Những nhóm đối tượng nào được đề xuất tăng lương cơ sở?

Ngày 24/4, Liên hợp quốc (LHQ) tuyên bố Ấn Độ sắp chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Một khu chợ đông đúc ở Ấn Độ. Ảnh: AFP

Báo cáo do Cơ quan Dân số LHQ (UNPD) công bố ngày 24/4 cho biết tính tới cuối tháng 4/2023, dân số của Ấn Độ sẽ đạt 1.425.775.850 người sau nhiều thập kỷ tỷ lệ tăng dân số liên tục được duy trì tại quốc gia Nam Á này.

Như vậy, Ấn Độ sẽ chính thức trở thành nước đông dân nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc (1,4 tỷ người tính tới đầu năm 2023).

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc UNPD John Wilmoth cho biết trong thời gian dài, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng, song dân số của Trung Quốc dường như đã đạt đỉnh vào cuối năm 2022, bắt đầu có xu hưởng giảm và dự kiến có thể xuống dưới ngưỡng 1 tỷ người trước cuối thế kỷ này.

Hiện nay, tổng dân số của hai nước này chiếm hơn 1/3 dân số thế giới (khoảng 8 tỷ người).

Theo Cơ quan Kinh tế và Xã hội của LHQ (UN DESA), Trung Quốc và Ấn Độ có tỷ lệ sinh ngang nhau hồi năm 1971, xấp xỉ 6 ca sinh/1 phụ nữ.

Tuy nhiên, từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã giảm mạnh, xuống chỉ còn một nửa.

Trong những năm 80, Trung Quốc thực thi nghiêm “chính sách một con” để hạn chế tăng dân số trước khi chấm dứt chính sách này vào năm 2016. Tới cuối năm 2022, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới với 1,2 ca sinh/1 phụ nữ.

Dân số gia tăng gây nhiều áp lực cho thị trường việc làm, hệ thống y tế, an sinh xã hội, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, đây cũng có thể là lợi thế mà có chuyên gia đã khẳng định đó là cơ hội “1 lần trong đời” của Ấn Độ. Nếu nắm bắt được lợi thế dân số, quốc gia Nam Á này có thể đạt được những bước tiến mới trong phát triển kinh tế.

Dân số Ấn Độ trong độ tuổi lao động hiện đã đạt 1,1 tỷ người, chiếm 75% dân số, nhiều hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác. Dân số trẻ đông đảo giúp Ấn Độ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài và tăng sức cạnh tranh của thị trường lao động. Tuy nhiên, để lực lượng lao động trẻ đó kiếm được tiền, họ cần có đủ việc làm được trả lương cao để phục vụ nền kinh tế hiện đại. Điều đó sẽ là thách thức không nhỏ cho Ấn Độ.

Ngoài ra, giới chuyên gia cũng kỳ vọng phụ nữ Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Hiện Ấn Độ là quốc gia mà phụ nữ có tỷ lệ việc làm chính thức thấp nhất trên thế giới, cứ 5 phụ nữ mới có 1 người có việc làm.

Và cuối cùng, sự gián đoạn của COVID-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại phương Tây cũng khiến các ngành công nghiệp và nhà đầu tư cân nhắc các điểm đến khác ngoài Trung Quốc cho chuỗi cung ứng và nhà máy của họ và Ấn Độ chính là lựa chọn tiềm năng.

Định hình lại chiến lược phát triển

Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, bà Poonam Muttreja – Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) cho rằng, việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng của Ấn Độ.

Tuy phải đối mặt những thách thức trong việc quản lý dân số ngày càng tăng, nhưng đây cũng là cơ hội để định hình lại các chiến lược phát triển nhằm mang tới cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho người dân.

Theo bà Muttreja, lực lượng dân số trẻ của đất nước có tiềm năng to lớn để thúc đẩy nền kinh tế, điều mà các nhà kinh tế học thường gọi là “lợi tức nhân khẩu học”. Theo dữ liệu của OECD, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ năm 2021 đạt con số khổng lồ 900 triệu người.

TS S.Y. Quraishi, cựu quan chức Ủy ban Bầu cử quốc gia Ấn Độ cho rằng, chính lực lượng lao động này đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng, tạo nên sự bùng nổ của nền kinh tế Ấn Độ. Họ là những Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của thế giới, là động lực của một cuộc cách mạng kinh tế mang lại 90 tỷ USD kiều hối từ nước ngoài năm 2022.

Nhóm này không chỉ trẻ mà còn rất năng động. Họ lớn lên trong nền kinh tế thị trường với khả năng tiếp cận internet và khao khát cạnh tranh trên toàn cầu. Hai phần ba dân số Ấn Độ có quyền truy cập internet trên điện thoại thông minh nhờ các gói dữ liệu giá rẻ trong thập niên qua. Nhà kinh tế Ấn Độ Shruti Rajagopalan nhấn mạnh, thế hệ thanh niên Ấn Độ này sẽ là nguồn lao động và nhóm người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa.

Tuy nhiên, các quốc gia đông dân còn gặp nhiều thách thức khác. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều phải đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng, Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng này nhiều hơn Ấn Độ.

Ấn Độ phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc cung cấp điện, thực phẩm và nhà ở cho dân số ngày càng tăng, với nhiều thành phố lớn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí và nước, và các khu ổ chuột đông đúc.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc lấp đầy các vị trí do dân số già.

Chính phủ Trung Quốc cho biết tuần trước rằng chiến lược quốc gia của họ được thiết kế để “tích cực ứng phó với già hóa dân số, thúc đẩy chính sách sinh ba con và các biện pháp hỗ trợ, đồng thời tích cực ứng phó với những thay đổi trong quá trình phát triển dân số”.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/thay-doi-nao-tu-su-doi-ngoi-quoc-gia-dong-dan-nhat-the-gioi-102230425094027741.htm

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/577654-nhung-nhom-doi-tuong-nao-duoc-de-xuat-tang-luong-co-so-2.html