Những nỗ lực bất thành

VH- Không thành công ở lượt cử đẩy cố sức với trọng lượng lên tới 179 kg, Trịnh Văn Vinh ngã lăn ra sàn đấu và bị tạ va vào đầu gối. Lết cái chân đau lên bục nhận huy chương rồi khi Quốc ca của bạn ngân lên vinh danh ngôi vị cao nhất, Vinh vẫn hát bài Quốc ca của đất nước mình.

“Nếu tôi không bị chấn thương thì hôm nay bài Quốc ca đó phải là Quốc ca của Tổ quốc tôi”, Vinh nghẹn ngào. Và hình ảnh đó cũng đánh dấu những nỗ lực bất thành HCV của Thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu thứ ba của Đại hội.

Trịnh Văn Vinh vẫn hát Quốc ca trên bục nhận huy chương Ảnh: MINH CHIẾN

Các niềm hy vọng vàng dừng bước

Trước khi Trịnh Văn Vinh thi đấu, buổi sáng cùng ngày, tin không vui từ Palembang báo về khi xạ thủ số một Việt Nam, nhà vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh đã không thể giành quyền vào thi chung kết. Xuân Vinh xếp thứ 9 ở vòng loại nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 579 điểm sau 6 lượt bắn. Anh bằng điểm với 2 VĐV xếp trên, nhưng bị loại do kém chỉ số phụ là hệ số điểm tâm. Đây cũng chính là nội dung đã giúp anh bước lên ngôi cao nhất tại Olympic 2016. Thực ra thất bại của Hoàng Xuân Vinh đã được nhìn thấy từ trước khi anh liên tiếp không thành công trong các giải đấu lớn gần đây. Sau chiến tích tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh chỉ thành công với chiếc HCB tại Cúp vô địch thế giới 2017, rồi sau đó chỉ giành HCB SEA Games 29 và vắng bóng trên bục nhận huy chương ở các giải tầm châu lục và thế giới khác.

Sau khởi đầu không may mắn của Hoàng Xuân Vinh trong buổi sáng ngày 21.8, các võ sĩ Wushu ở nội dung biểu diễn đã bước vào các cuộc tranh tài. Điều đáng tiếc là chỉ thiếu một chút may mắn, võ sĩ Phạm Quốc Khánh đã không thể bước lên ngôi cao nhất. Sau bài thi nam côn đạt 9,71 điểm, chỉ kém đối thủ đoạt HCV 0,02 điểm Phạm Quốc Khánh đem HCB về cho Thể thao Việt Nam. Trong khi trước đó, nữ võ sĩ duy nhất đoạt HCV cho Thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội 4 năm trước là Dương Thúy Vi cũng chỉ nhận HCĐ. Cô thừa nhận không có thành tích tốt hơn vì chủ quan trước đối thủ người Iran, VĐV giành HCB. Tổng điểm sau 2 bài thi thương thuật và kiếm thuật của Vi là 19.40 điểm. Wushu taolu cũng là nội dung mà Thể thao Việt Nam hy vọng có vàng và sự dừng bước của các võ sĩ Wushu taolu khiến áp lực đè lên các VĐV chưa thi đấu.

Buổi tối cùng ngày ở lượt thi chung kết nội dung 400m hỗn hợp, nữ kình ngư từng giành 2 HCĐ ở kỳ Asian Games trước - Nguyễn Thị Ánh Viên đã không thể giành huy chương ở nội dung 400m hỗn hợp nữ, khi về thứ năm với thành tích 4 phút 42 giây 81.

Tấm HCB nhiều cảm xúc của Trịnh Văn Vinh

Sau khi niềm hy vọng vàng ở môn Bắn súng và Wushu rơi rụng, đến buổi chiều cùng ngày, mọi sự chú ý đổ dồn về môn Cử tạ khi có lực sĩ trẻ Trịnh Văn Vinh thi đấu ở hạng 62 kg nam. Đây là VĐV từng mang về HCV thế giới nội dung cử giật ở giải đấu năm 2017. Tuy nhiên đối thủ của Vinh ngày hôm qua quá mạnh. Ở nội dung cử giật, Vinh đứng thứ ba với thành tích 133 kg trong khi VĐV dẫn đầu là Irawan Ey (Indonesia) là 141 kg. VĐV đứng thứ 2 là Ergashev A, Uzbekistan là 136 kg.

Ở nội dung cử đẩy, ở lần cử đẩy thứ hai, sau khi lực sĩ Indonesia thành công ở mức 165 kg đã buộc Trịnh Văn Vinh phải nâng mức tạ lên 166 kg. Các thành viên trên khán đài của Đoàn Thể thao Việt Nam đều nín thở và rất may Vinh thực hiện thành công cú đẩy này. Rất tiếc ngay sau đó, lực sĩ Sin Chol Bom (Triều Tiên) thành công ở mức 168 kg, khiến võ sĩ Irawan Ey đẩy mức tố tạ lên 170 kg và nhẹ nhàng thành công ở mức tạ này trong tiếng reo hò cổ vũ của các khán giả chủ nhà. Trịnh Văn Vinh của Việt Nam buộc phải đẩy mức tạ lên 179 kg để tranh chấp HCV với Irawan Ey. Vinh không thành công ở mức tạ anh chưa từng thực hiện được này và võ sĩ Indonesia bước lên ngôi vô địch với tổng trọng lượng là 311 kg, trong khi Trịnh Văn Vinh của Việt Nam giành HCB với tổng trọng lượng 299 kg.

Trước khi lên đường dự Asian Games, Trịnh Văn Vinh bị chấn thương lưng và không thể tập luyện trong suốt 2 tuần. “Để Vinh có thể trở lại và thi đấu đoạt HCB như hôm nay có công rất lớn của đội ngũ bác sĩ”, ông Đỗ Đình Kháng, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Tổng cục TDTT nói. Bước xuống khỏi bục nhận huy chương, Vinh bị chuột rút và đau gối đến mức phải nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ nhưng anh vẫn nói đầy quyết tâm: “Tôi sẽ cố gắng tập luyện thật tốt để lần sau gặp lại anh Irawan Ey sẽ thi đấu tốt hơn”. Và với Vinh, trước mắt sẽ là giải vô địch thế giới. Đó sẽ là cơ hội cho Vinh thực hiện được ước mơ còn dang dở...

THU SÂM (từ Jakarta, Indonesia)

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/th%E1%BB%83-thao/nhung-no-luc-bat-thanh