Những nốt nhạc vui trong khúc ca giáo dục

Tháng 10 vang bài ca với những nốt nhạc vui của ngành Giáo dục: Tổng kết năm 2018 cả 38/38 lượt thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương gồm: 13 Huy chương Vàng; 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng. Thành tích nổi bật năm 2018 là tiếp nối thành tích cao nhất năm 2017 tất cả các đội tham gia đều đoạt Huy chương Vàng; 100% thí sinh tham gia đều đoạt huy chương.

Học sinh Việt Nam đã khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Đặc biệt, 2 học sinh Phạm Đức Anh và Nguyễn Phương Thảo giành huy chương quốc tế trong hai năm liên tiếp, trong đó có Huy chương Vàng được Nhà nước vinh danh, trao Huân chương Lao động hạng Ba.

Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam cũng đạt thành tích ấn tượng tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học (Intel ISEF). Việt Nam là 1 trong số 43/79 quốc gia/vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải của Intel ISEF 2018. Việt Nam có 8 dự án tham dự Intel ISEF 2018, kết quả: 1 dự án đoạt giải Ba chính thức và 1 dự án được National Institute on Drug Abuse (NIDA) trao giải Khuyến khích (Honorable Mention).

Có thể thấy những đổi mới căn bản, đồng bộ về quản lý trong công tác tổ chức thi chọn HSG quốc gia và tập huấn các đội tuyển của Bộ GD&ĐT đã thực sự phát huy hiệu quả: Tổ chức sớm kỳ thi chọn HSG quốc gia để tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể; tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế; tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn học sinh giỏi…

Chứng kiến những nụ cười rạng rỡ của các học sinh thi Olympic, những ánh mắt tự hào của bạn bè, thầy cô giáo, lại nghĩ đến những khoảng lặng của việc “đem chuông đi đấm xứ người” mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu, ở đó có sự lo lắng, có khoảnh khắc vỡ òa niềm vui và có cả điều tiếc nuối…

Một nhà báo theo dõi giáo dục đã kể trên Facebook riêng tâm sự của thầy giáo từng đưa đoàn học sinh Olympic thi đấu quốc tế về điều thầy nuối tiếc nhất. Đó là một thí sinh làm bài ngày thi đầu tiên không tốt lắm, vì thế em mất tinh thần và ảnh hưởng tới kết quả bài thi ngày hôm sau. Tuy lòng rất buồn nhưng em vẫn cố gắng hòa đồng, bề ngoài tỏ ra bình thường để không ảnh hưởng tới không khí chung của cả đoàn, không để thầy cô phải lo lắng suy nghĩ.

Trong những bức ảnh chụp chung với các bạn, em cười rất tươi. Nhưng khi ở riêng với thầy giáo dẫn đoàn, em đến bên thầy cúi đầu nói khẽ: Em xin lỗi thầy…

Có thể thấy mỗi cuộc thi quốc tế đều rất khó khăn, áp lực. Các học sinh của chúng ta đã phải nỗ lực hết mình học tập, nghiên cứu; các thầy cô giáo dồn tâm sức hướng dẫn, hỗ trợ; gia đình, người thân luôn bên cạnh động viên... Điều đặc biệt là trong số những học sinh giành huy chương quốc tế có những em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng bằng nỗ lực tuyệt vời, các em đã vươn lên đạt thành tích cao trong học tập, trở thành những tấm gương vượt khó học giỏi rất đáng khâm phục.

Những câu chuyện hậu trường của cuộc thi Olympic cho thấy điều nhận được còn hơn cả thành tích chung cuộc, đó là tinh thần đoàn kết, sẻ chia, là suy nghĩ vì tập thể mà những bài toán, những lời giải trên giấy thi không thể hiện. Với mỗi thí sinh đi thi, Việt Nam tự hào trình diện trước thế giới những con người toàn diện cả Đức – Trí – Thể - Mỹ, thành quả của sự đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, ở mỗi nhà trường, mỗi lớp học, hướng tới mục tiêu cao nhất: Khẳng định trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện khát vọng về tương lai phát triển của đất nước.

Tin tưởng, gửi gắm những kỳ vọng vào thế hệ trẻ, tại Lễ tuyên dương Học sinh THPT đoạt giải Olympic và cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc tế năm 2018 đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương – nhắn nhủ: “Thành tích mà các em đã đạt được là ghi nhận vô cùng quan trọng, đáng quý, đáng tự hào trong cuộc đời của mỗi em. Tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu trên hành trình tiếp cận khoa học và trưởng thành của cuộc sống mỗi người. Các em hãy tiếp tục sử dụng thời gian quý giá của tuổi trẻ, nuôi dưỡng hoài bão, nỗ lực không ngừng để thu nhận kiến thức, kỹ năng, hoàn thiện bản thân, trở thành những công dân hữu ích đóng góp cho sự phát triển của đất nước và những nhà khoa học đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại…”.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-not-nhac-vui-trong-khuc-ca-giao-duc-3959413-b.html