tiếng “ting, ting” phát ra từ chiếc điện thoại di động thông minh. Và cứ mỗi lần như vậy, người Cảnh sát khu vực trẻ tuổi thoăn thoắt ngón tay trên màn hình cảm ứng, hồi âm từng tin báo vấn đề ở địa bàn dân cư được người dân gửi đến.

Mới gần 2 tháng thiết lập trên ứng dụng Zalo, “Khu dân cư số 9” đã kết nạp được gần 100 “hội viên” là công dân, cán bộ cơ sở địa bàn do chính Thượng úy Lê Đức Chương làm “Quản trị viên”.

Ông Nguyễn Hữu Bính, cán bộ Mặt trận, Tổ phó tổ dân phố số 9A, phường Đồng Nhân hồ hởi kể: “Đầu tháng 6, đồng chí Cảnh sát khu vực có cuộc họp nhỏ với cán bộ cơ sở, thông báo chủ trương của Công an thành phố, Công an quận sẽ triển khai cách thức tương tác mới thông qua điện thoại di dộng có kết nối Internet. Hay lắm nhà báo ạ, lâu nay mình chỉ đọc báo, nghe nhạc qua điện thoại, một lúc là chán. Nhưng từ ngày tham gia nhóm “Khu dân cư số 9”, thấy cái điện thoại hữu dụng vô cùng”.

“Anh Chương ơi, vợ chồng em mới sinh em bé. Em muốn hỏi có thể làm giấy khai sinh ở nơi tạm trú không hay phải về quê ạ?”; “Công an phường Đống Mác vừa tiếp nhận một cụ bà tên là Tám. Theo bà Tám nói đến thăm con là Thịnh - Phương ở Thọ Lão. Kính đề nghị mọi người chia sẻ, hỗ trợ. Trân trọng cảm ơn”...

Đó chỉ là 2 trong rất nhiều thông tin được chia sẻ trong nhóm “Khu dân cư số 9” tương tác trên Zalo của không chỉ cán bộ cơ sở với đồng chí Cảnh sát khu vực và thông tin cũng không chỉ gói gọn trên địa bàn khu dân cư hay phường Đồng Nhân. Ở “Khu dân cư số 9”, mỗi thành viên có thể nhờ đồng chí Cảnh sát khu vực tư vấn giải quyết thủ tục hành chính; được khuyến cáo phương thức, thủ đoạn của tội phạm giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt tiền; được hướng dẫn cách phòng ngừa hỏa hoạn; được chia sẻ những lo lắng về cụ già hay trẻ nhỏ bị lạc, rồi cùng vỡ òa bởi những cuộc đoàn tụ.

Chia sẻ về “Khu dân cư số 9” với Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Hoa - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Long Biên, chúng tôi cũng ghi nhận những hồi âm - kết quả tích cực. Sau hơn 3 tháng (từ tháng 4-2019) thí điểm triển khai thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh ở phường Long Biên, đã có trên 500 lượt tương tác được thực hiện, trong đó chiếm chủ đạo liên quan đến các thủ tục hành chính của ngành Công an và hàng chục tương tác liên quan đến an ninh, trật tự.

Trung tá Ngọc Hoa kể: “Nhận thức được sự hữu dụng của tương tác qua điện thoại, người dân hết sức trách nhiệm, nhiệt tình. Như hôm 10-4, phát hiện một chiếc xe máy biển kiểm soát tỉnh ngoài dựng ở khu vực trống vắng, thấy nghi ngờ, công dân đã tương tác và gửi hình ảnh đến Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn. Nhận được tin báo, Cảnh sát khu vực nhanh chóng chia sẻ hình ảnh tới các nhóm và đề nghị các hộ gia đình xung quanh truy xuất camera gia đình. Từ đây, lực lượng Công an xác định chiếc xe là tang vật vụ trộm cắp, nhanh chóng phối hợp xác minh và ngay trong ngày, tài sản đã được trao trả lại cho người bị mất”.

