Những nữ Cảnh sát giỏi việc nước, đảm việc nhà ở Bắc Kạn

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 Báo CAND xin giới thiệu ba gương nữ Cảnh sát giỏi việc nước, đảm việc trong lực lượng Công an Bắc Kạn những bà Trưng, bà Triệu của thế kỷ 21.

1. Trung úy Hoàng Thị Nguyệt là Cảnh sát khu vực Công an phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Sau khi tốt nghiệp trường Công an, Nguyệt được phân công công tác tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ - Công an tỉnh Bắc Kạn.

Một thời gian sau, chị được điều động về Công an phường Đức Xuân, được phân công phụ trách địa bàn gồm 1.985 nhân khẩu, trong đó có 15 đối tượng thuộc diện quản lý của Công an. Với Trung úy Nguyệt, khó khăn nhất là việc triệu tập các đối tượng liên quan đến ma túy tới phường để xét nghiệm. "Thấy em tới nhà đưa giấy triệu tập, có đối tượng dùng bơm kim tiêm đã qua sử dụng để thách thức, có đối tượng bỏ trốn, có đối tượng có cả lời nói lẫn hành động xúc phạm phụ nữ…" - chị Nguyệt nói.

Ngô Huyền N., 36 tuổi, trú tại phường Đức Xuân là đối tượng khó bảo nhất mà chị Nguyệt từng gặp. Từ nghiện ma túy, N. sinh ra trộm cắp tài sản để lấy tiền hút và sau đó phải nhận án tù. Không cai nghiện được, sau khi ra tù, N tiếp tục vi phạm các quy định của pháp luật. Chị Nguyệt nhiều lần tới nhà khuyên nhủ, động viên N bỏ ma túy, không trộm cắp nữa mà hãy tu chí làm lại cuộc đời để mang lại hạnh phúc và sự bình yên cho gia đình, bản thân và xã hội. Mưa dầm thấm lâu, hiểu được thiện ý của chị Nguyệt, N. đã nghe theo lời khuyên và tự giác viết cam kết không mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, không trộm cắp tài sản và đồng ý đi cai nghiện theo diện bắt buộc.

Đại úy La Thị Thứ

Khó khăn lớn nhất của chị Thứ chính là thời gian chăm sóc cho con khi chồng chị một tuần về nhà một lần. Mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ dồn lên đôi vai của chị. Vợ chồng ở riêng lại có một cháu mới sinh năm 2011 nên chị Thứ luôn phải cố gắng hơn nhiều đồng nghiệp khác thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Chị Thứ nói rằng, so với Cảnh sát khu vực là nam thì Cảnh sát khu vực là nữ gặp khó khăn hơn trong các ca trực đêm.

Thượng úy Nguyễn Thị Thùy

So với khu vực của chị Nguyệt và chị Thứ, địa bàn chị Thùy quản lý có số đối tượng phức tạp nhiều hơn. Điều mà các nữ Cảnh sát khu vực gặp khó khăn, nhất là quản lý địa bàn có nhiều đối tượng ma túy thì chị Thùy đón nhận.

"Có tối em đi quanh địa bàn phụ trách tình cờ nhìn thấy một số bơm kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi mà bần thần cả người. Đối tượng nghiện phải gánh chịu hậu quả thì đã đành. Nhưng chẳng may ai đó vô tình đụng phải những chiếc bơm kim tiêm vứt bừa bãi kia thì thật tội cho họ. Trong đầu nghĩ vậy và em âm thầm theo dõi nhóm nghiện nào nào sử dụng, họ từ đâu đến hay là công dân mình đang quản lý để tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ huy Công an phường.

Đêm đến, khi chồng con đã ngủ thì em lại lặng lẽ ra khỏi nhà để bám mục tiêu, quyết ngăn chặn nhóm nghiện mang mầm bệnh đến địa bàn mình phụ trách" - chị Thùy kể.

"Vậy chị không sợ sao?" - tôi hỏi. Chị Thùy cười trả lời: "Nói thực là em cũng lo. Nhưng mình là Cảnh sát khu vực mà lại buông lỏng quản lý địa bàn mình phụ trách thì đâu được. Từ ý nghĩ đó mà em quyết tâm cao nên dần thành quen. Dẹp được bọn nghiện, giữ bình yên cho địa phương không chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà cũng là việc đáng làm quá chứ anh".

Thiếu tá Dương Thanh Hoài, Phó trưởng Công an thị xã Bắc Kạn: Cảnh sát khu vực là công việc vất vả không chỉ với nữ mà đối với nam cũng rất vất vả và không phải ai cũng có thể gắn bó lâu dài. Theo nhận xét của lãnh đạo Công an thị xã Bắc Kạn, Trung úy Hoàng Thị Nguyệt, Đại úy La Thị Thứ và Thượng úy Nguyễn Thị Thùy đều là những Cảnh sát khu vực không quản ngại khó khăn, vất vả và rất tâm huyết với nhiệm vụ được giao. Dẫu chưa đồng chí nào được đào tạo chuyên môn về Cảnh sát khu vực, nhưng bằng sự tự học hỏi, tận tụy trong công việc, trong thời gian dài công tác, ba đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được dân mến, dân yêu, đồng đội quý mến.

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/binhyencuocsong/ghichep/2011/10/184643.cand