Những nữ bí thư kiêm trưởng thôn, khu

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, đã khẳng định: 'Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu là cán bộ gần dân, sát dân nhất, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân rõ nhất. Đây cũng là đội ngũ góp tiếng nói phản biện từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, là cầu nối giữa người dân với cấp ủy đảng, chính quyền'. Công việc của người đứng 'hai vai', nhất là những cán bộ nữ được 'dân tin, Đảng cử' càng khó khăn. Thế nhưng, bằng sự nhiệt huyết, họ không chỉ là những đảng viên 'miệng nói, tay làm' mà còn là những người đang 'thổi lửa' ở cơ sở.

Người "vác tù và hàng tổng" ở Tân Lập

Chị Đỗ Thị Tuyết Thanh đoạt giải A Hội thi kỹ năng, nghiệp vụ của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố cấp tỉnh năm 2019.

Chị Đỗ Thị Tuyết Thanh đoạt giải A Hội thi kỹ năng, nghiệp vụ của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố cấp tỉnh năm 2019.

Khu Tân Lập (phường Phương Đông, TP Uông Bí) đang “nóng lên” bởi công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế, người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh nữ Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Đỗ Thị Tuyết Thanh, đều đặn mỗi ngày tới từng hộ dân vận động và chỉ trở về nhà khi trời đã nhá nhem tối.

Xác định cán bộ, đảng viên trong khu phải gương mẫu đi đầu, chị đã phổ biến, đưa tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trong các cuộc họp, vào nghị quyết của Chi bộ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên. Chị cũng giải thích cặn kẽ cho người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Những vướng mắc mà nhân dân phản ánh đều được chị lắng nghe, chia sẻ và đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ. Nhờ đó, hầu hết các dự án người dân trong khu đều đồng tình, ủng hộ, nhất trí; như dự án mở rộng tuyến đường phía Tây ngã ba đường 10, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, 66 hộ dân ở khu bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Chị Đỗ Thị Tuyết Thanh (bên phải) trao đổi với đại diện cấp ủy phường Phương Đông về việc khảo sát phục vụ thi công một số công trình tại khu Tân Lập.

Đi cùng chị Thanh một đoạn đường ngắn, chúng tôi thấy chị liên tục gọi điện thoại. Thấy có nhà đang đổ đá xây dựng, chị gọi nhắc nhở để vật liệu gọn gàng, tránh ảnh hưởng tới đi lại của người dân; đoạn đường cỏ mọc nhiều, chị gọi điện nhắc chi hội trưởng phụ nữ cuối tuần vận động bà con ra quân dọn vệ sinh; một số khóm hoa bên đường đã héo, chị gọi các hộ xung quanh quan tâm chăm sóc... Từ việc lớn đến việc nhỏ, chị đều sâu sát, quán xuyến, quan tâm, đủ thấy tấm lòng, sự tâm huyết của bí thư chi bộ kiêm trưởng khu này. Không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm, chị Thanh đã chứng minh niềm tin được nhân dân gửi gắm; qua chị, niềm tin được nhân lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ.

Đồng cảm với những hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, không chỉ vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ, chị Thanh còn phát động mô hình “Biến rác thành tiền”. Hằng tháng, chị cùng các hội viên phụ nữ trong khu dành 2 chủ nhật thu gom phế liệu có thể tái chế, bán để gây quỹ ủng hộ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đầu năm đến nay, chị cùng với các chị em trong khu đã trao tặng 600.000 đồng cho 2 hội viên phụ nữ khó khăn.

Tham gia HTX Nông nghiệp từ khi còn trẻ, 3 năm làm trưởng khu, song khi được giao trọng trách “hai vai”, chị Thanh vẫn không khỏi cảm thấy áp lực. Chị Thanh chia sẻ, áp lực cũng là động lực để chị nỗ lực hơn. Bà con đã tin tưởng bầu thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin ấy. Tân Lập không có cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô lớn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên giúp được việc gì cho bà con là phải làm bằng được. Những chuyện mà chị Thanh bộc bạch với chúng tôi toàn chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Đó là những ngày chị loanh quanh không biết bao nhiêu vòng trong thôn vì công việc tổ này, tổ kia. Công việc của cán bộ thôn nhiều khi chiếm hết thời gian chăm lo cho gia đình. Chính những bài học quý báu từ thực tế đã giúp chị giành giải A tại Hội thi kỹ năng, nghiệp vụ của bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố cấp tỉnh năm 2019.

