Những 'nữ tướng' vùng cao

Bài 1: Người ta không dám làm, mình phải làm

Bài 2: Muốn dân vận tốt thì phải hiểu dân

Bài 3: Dân vận không chỉ bằng lời nói

Bài 4: “Bông hoa” giữa đại ngàn

LCĐT - Nhắc đến cán bộ làm công tác mặt trận, nhiều người nghĩ họ phải là những người lớn tuổi, trải qua nhiều chức vụ và có nhiều năm công tác ở địa phương. Vậy nhưng, ở mảnh đất Y Tý (huyện Bát Xát) xa xôi lại có một nữ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã tuổi đời vừa mới ngoài 30. Nữ cán bộ ấy còn là người Hà Nhì - dân tộc vốn có nhiều định kiến với phụ nữ.

Lý Giá Sơ trò chuyện với phóng viên về quãng thời gian vượt khó để đi học và mối lương duyên với công tác mặt trận.

Từ bao đời nay, phụ nữ Hà Nhì rất thiệt thòi, họ ít được học tập, phải sớm lấy chồng rồi sinh con, cuộc sống chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà trình tường từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Với Lý Giá Sơ thì khác, cô đã dũng cảm vượt qua mọi định kiến để chứng minh rằng phụ nữ Hà Nhì cũng có thể “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Không chỉ vậy, cô còn được ví như “chất keo” kết nối khối đại đoàn kết các dân tộc nơi đại ngàn Y Tý.
Mặc dù đã hẹn trước nhưng khi chúng tôi đến UBND xã Y Tý thì chị Lý Giá Sơ lại phải xuống cơ sở vì có việc đột xuất. Tiếp chúng tôi là anh Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý. Anh Cường bảo: Đồng chí Sơ vừa xuống thôn Choản Thẻn vì bà con đang đổ bê tông làm hơn 500 m cống thoát nước. Toàn bộ tiền mua nguyên liệu và ngày công lao động đều do người dân trong thôn tự nguyện đóng góp. Cũng nhờ có đồng chí Sơ nhiệt tình, chịu khó tuyên truyền, vận động nên bà con mới đồng thuận hưởng ứng như vậy.

Nhận xét thêm về nữ cán bộ mặt trận, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Đây là nữ cán bộ người Hà Nhì còn trẻ nhưng giàu nghị lực, luôn có tinh thần và trách nhiệm cao, thường xuyên bám nắm địa bàn, năng nổ, nhiệt tình với các công việc của tập thể.

Đến thôn Choản Thèn, chúng tôi thấy một số người đang phát cỏ, dọn vệ sinh hai bên đường. Sau khi chào hỏi, biết chúng tôi tìm chị Lý Giá Sơ, một người đàn ông chừng ngoài 60 tuổi nói: “Bạn của Sơ thì cũng là bạn của chúng tôi rồi, cô ngồi đây đợi để tôi bảo người đi gọi cô Sơ về. Chúng tôi vừa làm xong cống thoát nước, chắc cán bộ Sơ lại tranh thủ đi thăm nhà nào trong thôn rồi”.

Vài phút sau, một cô gái vóc dáng nhỏ nhắn trong trang phục truyền thống Hà Nhì bước thoăn thoắt về phía chúng tôi với nụ cười “tỏa nắng” khiến ai gặp lần đầu đều cảm thấy ấn tượng. Chị Lý Giá Sơ trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 31. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em nhưng chỉ có Lý Giá Sơ được bố mẹ cho đi học. Vì bố mẹ mất sớm nên từ nhỏ, Sơ được các anh, chị dạy cho tính tự lập và mạnh mẽ. Sau khi tốt nghiệp THCS, Lý Giá Sơ xin anh trai cho đi học tiếp THPT. Ban đầu anh trai không đồng ý vì điều kiện gia đình khó khăn. Sơ vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học tập. Chị nói với anh trai: “Anh cứ cho em đi học, ngoài giờ học, em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Thấy quyết tâm của em gái, anh trai chị không đành lòng bắt em ở nhà như bao cô gái Hà Nhì khác. Sau khi tốt nghiệp THPT, Lý Giá Sơ tiếp tục theo học Trung cấp Pháp lý tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lào Cai và sau đó nhận công tác tại UBND xã Y Tý vào tháng 6/2013. Tháng 12/2018, cô được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Y Tý.

