Những 'nữ thủ lĩnh' ở Mường Quạ

Mường Quạ (thuộc hai xã Môn Sơn và Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An) được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử. Cuộc sống đổi thay, những cô gái Thái nơi đây không chỉ giỏi việc nhà mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, nhiều chị em trở thành 'thủ lĩnh' của bản làng.

Trận đấu bóng chuyền giữa hai bản Khe Ló và Thái Hòa (Môn Sơn) diễn ra khá sôi nổi. Ngoài sân, một người phụ nữ hơn 30 tuổi chạy đi chạy lại chỉ đạo, nhắc nhở từng cầu thủ thi đấu như một huấn luyện viên. “Cô ấy là Lương Thị Tâm, Bí thư kiêm Trưởng bản Khe Ló đấy” - một người dân bản Khe Ló nói với chúng tôi.

Chị em phụ nữ xã Môn Sơn xem triển lãm tranh ảnh và tư liệu truyền thống cách mạng của quê hương

Trận đấu kết thúc, chúng tôi gặp gỡ và chuyện trò với chị Tâm. Chị cởi mở: Chị làm dâu Khe Ló, được bà con bầu làm đội phó đội sản xuất, sau đó công tác ở Chi hội Phụ nữ. Năm 2016, chị được bầu làm Bí thư chi bộ, rồi kiêm Trưởng bản từ tháng 7-2018. Bản Khe Ló hiện có 144 hộ (22% hộ nghèo), 619 nhân khẩu, chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm hai vụ lúa, chỉ đủ ăn, còn việc chi tiêu và trang trải cuộc sống chỉ biết trông vào bán trâu, bò, lợn, gà, cuộc sống của bà con Khe Ló không mấy dư giả và đó cũng chính là nỗi trăn trở của chị. Để nâng cao thu nhập, chị Tâm vận động bà con không để đất hoang, trồng ngô trên đất hai lúa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất, sản lượng nông nghiệp bước đầu đã tăng lên đáng kể, thu nhập cũng được nâng lên, bà con Khe Ló càng thêm tin tưởng vào người phụ nữ trẻ…

Nằm cách Khe Ló không xa, đời sống vật chất và tinh thần ở bản Cằng trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể. Trong niềm vui khởi sắc, bà con ghi nhận một phần công lao của chị Lô Thị Hương (sinh năm 1969), người 14 năm liên tục làm Trưởng bản. Chị Hương chia sẻ với chúng tôi: Khi mới làm Trưởng bản, nhận thấy bà con vẫn giữ thói quen tuyển giống lúa, ngô từ nguồn sản phẩm thu hoạch nên năng suất không cao, chị vận động bà con mua giống lúa, ngô lai. Ban đầu, chỉ một ít người nghe theo, về sau thấy năng suất cao, dân bản đồng loạt mua và gieo trỉa giống mới. Những năm qua, bà con nông dân bản Cằng liên tục được mùa lúa, một phần là do biết cách lựa chọn giống lúa phù hợp, tiếp đến là cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Những việc ấy đều do Trưởng bản Lô Thị Hương hướng dẫn và khuyến khích.

Bí thư Chi bộ bản Thái Hòa Lô Thị Mười (ngoài cùng bên trái) trao đổi với dân bản về chuyển đổi cây trồng

Chưa hết, hơn 10 năm trước, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc Thái hiện rõ, người trẻ không mấy mặn mà với các điệu xuối, lăm, nhuôn... và các nhạc cụ truyền thống. Trước thực trạng ấy, chị Hương và nghệ nhân Lương Văn Nghiệp đã có sáng kiến thành lập CLB dân ca Thái nhằm tập hợp những người có năng khiếu và đam mê để lưu giữ, truyền dạy những làn điệu dân ca, những điệu múa Thái, để những vốn quý ấy không mai một theo thời gian. Đến nay, CLB đã có gần 50 thành viên, được công nhận là mô hình cấp tỉnh, trở thành điểm ghé thăm của du khách mỗi khi về khám phá vẻ đẹp sông Giăng - mường Quạ - đại ngàn Pù Mát.

Xuôi về bản Thái Hòa, chúng tôi được nghe câu chuyện bà Lô Thị Mười (sinh năm 1959), giáo viên về hưu, hiện là Bí thư chi bộ bản, với việc chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập cho dân bản. Năm 2010, vừa nghỉ hưu, bà Mười được người dân Thái Hòa bầu làm trưởng bản, từ năm 2014 đến nay là Bí thư chi bộ. So với các bản cùng xã, cuộc sống ở Thái Hòa gặp nhiều khó khăn, nhận nhiệm vụ, bà Mười vô cùng trăn trở. Sau thời gian dài quan sát và suy nghĩ, bà nhận ra một thực tế: Bao đời nay, bà con chỉ quen trồng cây ngô, cây đậu, lâu năm đất đã bạc màu, giống cây đã thoái hóa nên năng suất thấp. Phải có sự thay đổi về cơ cấu cây trồng.