Gần và hiểu người dân hơn

Đầu tháng 4-2019, Công an 2 quận Long Biên và Hoàng Mai triển khai mô hình Cảnh sát khu vực ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại di động để tương tác với người dân.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà chỉ huy 2 đơn vị đặt ra, là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn nữa, thực hiện đạt hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tại quận Long Biên, các đường dẫn thủ tục hành chính của Công an Hà Nội và danh bạ điện thoại của Chỉ huy Công an phường, Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn được mã hóa và các mã này được niêm yết tại các điểm công cộng, các cơ quan, doanh nghiệp để người dân tra cứu, khai thác các thủ tục hành chính. Đồng thời, Cảnh sát khu vực đến tận nhà dân, phát và hướng dẫn người dân cách sử dụng.

Còn với Công an quận Hoàng Mai, quan điểm thống nhất rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin tương tác với người dân còn giúp Công an cơ sở thực hiện tốt việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của Công an thành phố; nắm bắt thông tin dân cư được nhanh chóng và đảm bảo độ chính xác cao. Cùng với đó, người dân sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình, bằng việc phát hiện, phản ánh các di biến động, biểu hiện hoạt động tội phạm.

“Trước đây, khi có việc đột xuất cần gặp Cảnh sát khu vực, thường chúng tôi phải đi lại ít nhất một lần. Song khi Công an phường áp dụng công nghệ thông tin, những “cuộc gặp” đã giản tiện rất nhiều. Chúng tôi vừa có thể trao đổi trực tiếp với Cảnh sát khu vực mà không mất thời gian đi lại. Chỉ cần quét mã code mà Công an phường cung cấp là sẽ tra cứu được nhiều thông tin về các thủ tục hành chính”, ông Đinh Văn Tòng (70 tuổi, trú ở tổ dân phố số 6, phường Long Biên) vui vẻ bày tỏ và chia sẻ: “Thao tác của tôi khá chậm, nhưng các anh Công an vẫn rất tận tình hướng dẫn nên tôi thấy không có gì khó khăn. Tôi rất ủng hộ cách làm này của Công an Hà Nội”.

“Những ngày đầu triển khai mô hình tương tác mới, công việc của Cảnh sát khu vực tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng anh em không hề thấy mệt. Bởi lẽ, mỗi cán bộ chiến sỹ đều ý thức được rằng đây là một cách làm hay và khi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu thì sẽ dễ dàng, thuận lợi cho cả người dân và chính lực lượng Công an cơ sở trong công tác quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính”, Đại úy Nguyễn Hoàng Thành - Phó trưởng Công an phường Định Công, quận Hoàng Mai cho biết.

Cũng phải thôi, trước “bài toán” trên 7.000 hộ dân với gần 80 tổ dân phố, trong khi toàn phường chỉ có 18 đồng chí Cảnh sát khu vực thì ứng dụng kết nối qua Zalo, Facebook thực sự đã giúp Công an phường Định Công vừa giảm tải được việc đi lại, mà hiệu quả nắm bắt, xử lý thông tin, tình hình vẫn cao.

Hiện tại, các “nhóm cấp ủy, chi bộ”, nhóm “tổ liên gia”, “nhóm cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội”, “nhóm các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT”, “nhóm các chủ nhà trọ, nhà cho thuê”... đang là những nhịp cầu trực tuyến trên mạng xã hội gần gũi, thân thiện giữa người dân với Công an phường Định Công. Và từ Hoàng Mai, Long Biên, những “nhịp cầu” đã và đang lan tỏa rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội, gắn kết chặt chẽ tình quân - dân.

Không chỉ với lực lượng Cảnh sát khu vực, lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh, công nghệ thông tin đã và đang được Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phát huy tối đa tính năng trên mặt trận đảm bảo sự bình yên, thông suốt trên những tuyến đường và trong giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân. Cảnh sát giao thông thời 4.0 - đó là mục tiêu mà Công an Hà Nội đang hướng đến.

(Còn tiếp)

Minh Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nhung-nhip-cau-than-thien-binh-yen-tren-khong-gian-mang/820591.antd