Tiễn chúng tôi, chị Thanh hồ hởi khoe, năm tới khu Tân Lập sẽ được đầu tư xây dựng một loạt công trình như: Mở rộng lan can cầu Ông Còi, nâng cấp tuyến đường tổ 6, xây mới nhà văn hóa... Chắc chắn Tân Lập sẽ còn xanh - sạch - đẹp hơn nữa.

Người "thổi lửa" ở Làng Mô

Chị Vũ Thị Tươi giới thiệu mô hình lúa chất lượng cao.

Ở những huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Ba Chẽ, công việc của cán bộ thôn, nhất là cán bộ nữ vất vả hơn bội phần.

Làng Mô là thôn có diện tích, dân số, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn thứ 2 trên địa bàn xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ). Làng Mô đã từng là thôn có số hộ nghèo cao nhất xã, nhưng đó là chuyện của quá khứ. Làng Mô hiện là thôn đi đầu về phát triển sản xuất, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng... Kết quả này có sự nỗ lực rất lớn của nữ bí thư kiêm trưởng thôn Vũ Thị Tươi.

Đến năm 2015, thôn vẫn còn có 36 hộ nghèo, 72 hộ cận nghèo. Cùng với đó, đường sá, kênh mương... xuống cấp, đời sống người dân khó khăn. Làm thế nào để người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống khiến chị Tươi đau đáu mỗi ngày. Với quyết tâm thay đổi cuộc sống, giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, chị mạnh dạn đề xuất với huyện và xã hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, bà con hiến đất, đóng góp ngày công. Với 70% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số, còn lại là dân kinh tế mới, để vận động được nhân dân không hề dễ dàng. Xác định được những khó khăn, ngay khi có chủ trương hỗ trợ, chị Tươi đã họp thôn nhiều lần để thông báo, tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Nữ cán bộ thôn bắt đầu hành trình dài bằng công tác tuyên truyền, đến từng nhà giải thích, vận động, thuyết phục “Vận động một lần chưa được thì vận động nhiều lần. Nhiều việc nếu mình chỉ nói bà con chưa nghe thì mình phải làm trước cho bà con thấy. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì khó khăn nào cũng vượt qua” - Chị Tươi bộc bạch.

Chị Vũ Thị Tươi thăm hỏi, khích lệ, động viên hộ nghèo xây nhà ở vững chãi.

Nhờ đó, những con đường quanh thôn được đổ bê tông, uốn mình giữa những cánh đồng lúa xanh ngắt; các công trình nối tiếp được đưa vào sử dụng, như: Mương Nà Hiển, đập mương Bản Trang, mương Bằng Giềng, đập mương Gốc Mai, đường trục thôn gắn với đường sản xuất thôn... Làng Mô đang khoác lên mình, dáng của một phố thị.

Có cơ sở hạ tầng rồi, chị Tươi lại tất tả ngược xuôi hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình kinh tế phát triển sản xuất, nào là nuôi gà, chăn trâu, trồng mía, trồng keo... rồi đến trồng lúa chất lượng cao. Năm 2018, toàn thôn có 7 hộ thoát nghèo, trong đó 5 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo; hiện thôn chỉ còn 5 hộ nghèo. Chị Tươi vui mừng: "Thấy sự quyết tâm thoát cái nghèo của bà con, mình chẳng có gì vui hơn. Cũng chỉ mong sao cho mưa thuận, gió hòa để các mô hình kinh tế của bà con có hiệu quả, cuộc sống của bà con ngày một khá hơn, thôn xóm thêm giàu đẹp…".