Bà Mười vận động bà con chuyển đổi trồng ngô, đậu sang trồng mía. Mùa đầu chỉ hơn 50% số hộ đồng ý chuyển đổi. Cây mía được chăm sóc đúng kỹ thuật cho năng suất cao, đầu ra được bảo đảm nên vụ đầu thắng lợi, thu nhập gấp 5-6 lần trồng ngô. Những vụ tiếp theo, toàn bộ diện tích đất màu được trồng mía, thu nhập của các hộ tăng lên rõ rệt. Mỗi khi nói về cây mía, bà con bản Thái Hòa lại nhắc đến công lao của bà Mười với sự biết ơn và kính trọng. Còn bà Mười chỉ nghĩ đơn giản: “Đó là nhiệm vụ của một đảng viên, luôn suy nghĩ và đặt lợi ích của bà con dân bản lên trước”.

Chị em phụ nữ Mường Quạ bên khung cửi

Bà con bản Bắc Sơn thường gọi hai chị Vi Thị Đại (sinh năm 1970) và Nguyễn Thị Nhuần (sinh năm 1985) là “cặp bài trùng”, bởi chị Đại là Trưởng bản, chị Nhuần là Bí thư chi bộ. Tuy mới đảm nhiệm công việc chưa lâu nhưng “cặp bài trùng” này đã để lại nhiều dấu ấn với bản làng, trong đó đáng kể nhất là làm đường giao thông nội bản. Đường của bản cheo leo và lầy lội, đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, hai chị bàn bạc rồi thông qua chi bộ, vận động dân bản làm đường bê tông. Sau bao nỗ lực, cuối cùng cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, nhưng vẫn còn điều trăn trở vì thiếu cây cầu dân sinh bắc qua sông Giăng để bà con khỏi phải hằng ngày đánh xe trâu vượt sông qua bên kia gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch mùa màng, vất vả, gian nan, nguy cơ rủi ro rất lớn. Cùng với đó, đồng ruộng còn thiếu nước sản xuất, nguồn thu nhập của bà con chưa ổn định nên việc đẩy lùi cái đói, cái nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ở Môn Sơn, ngoài chị Đại và chị Nhuần còn có thêm “cặp bài trùng” Lang Thị Liên (Trưởng bản) - Vi Thị Ngân (Bí thư chi bộ) ở bản Thái Sơn 2. Bà con nơi đây thường gọi họ là “cặp đôi hoàn hảo” bởi sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng và hiệu quả trong công việc. Sự “hoàn hảo” ấy khiến người dân bản Thái Sơn 2 thêm tin yêu các “nữ thủ lĩnh” của mình...

Hiện tại, xã Môn Sơn có tới 10/14 bản có “nữ thủ lĩnh”, như các Bí thư chi bộ Hà Thị Thìn (bản Xiềng), Hà Thị Thuận (Thái Sơn 1), Lô Thị Biện (Tân Sơn), Lương Thị Chinh (Cửa Rào), Quang Thị Vân (Nam Sơn). Ở họ có điểm chung là nhiệt tình với công việc, làm việc vì lợi ích của cộng đồng làng bản, được dân bản tin tưởng và yêu mến. Bí quyết để làm tốt và hoàn thành công việc là gương mẫu đi đầu, tôn trọng ý kiến người dân, công khai tài chính. Và, điều đáng nói là đằng sau họ luôn có sự hậu thuẫn của gia đình, sự cảm thông, chia sẻ, động viên của chồng, con, đó chính là động lực để các “nữ thủ lĩnh” yên tâm với công việc.

Chưa kể, ở xã Môn Sơn hiện có 10 cán bộ có trình độ đại học, 6/10 người có trình độ trung cấp chính trị và 3 người trong số đó đang giữ vị trí chủ chốt các ban, đoàn thể, có nhiều đóng góp cho sự khởi sắc đi lên của vùng núi cao khó khăn.

Ông Vi Văn Nam - Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn: “Ở Môn Sơn, đội ngũ cán bộ cấp thôn bản khá đông đảo, chị em luôn nhiệt tình và sáng tạo trong công việc, đạt hiệu quả cao, được nhân dân yêu mến và tín nhiệm”.

Trần Công Kiên

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-nu-thu-linh-o-muong-qua-518307.html