Những nông dân không cầm cuốc

Cách đây vài chục năm, họ đều bắt đầu với cái cuốc trên tay, khai phá cao nguyên trồng lên những mầm cây hi vọng. Giờ, họ vẫn làm nông dân, gắn bó với nông nghiệp, nhưng cuốc không còn cầm nữa, những vết sần chai đang dần mờ và mỏng hơn trên bàn tay họ.

Anh nông dân nắn vườn chè làm du lịch.

Anh Hoàng Đức Kế lên Mộc Châu năm 1980, vừa làm công nhân Xí nghiệp Liên hợp Mộc Châu, vừa khai hoang trồng ngô, trồng mận, sau nhận thêm gần 3ha chè của Công ty chè Mộc Châu để khai thác chè bán cho công ty. Làm đủ nghề mà chưa thấy khi nào giàu lên nhờ cây chè. Năm 2014, sau nhiều trăn trở và suy tư anh quyết định trồng 3.000m2 chè Kim Huyên trên diện tích mận không hiệu quả ở gần nhà. Nhưng mục tiêu không phải trồng chè bán búp tươi như làm nông nghiệp đơn thuần trước kia. Anh ấp ủ biến mảnh đất của mình thành điểm du lịch nông nghiệp, vẫn là cây chè, vườn chè như hàng ngàn ha chè khác ở Mộc Châu. Nhưng anh trồng thành hình trái tim, có chữ "I love you" để khách có thể chụp ảnh. Ý tưởng ấy chỉ có gia đình anh và vài người hàng xóm thân thiết quanh tiểu khu 68 biết.

10 năm trời dày công chăm sóc và ấp ủ ý tưởng làm đồi chè trái tim Mộc Châu phải đẹp hơn các đồi chè cũ, rồi cũng đến ngày người nông dân táo bạo ấy nhận thành quả. Tháng 9 năm 2022, anh Kế mở cửa đón khách vào thăm quan đồi chè Trái tim Love Mộc Châu. Người dân địa phương hiếu kì, khách du lịch thích thú, tất cả háo hức đến thăm đồi chè trái tim mới ở Mộc Châu, vừa gần trung tâm, vừa đẹp.

Đồi chè Trái tim Love Mộc Châu thu hút du khách đến tham quan.

Đến nay, sau 9 tháng, 3.000 m2 chè be bé của người nông dân này đã đón khoảng 50.000 lượt khách thăm quan, chụp ảnh, anh chị bán thêm chè và các nông sản khác cho bà con xung quanh; cho thuê trang phục chụp ảnh…. Anh Kế bảo: “Mỗi khách, tôi thu có 30 nghìn đồng gọi là phí chăm sóc vườn, và phí vệ sinh, đón tiếp, chứ nếu thu vé thì còn phải cao hơn”. Khiêm tốn là thế, chứ nhẩm tính, với giá chè tươi như vài năm qua, thì việc trồng chè đón khách vào thăm quan, chụp ảnh của anh Kế hiệu quả hơn gấp nhiều lần.

Khách du lịch đến Mộc Châu có thêm một lựa chọn thăm quan chụp ảnh đồi chè vừa tiện lợi, vừa đẹp, vừa mới mẻ. Chị Kim Dung, khách du lịch Hưng Yên hào hứng chia sẻ: lên Mộc Châu, mọi nguời bảo phải đến đồi chè trái tim, chúng tôi đã có những bộ ảnh rất đẹp với hình trái tim ở đồi chè Love Mộc Châu, người nông dân ở đây thực sự sáng tạo quá!

Ghép mầm yêu thương thành trái cam mơ ước

2 năm gần đây, đến mùa cam, người Việt được thưởng thức giống cam rốn lồi không hạt, ngọt và đậm vô cùng, giống cam ấy có slogan là: “Cam Ly, trái ngọt của yêu thương”.

Giống cam này trước kia, chỉ nước ngoài mới có, tên là cam Navel, phải nhập từ Úc, Mỹ về Việt Nam, bán hàng trăm ngàn 1kg. Ít ai ngờ tới, nếu không nhờ một người nông dân ở Mộc Châu tên Chiến, có lẽ người Việt cũng còn lâu mới trồng được giống cam này và được ăn Cam Navel tươi với giá bằng 1/2 giá cam nhập khẩu.

Ở nhà anh Hà Văn Chiến ở tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu, 2 cây cam Ly gốc vẫn còn đó như minh chứng về một câu chuyện nhân giống hi hữu có 1 không 2 trong lịch sử nông nghiệp thế giới.

