Những nỗi khổ ít người biết về nghề trợ lý stylist

Không chỉ chuẩn bị trang phục, các trợ lý còn phải lo cả phần bối cảnh và đôi khi là chuyện cá nhân của sếp.

"20 tuổi, tôi làm trợ lý cho một stylist nổi tiếng. Lúc ấy, tôi gần như làm việc không công. Đây là cách vận động trong ngành thời trang. Ở đây, không ai mới vào nghề được trả lương cả", Alice (26 tuổi, trợ lý stylist) kể với Vice.

Công việc thường ngày của Alice là giúp đỡ stylist lựa chọn trang phục theo xu hướng của từng mùa, làm hậu cần trong các buổi chụp hình tạp chí. Đôi khi, cô còn chăm lo cả đời sống cá nhân của sếp.

Khoảng thời gian bận rộn nhất phải kể đến khi diễn ra tuần lễ thời trang. Alice hầu như theo chân stylist khắp mọi nơi, ghi nhớ tất cả thiết kế, sau đó chọn ra những mẫu tiêu biểu. Khi đó, cô thậm chí còn không có thời gian để ăn.

"Bạn phải trở thành bộ não của người đã thuê mình", Alice chia sẻ.

Trợ lý stylist là gì?

Trợ lý stylist là công việc thường được các bạn trẻ đam mê thời trang lựa chọn khi mới vào nghề. Thông qua đó, họ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ và có cơ hội thăng tiến trong ngành.

Đúng với tên gọi của nó, trợ lý stylist như cánh tay phải đắc lực của stylist chuyên nghiệp. Càng nổi tiếng, khối lượng công việc càng tăng lên, các stylist thường tuyển thêm một số bạn trẻ, sẵn sàng chịu mọi khó khăn và áp lực để đi theo giúp đỡ mình.

Tùy theo yêu cầu của stylist, trợ lý sẽ có công việc, vai trò khác nhau. Thông thường, trợ lý stylist đảm nhiệm việc giúp đỡ stylist lên đồ. Họ phải chắc chắn quần áo và phụ kiện được chuẩn bị sẵn sàng, sắp xếp gọn gàng trước buổi chụp hình. Bên cạnh đó, trợ lý stylist đôi khi còn thực hiện khâu trang điểm, giúp người mẫu mặc và sửa sang trang phục.

 Theo Daily Mail, một trợ lý stylist từng chia sẻ mình làm việc 12 giờ không công và bị mắng mỏ thậm tệ khi vô tình phạm lỗi nhỏ. Ảnh: 20th Century Fox.

Theo Daily Mail, một trợ lý stylist từng chia sẻ mình làm việc 12 giờ không công và bị mắng mỏ thậm tệ khi vô tình phạm lỗi nhỏ. Ảnh: 20th Century Fox.

Thực tế, công việc của các trợ lý stylist không chỉ có vậy. Vì là người tiếp xúc hàng ngày, họ có mối quan hệ khá gần gũi với sếp. Họ thậm chí còn kiêm luôn người bầu bạn, sẻ chia chuyện riêng tư cùng stylist thuê mình.

Những công việc về thời trang luôn hào nhoáng ở vẻ ngoài nhưng ẩn chứa nhiều khó khăn. Dù làm việc vất vả và gần như không có thời gian nghỉ ngơi, trợ lý stylist vẫn không được nhận mức lương tương xứng.

Trò chuyện cùng Zing, stylist tự do Tee Vu (25 tuổi) cho hay: "Có những khi phải đi lại xa nhưng không tôi được trợ cấp. Lúc đó, lương rất thấp, may ra chỉ đủ xăng xe và uống nước khi đi chụp thôi".

Ở nước ngoài, một số nhãn hiệu thời trang như RealReal hay REVOLVE trả khoảng 15-16 USD/giờ cho các trợ lý stylist.

"Công việc như cơn ác mộng nhưng gây nghiện"

Trang Vice ví thế giới thời trang như một khu rừng. Ở đó, trợ lý stylist chỉ là những con vật nhỏ bé, thường xuyên bị đói và phải sống giữa bầy thú ăn thịt hung dữ. Nếu không biết cách thích nghi, chúng sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Với ước mơ một ngày trở thành bản sao hoàn hảo của sếp, nhiều trợ lý stylist sẵn sàng bỏ qua lòng tự tôn, chấp nhận tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần khi làm nghề.

