Những nông dân sản xuất hiệu quả từ mô hình đa canh

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được nhiều nông hộ ở các địa phương trong tỉnh thực hiện theo phương thức sản xuất đa canh, với nhiều loại cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, nhằm lấy ngắn nuôi dài, góp phần nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ. Từ đó, có nhiều nông dân thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Nông dân Thạch Pha Rinh với mô hình trồng màu “nuôi dừa dứa”

Năm 2019, ông Thạch Pha Rinh, ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang lập gia đình và lập nghiệp; ông được cha mẹ cho 0,55ha đất ruộng để sản xuất. Do đây là vùng đất sản xuất lúa năng suất không cao, ông Thạch Pha Rinh quyết định lập vườn và sang Bến Tre chọn mua giống dừa dứa để trồng, đây là loại dừa chuyên bán dừa tươi, phục vụ nhu cầu giải khát.

Ông Thạch Pha Rinh bên cây dừa dứa trĩu quả.

Trong thời gian chờ dừa dứa cho trái, ông Thạch Pha Rinh áp dụng phương châm “lấy ngắn nuôi dài” theo hướng hữu cơ. Cụ thể, ông trồng các loại màu, chủ yếu là các loại cây màu ăn lá… xen vào các khoảng đất trống khi dừa còn nhỏ, bón phân bò từ nguồn phân của 03 con bò gia đình nuôi.

Sau 04 năm thực hiện mô hình trồng màu “nuôi dừa dứa” theo hướng hữu cơ, nay ông Thạch Pha Rinh khẳng định: “con đường mình chọn” là đúng, phù hợp. Với 0,55ha vườn do ông lập, trồng gần 200 cây dừa dứa, xen gần 1.000m2 các loại cây màu; dưới mương nuôi tôm, cá… hiện gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Trong khu vườn trồng dừa dứa, ông trồng xen nhiều loại cải, đậu… thời điểm dừa còn nhỏ, khi mùa nắng vừa tưới rau màu, vừa tưới cho dừa; mỗi ngày thu hoạch rau, màu, thu nhập bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Toàn bộ các loại cây trồng của gia đình: dừa và các loại rau, ông đều sử dụng phân hữu cơ (phân bò) để bón, hoàn toàn không sử dụng phân vô cơ, nên người tiêu dùng ưng ý, đón nhận.

Theo ông Thạch Pha Rinh, từ cuối năm 2022, dừa bắt đầu cho trái chiếng, cứ khoảng 03 tuần thu hoạch 01 lần, hiện chỉ khoảng 50%/số gốc dừa cho trái, nên sản lượng từ 500 - 600 dừa/lần thu hoạch; thu nhập bình quân hiện từ 05 - 06 triệu đồng/tháng.

Ông Thạch Pha Rinh cho biết thêm: từ thực tế của vườn dừa, thời gian tới, năng suất sẽ tăng dần, khi 200 gốc đều cho trái, sẽ đạt sản lượng từ 2.500 - 3.000 trái/lần thu hoạch/23 ngày; không lo ngại đầu ra, vì có nhiều thương lái đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, thương thảo ký hợp đồng, tiêu thụ dài hạn.

Theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, mô hình trồng màu “nuôi dừa dứa” theo hướng hữu cơ của ông Thạch Pha Rinh đang được các đoàn thể, nhất là Hội Nông dân xã tìm hiểu, tổ chức nhân rộng cho những hội viên có điều kiện, nhằm phát huy hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ ổn định và bền vững.

Mô hình “đa canh, đa cây” của nông dân Lý Văn Út

Thực hiện Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong 10 năm qua, người dân xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã tích cực hưởng ứng, nhiều nông dân đã thành công với nhiều mô hình đa dạng khác nhau. Trong đó, có ông Lý Văn Út, sinh năm 1974, ngụ ấp Bình Hội, xã Huyền Hội với mô hình “đa canh, đa cây”.

Những thời điểm ít mưa, người nhà của ông Lý Văn Út, tưới cải bẹ xanh và ớt được trồng xen.

Ông Lý Văn Út có 2,8ha đất chuyên sản xuất nông nghiệp; trước năm 2016, ông chỉ sản xuất 03 vụ lúa/năm là chính; xét thấy lúa đem lại lợi nhuận không cao; từ đó, ông giảm dần diện tích trồng lúa, chỉ để sản xuất vụ lúa đông - xuân, còn lại ông cơ cấu các loại cây trồng khác… theo hướng “đa canh, đa cây”.

Từ năm 2020 đến nay, ông Út trồng 0,8ha thanh long, 0,7 các loại cây màu, chủ yếu là ớt chỉ thiên, 0,3ha trồng hành, cải bẹ xanh, tùy theo mùa vụ. Nhờ đó, vụ nào cũng có màu để bán; giá cây này “rớt”, bù lại cây khác… Vào những năm thanh long, ớt chỉ thiên được mùa, được giá, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.

Ông Lý Văn Út chia sẻ: nếu nông dân có đủ điều kiện, nên mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - rau, màu, cây thanh long… sẽ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Tại ấp Bình Hội nói riêng, xã Huyền Hội nói chung, đã có nhiều hộ nông dân đã chuyển hướng sang “đa canh, đa cây” để làm giàu ngay trên mảnh đất của mình.

Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, trên diện tích đất canh tác 2,8ha của gia đình, ông Út đã áp dụng thành công mô hình kinh tế phù hợp. Ông Lý Văn Út là hội viên Nông dân, từ một hoàn cảnh khó khăn, ông đã tích lũy dần, rồi áp dụng thành công mô hình “đa canh, đa cây”, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, trở thành nông dân sản xuất giỏi, mô hình được nhiều người học tập và làm theo.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nhung-nong-dan-san-xuat-hieu-qua-tu-mo-hinh-da-canh-32231.html