Cách đây hơn 10 năm, khi vợ bầu đứa con gái thứ 2, anh Chiến bấm bụng mua cân cam Navel về bồi dưỡng cho vợ, thấy cam ngon, lại thấy cuống quả còn sót mấy mắt ghép, anh Chiến cẩn thận thử ghép lên 2 cây cam trong vườn nhà. 3 năm sau, những mắt ghép ấy cho quả, ăn chẳng kém những quả cam ngoại năm nào. Người nông dân ấy tiếp tục nhân rộng mắt ghép ra cả vườn và đổi đời nhờ cây cam ngoại. Anh cùng đồng sự đặt tên giống rốn lồi vỏ mỏng, ruột vàng, ngọt thơm, không hạt ấy theo tên con gái mình: CAM LY MỘC CHÂU. Thương hiệu cam Ly nhanh chóng lan tỏa cùng câu chuyện về một người nông dân nghèo, yêu vợ thương con và dám làm, chịu khó nghiên cứu, học hỏi để biến điều dường như không tưởng trở thành sự thật.

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, bên vườn cam 1,5ha xanh biếc anh Chiến bảo: “Như một giấc mơ em ạ. Anh thất học, nghèo không thể nghèo hơn, bỏ quê, lên đây chỉ có 2 bàn tay trắng, 2 vợ chồng lấy nhau có mỗi túp lều, chỉ mong đủ ăn là khá. Thế mà, giờ người ta đến tranh mua cam, khách du lịch tới mua cam, mua giống đều đều. Anh chả dấu giống, dấu kĩ thuật, cách đây vài năm anh nhân giống, cung cấp hết cho hàng xóm xung quanh và chỉ bảo kĩ lưỡng cách trồng, chăm sóc”.

Quả thực, nếu vẫn chỉ trồng giống cam cũ, nếu không mày mò học hỏi khắp vùng cam trong cả nước, nếu không dày công tìm tòi, rút kinh nghiệm, người nông dân ấy có khi giờ vẫn còn nghèo và Mộc Châu đã không có những vườn cam Ly Mộc Châu thương hiệu mạnh như bây giờ.

Gia đình anh Chiến mở cửa vườn cho khách vào thăm quan du lịch từ vụ cam 2022, dù ở trong ngõ nhỏ, đường không dễ vào, nhưng du khách cũng không quản ngại đường xá, vẫn đến với vườn cam Ly Mộc Châu để mắt thấy, tai nghe câu chuyện hi hữu và gặp gia đình người nông dân tài giỏi đem về cho Việt Nam giống cam quý hiếm. Có cả những đoàn khách từ Ấn Độ tới thăm quan cũng tấm tắc khen cam ngon và bất ngờ về vườn cam này: quy hoạch vườn bài bản, gọn gàng, đường đi lối lại sạch sẽ, vườn cam được chăm sóc tỉ mẩn. Hỏi ra mới biết, ý tưởng làm du lịch hái quả đã được anh Chiến nghĩ tới và chuẩn bị vài năm rồi.

Du khách tham quan vườn cam Ly của anh Hà Văn Chiến.

Vừa qua, anh nông dân Hà Văn Chiến vinh dự được Huyện ủy - UBND huyện Mộc Châu vinh danh là trong trong 75 tập thể cá nhân tiêu biểu năm 2022 với sản phẩm cam Ly và vườn cam du lịch của mình.

Công nghiệp hóa ước mơ

Anh Mai Đức Thịnh và anh Quyết khởi đầu giống nhau, đều có những tháng ngày thơ ấu cho đến thanh niên bị cái nghèo, cái đói theo đuổi, bị những vết gai cào xước, những lớp chai tay dầy lên từng ngày, cứng lại như sừng.

Nhưng rồi, nhờ những cơ duyên khác nhau, họ đang cùng nhau thay đổi diện mạo nông nghiệp Mộc Châu, thậm chí đại diện nông nghiệp Sơn La sánh vai với nhiều vùng đất mạnh về chế biến nông sản như Đà Lạt.

