Những 'nông dân tây' tại làng rau trăm tuổi

Chỉ mất 15 phút chạy xe máy từ trung tâm thành phố Hội An theo hướng dẫn của 'chị Gu Gồ', tôi đã đến làng rau Trà Quế. Những khuôn mặt đầu tiên tôi gặp dưới ruộng rau không sạm đen nắng gió mà trắng bóc với đôi mắt xanh và mái tóc hoe vàng.

Cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3km, ngôi làng Trà Quế có hơn 300 năm tuổi chuyên trồng những loại rau mang hương thơm nhẹ của quế, nằm êm đềm ven sông Cổ Cò. Làng cổ vẫn còn giữ được nét thanh tịnh, yên bình. Bước vào làng rau, tôi khá bất ngờ bởi những “người nông dân” đặc biệt dưới ruộng rau, đó là những người nước ngoài da trắng tóc vàng, đang hào hứng thử sức với những công việc đồng áng hoàn toàn thủ công của người Việt.

Ngay ruộng rau đầu làng, một bà cụ đang hướng dẫn và cổ vũ một du khách trẻ tưới nước cho ruộng bằng công cụ thủ công. Nói chuyện với tôi, cô bạn Annie đến từ Australia cho biết bản thân rất vui vẻ khi lần đầu được trải nghiệm những hoạt động này, bởi ở nước bạn, hầu hết hoạt động nông nghiệp đều đã được tự động hóa bằng máy móc.

Đây cũng là một trong những hoạt động thu hút du khách nước ngoài nhất tại làng rau Trà Quế và cũng là một phần của hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đang được chú trọng phát triển của Hội An.

Bà Nguyễn Thị Xiêm cho biết đã làm du lịch sinh thái ở Trà Quế từ năm 2005, bắt đầu từ việc hướng dẫn du khách trải nghiệm các hoạt động như tưới cây bằng thùng tưới truyền thống, cuốc đất, đánh tơi đất, trồng rau và cả nuôi cá...

Tới nay, hoạt động này đã trở thành một nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể cho gia đình bà. Mỗi khách đến tham quan làng rau Trà Quế hiện nay đều cần mua vé với mức giá 35.000 đồng. Số tiền này sẽ được trích lại 20% cho nhà nông, cộng với tiền khách biếu thêm, các nông hộ trong làng cũng có thêm một khoản bổ sung bên cạnh nguồn thu chính từ việc trồng và bán rau.

“Hoạt động du lịch này giúp tăng thêm thu nhập cho mình, sau trải nghiệm du khách thường có một khoản bồi dưỡng cho chủ vườn. Tôi cho họ trải nghiệm đủ mọi lao động của nhà vườn từ tưới, trồng cây và cả nuôi cá nữa,” bà Xiêm cho biết.

Anh Trần Văn Việt, hướng dẫn viên du lịch Công ty Jack Trần Tour, cho biết, nhờ sức hút từ hoạt động du lịch cộng đồng này, vào mùa cao điểm trung bình mỗi ngày anh có thể dẫn 1 - 2 đoàn khách nước ngoài tới tham quan làng rau Trà Quế.

Một trong những điểm được du khách nước ngoài yêu thích tại làng Trà Quế đó là việc cây trồng tại đây đều hoàn toàn không sử dụng các chất hóa học mà dùng 100% chất hữu cơ như rong rêu, phân bò, phân trùn rồi lá cây sau vụ thu hoạch bỏ xuống để làm phân bón. Bên cạnh đó, du khách cũng rất thích không gian trong lành cùng những người nông dân thân thiện, chất phác của làng quê Việt.

Theo chân du khách đi vào sâu trong làng Trà Quế, tôi cảm nhận được hương thơm nhè nhẹ của các loại rau gia vị thoang thoảng trong không gian. Theo lời kể của người dân nơi đây, ngôi làng vốn mang tên Nhự Quế. Đến thế kỷ 19, khi vua Gia Long ngự lãm, thưởng thức loại rau lạ vị cay nồng như quế, hương thơm dễ chịu như hoa trà nên đã cho đổi tên làng thành Trà Quế. Tên gọi này đã được lưu giữ đến ngày nay.

Làng rau Trà Quế có diện tích khoảng 40ha, được các hộ dân luân canh, xen canh hơn 20 loại rau ăn lá và rau gia vị khác nhau. Đây là vựa rau lớn nhất tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, chuyên cung cấp nguồn rau tươi sạch chuẩn hữu cơ quanh năm. Ngoài trồng rau, người dân địa phương còn đầu tư phát triển du lịch sinh thái với nhiều loại hình dịch vụ, thu hút du khách thập phương.

Những câu chuyện về trồng rau, bán rau, làm du lịch sinh thái ở Trà Quế bình dị như chính cuộc sống của người nông dân, ngày ngày chăm sóc, tưới tắm, thu hoạch rau và không bao giờ thiếu nụ cười thân thiện. Đó cũng chính là điểm hấp dẫn khiến không ít du khách quay lại làng rau sau lần đầu đến trải nghiệm.

Ông Stefan, một du khách đến từ Đức, cho biết năm nào cũng đến Hội An 2 lần và mỗi lần lưu lại khoảng 2 tuần, nên ông đã quen thuộc với làng rau Trà Quế và những người nông dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Bạn, chủ thửa ruộng rau cải trong làng lý giải về nét đặc trưng của rau trồng tại đây là nhờ được tưới nước khai thác ở Trà Quế. Rau Trà Quế ngon, sạch nhưng sản lượng thấp nên chủ yếu được tiêu thụ ở các chợ, không đủ số lượng lớn để cung cấp thường xuyên cho các siêu thị.

Ông cho biết thêm, mối đe dọa lớn nhất đối với Trà Quế chính là lũ lụt, bởi khi mưa gió, nếu thoát nước không kịp, rau sẽ bị thối hết.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhung-nong-dan-tay-tai-lang-rau-tram-tuoi-post31580.html