Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Không chỉ bằng ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn thay đổi tư duy, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thích ứng với thị trường.

Không chỉ bằng ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh còn mạnh dạn thay đổi tư duy, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chủ động thích ứng với thị trường. Từ đó mở ra những hướng đi mới hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Anh Lưu Văn Long, ở xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên) là một trong nhiều tấm gương nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) là một trong những đơn vị tiêu biểu trong sản xuất chè hữu cơ của tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm chè của HTX được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và bước đầu được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu.

Để sản phẩm của HTX có được sự tin cậy của khách hàng trong và ngoài nước phải nhắc đến sự tận tâm, dám thay đổi tư duy, cách làm của Giám đốc HTX – ông Tô Văn Khiêm.

Với mong muốn xây dựng, phát triển thương hiệu chè Khe Cốc, năm 2018, ông Khiêm đã vận động một số hộ dân làm chè trong vùng thành lập HTX, liên kết sản xuất với 104 hộ, xây dựng vùng nguyên liệu khoảng 100ha chè. Để tạo ra sản phẩm chè sạch thì cần có quy trình sản xuất sạch, thực hiện bài bản từ khâu chăm sóc, chế biến, năm 2020, ông Khiêm đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041, coi đây là tấm giấy thông hành cho hướng xuất ngoại của chè Khe Cốc.

Sau 3 kiên trì thực hiện, cuối năm 2022, HTX được đơn vị chuyên môn cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho diện tích 20ha của 38 hộ thành viên (riêng gia đình ông được chứng nhận 1,5ha chè).

Cùng với đó, HTX tập trung đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến như: Đầu tư máy sao chè, vò chè công nghệ cao, nhà lạnh để bảo quản chè; cải tiến bao bì, nhãn mác và trang bị các máy móc hiện đại để phục vụ đóng gói chè.

Sản phẩm chè cũng được chế biến đa dạng, từ sản phẩm bình dân như Trà túi lọc Khe Cốc, Matcha, Kẹo lạc, đến các dòng trà cao cấp như Tâm trà Khe Cốc, Trà Móc câu Khe Cốc, Trà Tôm nõn Khe Cốc…

Nhờ mạnh dạn với những hướng đi mới, đến nay thu nhập của gia đình ông Khiêm cùng các hộ thành viên HTX và các hộ liên kết được nâng cao. Riêng gia đình ông mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Năm 2023, ông vinh dự trở thành một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Ở thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), anh Nguyễn Văn Ba được biết đến là người làm nên thương hiệu sản phẩm Miến dong Việt Cường nổi tiếng. Là người con của làng nghề, anh không đành lòng khi nhìn thấy sản phẩm đặc trưng của quê hương chưa tìm được “chỗ đứng” trên thị trường vì người dân chưa quan tâm đến mẫu mã, bao bì, còn sản xuất thủ công, máy móc lạc hậu.

Với quyết tâm tìm giá trị cho sản phẩm, năm 2007, anh Nguyễn Văn Ba thành lập HTX Miến Việt Cường với 7 thành viên, nhằm thay đổi "số phận" đặc sản quê hương. Anh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu chọn nguyên liệu đến áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, thay các công đoạn làm miến thủ công bằng máy móc, đặc biệt là thiết kế bao bì nhằm nhận dạng thương hiệu cho sản phẩm.

Từ sự kiên trì, nỗ lực của anh Ba và các thành viên, HTX Miến Việt Cường đã góp phần rất lớn trong việc khôi phục nghề miến Việt Cường truyền thống, xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Những sản phẩm miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen được nhiều khách hàng ưa chuộng. Năm 2020, cả 4 sản phẩm miến của HTX Miến Việt Cường đều được chứng nhận OCOP từ 3-5 sao, trong đó, sản phẩm miến dong đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia.

Sản phẩm của HTX đã có mặt ở hầu khắp các hệ thống siêu thị lớn (Big C, VinMart, CoopMart…) và xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp 400 tấn miến ra thị trường, với doanh thu trên 20 tỷ đồng.

Về xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên), chúng tôi khá ấn tượng với vườn cây ăn quả 1,5ha của anh Lưu Văn Long, xóm Toàn Thắng 1. Với quyết tâm khởi nghiệp trên đất quê hương, anh đã quy hoạch lại vườn tạp để trồng 4.000m2 thanh long, khoảng 5.000m2 trồng táo, 4.000m2 trồng ổi, đạt sản lượng từ 15-20 tấn quả/ năm.

Toàn bộ quy trình sản xuất đều được anh chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, riêng quả ổi và táo đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, làm ra đến đâu bán hết tới đó. Anh là người đi đầu trong phát triển vùng cây ăn quả của xã Đồng Liên, góp phần vào xây dựng nhãn hiệu tập thể với sản phẩm “Táo xuân 21” của Hội Nông dân xã...

Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều nông dân tiêu biểu của tỉnh đã năng động, tích cực thay đổi những phương pháp sản xuất truyền thống để bắt kịp với xu hướng thị trường, tạo chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm.

Theo thông tin từ Hội Nông dân tỉnh, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có 129.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi, qua bình xét có khoảng 58.000 hộ/năm đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 1 hộ nông dân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III, 27 hộ được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là niềm tự hào, minh chứng cho thành quả của những người nông dân không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202309/nhung-nong-dan-dam-nghi-dam-lam-fcf611b/