Anh Thịnh đã thoát ly, đi nước ngoài lao động, nhưng duyên nghiệp đưa anh trở lại Mộc Châu, gánh vác HTX Nông nghiệp 19-5 với mơ ước chế biến quả mận (những năm 2000 rẻ như bùn, đổ thối gốc cây). Anh mày mò tìm tòi chế biến mận tươi thành: mận sấy, mứt mận, siro mận, nấu cả rượu mận… thôi thì đủ cả, miễn sao có thể thành công để giảm bớt áp lực tiêu thụ quả tươi cho xã viên và bà con nông dân. Sau nhiều tháng ngày trăn trở thử và thất bại, rồi anh cũng thành công với sự hỗ trợ của Hội nông dân huyện, tỉnh, của Asodia một tổ chức phi chính phủ của Pháp. Từ đó, thương hiệu Mận Mộc Châu lan xa khắp Việt Nam và sang cả Pháp với sản phẩm rượu mận, mận sấy dẻo…

Anh Quyết, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu lại là một trong những người đầu tiên có vườn hồng giòn Mộc Châu chuyên canh có quy mô lớn, sản lượng cao, chất lượng tốt. Không phải là người mang giống hồng quý từ Nhật về, nhưng anh Quyết góp công không nhỏ trong việc khẳng định sự phù hợp với thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế tốt của giống hồng này so với hồng dại bản địa. Các giống cây trồng khác cũng được anh Quyết say mê tìm tòi, thử nghiệm trong khu vườn của mình ở tiểu khu 34, Tân Lập, rồi nhân giống bán cho nông dân quanh vùng. Đến giờ, sau nhiều năm nghiên cứu, mày mò, tìm tòi học hỏi, người nông dân không bằng cấp này đã trở thành chuyên gia, được sự tín nhiệm của các nhà khoa học đầu ngành ở Việt Nam và cả các tổ chức quốc tế. Anh liên tục nhận các lời mời sang Lào hỗ trợ các dự án nông nghiệp ở vùng Bắc Lào.

Anh Mai Đức Thịnh giới thiệu các sản phẩm du lịch cho các chuyên gia Pháp

Anh tâm sự: "Làm gì phải say, phải mê thì mới hiểu và mới có thành quả được". Mảng nông nghiệp của anh Quyết như thế so với nhiều người cũng đã là thành công, nhưng với anh thế là chưa đủ, anh ao ước những quả tươi phải để lâu được, bán dần dược

Sự say mê nông nghiệp và máy móc dẫn anh tới con đường chế biến nông sản. Anh lập một xưởng chế biến, sấy hồng giòn và các loại hoa quả giống anh Thịnh, vốn đến đâu đầu tư đến đó, ban đầu máy sấy nhỏ, sấy nhiệt, sau có thêm máy sấy lạnh, quy mô lớn, thậm chí thấy anh nhiệt quá, nhà đầu tư bên Hàn Quốc còn gửi máy sấy hiện đại nhất sang cho anh sấy thử hồng theo kiểu sấy của Nhật Bản, Hàn Quốc để, khi thành công họ bao tiêu sản phẩm. Nhiều sản phẩm của HX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu đã có chỗ đứng trên thị trường, thậm chí xuất vào cả Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều đơn vị quốc tế quan tâm xuất ra nước ngoài.

2 hợp tác xã nông nghiệp của 2 người nông dân này đang là đầu tàu trong việc chế biến nông sản và nâng nông sản Mộc Châu, Sơn La lên tầm cao mới. Họ không chỉ giúp giảm bớt nhu cầu tiêu thụ hàng tươi mỗi khi hoa quả vào vụ chín rộ mà còn đang góp phần tạo ra những sản phẩm đặc sản phục vụ quanh năm cho khách du lịch mua quà về cho người thân. Sự phong phú trong nông sản tươi và nông sản chế biến đang tạo nên điểm nhấn cho loại hình du lịch nông nghiệp vốn là thế mạnh của Mộc Châu trong nhiều năm qua.

Anh Mai Đức Thịnh giới thiệu các món ăn đặc sản, độc đáo của người dân bản địa tới các chuyên gia.

Những người nông dân vừa kể trên tiêu biểu cho hàng ngàn nông dân Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung đang ngày đêm trăn trở tìm hướng đi, sáng tạo cách làm mới để: lấy nông làm gốc, bám rễ với quê hương, với mảnh đất cao nguyên xinh đẹp và làm nó giàu hơn, đẹp hợn giá trị hơn.

Thành quả của họ cho thấy những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân hiện đại trong thời kì đổi mới: thông minh, sáng tạo, canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Nó cũng là bài học cho những người nông dân khác, rằng cần cù là phẩm chất cơ bản, nhưng không thể cứ mãi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, phụ thuộc vào trời, đất, mà cần thêm sự nhanh nhạy, sáng tạo, tư duy thức thời nữa.

Văn Giang

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/nhung-nong-dan-khong-cam-cuoc-688037.html