Gánh “2 vai” tức là phải “trọn việc Đảng, tròn việc dân”, bởi vậy mà lo cho nhân dân thôi chưa đủ, người nữ cán bộ thôn còn phải nghĩ cách để xây dựng chi bộ đảng vững mạnh. “Nói phải đi đôi với làm”, từ khi đảm nhiệm cương vị bí thư chi bộ, chị đã rà soát trong đội ngũ chi hội thôn để vận động những người đủ tiêu chuẩn phấn đấu vào Đảng trước. Đến nay, Chi bộ Làng Mô có 18 đảng viên tiên phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ của thôn, trong phát triển kinh tế, là người “thổi lửa” cho các phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

"Nữ tướng" khu Nam Sơn 2

Bà Bùi Thị Kể trao đổi với cán bộ khu phố về việc sửa chữa Nhà văn hóa khu.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu Nam Sơn (phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) Bùi Thị Kể vừa chỉ đạo nhóm thợ sửa chữa Nhà văn hóa khu rộng 170m2 kịp hoàn thành trong tháng 9 này, đáp ứng nhu cầu hội họp, vui chơi, giải trí cho hơn 300 hộ dân của khu hiện nay. Điều đặc biệt ở đây, toàn bộ kinh phí sửa chữa Nhà văn hóa 150 triệu đồng do những "đảng viên 76" (đảng viên đang công tác sinh hoạt tại nơi cư trú, theo Quy định số 76-QĐ/TW) và nhân dân khu phố đóng góp. Bà Kể cho biết: Nhà văn hóa được xây dựng từ những ngày khu phố mới được thành lập chỉ với 100 hộ dân, nay khu phố đã lên tới hơn 300 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu. Nhà văn hóa cũ trở nên chật hẹp. Mỗi khi hội họp, khu phố phải tổ chức 2 buổi. Các cháu không có chỗ vui chơi. Toàn bộ số tiền do "đảng viên 76" và nhân dân trên địa bàn ủng hộ qua từng năm được dành để sửa chữa Nhà văn hóa".

Tuyến đường 249, khu Nam Sơn 2 đang được thi công mở rộng.

“Nói phải củ cải cũng nghe”, đó là quan niệm của bà Kể. Tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, bà đều đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Theo bà, điều quan trọng nhất là mình phải làm gương cho mọi người thấy trước, phải làm cho người dân hiểu được rằng, mọi công việc đều là vì lợi ích cho tổ dân, khu phố mỗi gia đình.

Để cho khu phố xanh - sạch - đẹp, cách đây vài tuần, người dân Nam Sơn 2 lại thấy hình ảnh nữ trưởng khu không kể sớm tối có mặt hỗ trợ từng gia đình tháo dỡ công trình, dịch tường rào, hiến đất. Ngay khi có chủ trương của thành phố hỗ trợ gần 9 tỷ đồng mở rộng tuyến đường ngõ 249 nối từ QL18 tới Nhà văn hóa khu, bà Kể đã tiến hành họp cấp ủy mở rộng, Chi bộ, "đảng viên 76", các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, tuyên truyền ý nghĩa của dự án, huy động sự đóng góp, vận động các hộ hiến đất. Kết quả, toàn bộ 20 hộ dân dọc hai bên tuyến đường đã đồng loạt tháo dỡ bờ tường, dịch tường rào, hiến 500m2 đất để mở rộng đường.

Ngay sau đó, bà Kể lại đi vận động 23 hộ dân trên tuyến đường gom từ cầu Cẩm Đông tới Trạm thu phí BOT, dịch tường rào để mở rộng tuyến đường. Cứ thế, công việc cuốn đi, vì lợi ích của tổ dân, khu phố, bà Kể dù đã ở tuổi xế chiều vẫn không biết mệt mỏi.

Phụ nữ đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không còn xa lạ; nhưng nữ bí thư kiêm trưởng thôn, khu thì chỉ riêng có ở Quảng Ninh. Họ đã khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới từ cơ sở.

Cao Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201909/nhung-nu-bi-thu-kiem-truong-thon-khu-2452998/