Alice nói với Vice: "Tôi phải làm tới 70% công việc trong buổi chụp hình, từ tìm nguồn trang phục và phụ kiện, phối đồ, mặc đồ cho người mẫu hoặc người nổi tiếng, dọn dẹp studio...".

Trợ lý stylist là công việc mơ ước của nhiều bạn trẻ yêu thời trang. Ảnh: Courtesy.

Nữ trợ lý stylist nhớ rõ cảm giác khủng hoảng khi trước giờ G. Một ngày, sếp bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn chủ đề của buổi chụp. Cô phải huy động mọi mối quan hệ, cầu xin sự giúp đỡ để có thể mượn trang phục kịp giờ và chuẩn bị hậu cảnh phù hợp.

Alice thức trắng cả đêm, suýt bật khóc khi người bạn làm trong bộ phận quan hệ công chúng thông báo không thể mang đến chiếc váy của thương hiệu cao cấp đúng như dự định.

"Tôi sẽ mất việc nếu buổi chụp thất bại. Bất cứ ai cũng muốn công việc tôi đang làm và bản thân dễ dàng bị thay thế", nữ trợ lý tâm sự.

Đối với Alice, công việc này là cơn ác mộng nhưng gây nghiện. Cô so sánh mình với người mắc hội chứng Stockholm - tình trạng tâm lý xảy ra khi người bị hại phát triển tình cảm tích cực với kẻ bạo hành.

"Dù yêu cầu đó vô lý đến mức nào, tôi cũng không thể từ chối. Tôi từng phải trả lời hộ sếp tin nhắn nhạy cảm mà bạn trai cô ấy gửi đến", trợ lý 26 tuổi tiết lộ.

"Tôi đi tìm cây thông Noel giữa mùa hè"

Sau một năm học tập, Tee Vu bắt đầu dấn thân vào ngành thời trang. Một trong những công việc đầu tiên cô lựa chọn chính là trợ lý stylist.

"Tôi làm rất nhiều việc vặt và thời gian làm không cố định. Không chỉ đi mượn đồ, tôi còn sơn studio, lang thang khắp nẻo đường dù mưa hay nắng để mua những món đồ phục vụ cho buổi chụp mà stylist yêu cầu", cô gái 25 tuổi chia sẻ với Zing.

Cô từng đi một vòng Hà Nội để tìm cây thông Noel giữa ngày hè nắng nóng 35-40 độ C, sau đó biến nó từ màu xanh thành hồng theo yêu cầu của stylist. Bên cạnh đó, việc bị thương hay mệt mỏi vì làm quá sức cũng là chuyện không tránh khỏi.

Đôi khi, Tee Vu cho rằng các trợ lý phải đánh đổi từ sức khỏe đến tiền bạc bởi stylist là người cung cấp chất xám và phần lớn công việc tay chân giao lại cho cấp dưới.

"Có lúc tôi bị thương trong quá trình làm việc, người mẫu còn thấy xót xa. Nhưng lúc đó, tôi thấy không sao cả vì yêu nghề quá", cô bày tỏ.

Tee Vu chia sẻ trợ lý stylist là người luôn đến sớm nhất nhưng về muộn nhất. Ảnh: NVCC.

Chung quy, các bạn trẻ không ngại khó, ngại khổ trải nghiệm công việc trên đều có cùng ước mơ là trong tương lai được làm stylist thực thụ.

Nhắc đến những gì đã đạt được sau quãng thời gian làm trợ lý, 9X Việt nói: "Tôi thấy giống như đi học trường đời. Tôi tin khi làm và va chạm vào thực tế, bản thân sẽ biết liệu mình có thể theo công việc ấy hay không".

Bên cạnh đó, trợ lý stylist Alice cũng chia sẻ việc cùng nhau vượt qua chuyện tồi tệ đã giúp mối quan hệ giữa cô và sếp khăng khít hơn. Mỗi lần cô bị ốm, sếp đều tỏ rõ sự quan tâm, thậm chí còn âm thầm mua thuốc trị cảm cho cô.

Alice hy vọng: "Tôi tự nhủ rằng sếp không hề tàn nhẫn. Họ chỉ đơn giản là những người biết mình muốn gì. Tôi chấp nhận tất cả để có thể trở thành stylist giỏi và nổi tiếng như sếp".

Khánh Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-noi-kho-it-nguoi-biet-ve-nghe-tro-ly-stylist-post1120537.html