Những năm trước, tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương xảy ra khá nhiều trên địa bàn xã Y Tý. Chị Lý Giá Sơ bộc bạch: “Để xảy ra tình trạng này, lỗi đầu tiên là do những người làm công tác mặt trận như chúng tôi chưa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân nên không tìm ra cách giải quyết hiệu quả”. Hiểu được điều đó, chị Sơ thường xuyên xuống các thôn, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội phụ nữ để kịp thời nắm hoàn cảnh của từng chị em sinh sống trên địa bàn. Chị cho rằng, muốn người khác nghe theo mình thì bản thân phải hiểu hoàn cảnh và chia sẻ với họ. Chị còn thường kể cho chị em nghe những câu chuyện về cuộc sống của phụ nữ khi sang bên kia biên giới gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm…

Sau khi nghe cán bộ Sơ khuyên nhủ, nhiều phụ nữ trong xã đã từ bỏ ý định sang Trung Quốc, đồng ý ở lại quê hương, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng hạnh phúc gia đình. Chị Ly Ha De, ở thôn Choản Thèn cho biết: Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, tôi có 3 người con, chồng thì đã qua đời. Sau khi được chị Sơ khuyên nhủ, tôi quyết định không sang Trung Quốc làm thuê nữa mà ở nhà làm ruộng, nuôi gà, chăm sóc 3 con khôn lớn. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng tôi còn có gia đình, họ hàng, làng xóm quan tâm, giúp đỡ.

Được biết, đến năm 2018, xã Y Tý chỉ còn 2 trường hợp phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, chị Lý Giá Sơ xác định rõ nhiệm vụ của mình là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Xã Y Tý hiện có 930 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu, nơi đây là “mái nhà” chung của 4 dân tộc: Hà Nhì, Mông, Dao và Kinh. Chính vì vậy, công tác vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc được cán bộ Lý Giá Sơ đặt lên hàng đầu.

Trước đây, người dân trong xã thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì tranh chấp đất đai, nguồn nước... nhưng nay, mọi người đã biết đề cao tinh thần đoàn kết, quan tâm đến nhau, thậm chí có nhiều người còn tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà văn hóa thôn. Tiêu biểu như bà Giàng Thị Ké ở thôn Phìn Hồ tự nguyện hiến 500 m2 đất và ông Vàng A Sáo ở thôn Hồng Ngài hiến 1.200 m2 đất trồng cây để xây dựng nhà văn hóa thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã Y Tý.

Để có được sự thay đổi ở mảnh đất quanh năm mưa mù bao phủ, chẳng có ngày nào chị Lý Giá Sơ không lặn lội xuống các thôn, đến từng nhà để thăm hỏi cuộc sống của bà con. Chẳng cần phải đợi đến các buổi họp thôn, dù là ở giữa ruộng hay ở trong nhà, chị cũng không do dự, sẵn sàng “xắn tay” vừa làm, vừa trò chuyện với mọi người. Nhờ đó, nhận thức của người dân địa phương ngày càng được nâng cao, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tính đến hết năm 2018, xã Y Tý có 11/14 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, 838/930 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Chính sự chân thành, hết lòng vì người dân đã khiến bà con quý mến và cảm phục nữ cán bộ người Hà Nhì - Lý Giá Sơ.

Với đặc thù là xã vùng cao, biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, có nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, nhưng chị Lý Giá Sơ luôn tâm niệm: Là cán bộ làm công tác mặt trận thì phải “miệng nói, tay làm”, có như vậy, người dân mới tin và làm theo. Với sức trẻ cùng tinh thần ham học hỏi từ các thế hệ đi trước, chị Lý Giá Sơ đã và đang phát huy được tình đoàn kết, gắn bó, chung sức, đồng lòng của nhân dân. Nơi vùng cao còn nhiều gian khó này, những nữ cán bộ như chị Lý Giá Sơ đang góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, bình yên, hạnh phúc.

Thy Khanh - Thanh Huệ - Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/nhung-nu-tuong-vung-cao-z62n20190725140427821.htm